BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: PVCFC

MÔI TRƯỜNG

Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành và quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 (được thể hiện trong Chính sách chất lượng, an toàn, môi trường, giám định và thử nghiệm của Công ty PVCFC) để kiểm soát công tác môi trường. Tất cả các nguồn thải của Nhà máy được kiểm soát chặt chẽ và được giảm thiểu tối đa về số lượng, đồng thời việc kiểm soát chất lượng luôn đạt quy định cho phép trước khi thải ra môi trường. Năm 2023, Công ty không có ghi nhận nào về việc vi phạm các quy định pháp luật về môi trường.

Ngay từ khi được thành lập, PVCFC luôn chú trọng xây dựng hệ thống quản lý và hệ thống kiểm soát môi trường. Các quy định về an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường đều được Công ty tuân thủ nghiêm ngặt như: xây dựng hệ thống quan trắc trực tuyến để theo dõi, giám sát hoạt động phát thải của nhà máy liên tục và được truyền tuyển dữ liệu đến Sở Tài nguyên Môi trường để quản lý, giám sát; Kết quả quan trắc môi trường hàng quý đều được chúng tôi thông báo công khai trên website của Công ty tại mục QHSE. Phương pháp quản lý, các hoạt động và kết quả thực hiện về môi trường cho từng nội dung cụ thể được mô tả dưới đây.

GRI
303
NƯỚC TIÊU THỤ VÀ NƯỚC THẢI

Đối với các nhà máy sản xuất nói chung, Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng thì việc sử dụng nguồn nước là bắt buộc (nước cấp nồi hơi để sản xuất hơi nước, nước sông làm mát tuần hoàn hở làm mát qua hệ thống tháp cooling, nước fresh làm mát tuần hoàn kín,…) phục vụ cho yêu cầu công nghệ sản xuất. Ngoài ra, các sinh hoạt hàng ngày vẫn phát sinh nước thải sinh hoạt tùy vào nhu cầu.

PVCFC luôn kiểm soát và quản lý việc sử dụng nước sạch, nước sông đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, Công ty cũng chú trọng xây dựng và tuân thủ quy trình xử lý nước thải nhằm đảm bảo chất lượng nước thải trước khi đưa nước thải trở lại nguồn nước, tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại địa phương.

Lượng nước khai thác và xả thải

Lượng nước phục vụ cho mục đích làm mát được sử dụng nhiều nhất, có nguồn từ nước sông, ít bị ô nhiễm bởi quá trình vận hành sản xuất, và luôn đảm bảo chất lượng khi đưa trở lại nguồn.

Tổng lượng nước sông khai thác năm 2023 là 16,45 triệu m3 và năm 2022 là 15,08 triệu m3; Tổng lượng nước cấp năm 2023 là 1,2 triệu m3 và năm 2022 là 1,14 triệu m3; Tổng lượng nước thải phát sinh năm 2023 là 11,97 triệu m3 và năm 2022 là 11,8 triệu m3. Tổng lượng nước sông khai thác và tổng lượng nước thải phát sinh tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều nằm trong giới hạn cho phép khai thác, xả thải, đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép.

Tổng lượng nước sông
khai thác năm 2022

15,08 triệu m3

Tổng lượng nước sông
khai thác năm 2023

16,45 triệu m3

Tổng lượng nước cấp

2022

1,14

triệu m3

2023

1,2

triệu m3

Tổng lượng nước thải

2022

11,8

triệu m3

2023

11,97

triệu m3

Tổng lượng nước sông khai thác và tổng lượng nước thải phát sinh
tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều nằm trong giới hạn cho phép
Công tác kiểm soát chất lượng nước thải

Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, chúng tôi luôn duy trì vận hành liên tục các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải nhiễm dầu và nước thải khác 24/24 và có hệ thống quan trắc môi trường liên tục kiểm soát chất lượng nước thải ra môi trường và tuân thủ các QCVN như sau:

  • Đầu ra hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt: Các thông số quan trắc theo dõi như: pH, BOD5, TSS, TDS, Chất hoạt động bề mặt, Dầu mỡ động thực vật, Sunfua, Amoni, Tổng phốt pho, Tổng nitơ, Coliform, Lưu lượng, tuân thủ theo QCVN 14/2008/BTNMT.
  • Đầu ra hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu và đầu ra hệ thống xử lý nước thải nhiễm amoniac: Các thông số quan trắc: pH, Màu, BOD5, COD, Chất rắn lơ lửng, Asen, Thủy ngân, Chì, Cadimi, Sắt, Đồng, Tổng dầu mỡ khoáng, Sunfua, Amoni, Tổng nitơ, Tổng photpho, Clo dư, Coliform, Lưu lượng nước thải, tuân thủ theo QCVN 40:2011/BTNMT.
  • Đầu ra chung của 03 hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu, nhiễm amoniac, nước thải sinh hoạt và trên kênh thoát nước chung: các thông số quan trắc: Nhiệt độ, Màu, pH, BOD5, COD, TSS, Tổng chất rắn hòa tan (TDS), Asen, Thủy ngân, Chì, Cadimi, Đồng, Sắt, Tổng dầu mỡ khoáng, Tổng các chất hoạt động bề mặt, Dầu mỡ động, thực vật, Sunfua, Amoni (tính theo Nitơ), Tổng nitơ, Tổng photpho, Clo dư, Coliform, tuân thủ theo QCVN: 40:2011/BTNMT.
  • Đầu ra nước sông làm mát thải: Các thông số quan trắc: pH, Nhiệt độ, Clo dư, TSS tuân thủ theo QCVN: 40:2011/BTNMT.
Lượng nước tiết giảm

Nhờ các biện pháp tiết kiệm nguồn nước và ý thức của mỗi cán bộ công nhân viên, lượng nước sản xuất tiêu hao/tấn sản phẩm năm 2023 tiết giảm 0,15%. Dự kiến vào cuối năm 2024 chúng tôi sẽ đưa dự án thu hồi nguồn nước xả từ hệ thống RO hiện hữu, ước tính sẽ giúp tiết kiệm hàng năm lên đến 4,1 tỷ đồng và giảm được lượng hóa chất sử dụng cho hệ thống xử lý nước.

GRI
301
NGUYÊN VẬT LIỆU ĐẦU VÀO

Công nghệ sản xuất trong ngành phân bón nói chung và tại Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng có đặc thù sử dụng nguồn nguyên liệu là khí tự nhiên (năng lượng hóa thạch). Do đó vấn đề phát thải khí nhà kính và nóng lên toàn cầu được PVCFC đặc biệt quan tâm và chú trọng. Công ty không ngừng cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa nguồn nhiên liệu, tìm kiếm các giải pháp mới và đột phá để tiết kiệm và nâng cao công suất, qua đó giảm phát thải khí nhà kính cho Nhà máy Đạm Cà Mau.

Về tiêu hao khí tự nhiên tại Nhà máy Đạm Cà Mau có 2 vấn đề: nguyên liệu khí và nhiên liệu khí đem đốt. Theo đặc thù công nghệ thì lượng khí đốt cung cấp nhiệt thừa sinh hơi tại cụm reforming và lượng khí đốt cho nồi hơi phụ trợ cung cấp hơi cao áp vẫn là lượng khí tiêu hao cho mục đích hơi sử dụng tại chu trình công nghệ Nhà máy. Năm 2022, khí permeate là lượng khí nhiên liệu được thu hồi tận dụng cho việc đốt, nhưng trong năm 2023, chúng tôi đã đưa lượng khí permeate đã thu hồi hoàn toàn lượng CO2/ và lượng khí còn lại sau xử lý đáp ứng điều kiện công nghệ vào làm nguyên liệu sản xuất với lượng thu hồi dòng khí permeate gas năm 2023 là 19,96 triệu Sm3/năm. Ngoài ra, chúng tôi đã áp dụng nhiều các giải pháp cải tiến nhằm tăng sản lượng và giúp giảm 0,44% lượng khí tiêu hao so với năm 2022.

Các giải pháp Thời điểm đưa vào hoạt động Hiệu quả kỹ thuật
Thu hồi dòng khí Permeate làm nguyên nhiên liệu Năm 2019 - nay Lượng khí Permeate thu hồi 18,35 triệu Sm3 (năm 2022), 19,96 triệu Sm3 (năm 2023)
Thay thế hệ thống hệ thống phân phối các tháp S04301, S04302, C04301 Tháng 09/2022 Mở rộng công suất tổng thể cụm tách CO2, giảm lượng CO2 slip đầu ra tháp hấp thụ, gia tăng được sản lượng NH3 5,4 tấn/ngày
Tách lỏng dòng flash gas và sử dụng Washed gas đầu ra C0403 làm nguyên liệu sản xuất Tháng 11/2022 Gia tăng được sản lượng NH3 7,1 tấn/ngày
Thu hồi Hydro trong dòng offgas

Giai đoạn 1: 12/2021

Giai đoạn 2: 11/2022

Tăng sản lượng NH3 18 tấn/ngày
Lắp đặt E04212C để tối ưu hóa hoạt động LTS Tháng 11/2022 Tăng sản lượng NH3 4,4 tấn/ngày

Hơn nữa, năm 2023 Nhà máy Đạm Cà Mau với việc “Nỗ lực không ngừng” đã duy trì hoạt động liên tục và ổn định hơn 350 ngày mà không xảy ra bất kỳ sự cố dừng máy. Thành tựu này đã được Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsoe chứng nhận. Ngoài ra, Nhà máy Đạm Cà Mau còn được Nhà bản quyền Toyo Engineering Company (TEC) cấp chứng chỉ về kỷ lục duy trì vận hành phân xưởng Tạo hạt theo công nghệ hạt đục của Toyo với 45 ngày vận hành liên tục và ổn định. Việc duy trì sự hoạt động liên tục của Nhà máy đã PVCFC giúp giảm đáng kể lượng phát thải ra môi trường.

Hiện nay chúng tôi đã và đang triển khai các dự án “xanh” và sẽ đưa vào ứng dụng trong tương lai, hướng đến xu thế sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh:

  • Dự án năng lượng tái tạo điện mặt trời áp mái tại Nhà máy Đạm Cà Mau.
  • Dự án tích hợp sản xuất Hydro xanh từ điện phân sử dụng năng lượng tái tạo.
  • Dự án thu hồi CO2 trong dòng khí tự nhiên hiện hữu để giảm thiểu CO2/ phát thải.
  • Dự án thu hồi CO2 trong dòng khói lò đốt từ các cụm công nghệ.
GRI
305
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Công ty luôn ý thức được rằng biến đổi khí hậu là vấn đề rất nghiêm trọng và được quan tâm nhất hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình sản xuất, kinh doanh của Công ty. Trên cơ sở đó, Công ty xây dựng các chính sách, quy trình về vận hành, SXKD để giảm tối đa tác động của quá trình tới việc biến đổi khí hậu. Các công tác đánh giá tác động môi trường được PVCFC chú trọng ngay từ giai đoạn đầu đưa Nhà máy Đạm Cà Mau vào hoạt động (năm 2011). Điều này được thể hiện thông qua các quy định đảm bảo tính tuân thủ và nhất quán được phổ biến đến từng cán bộ nhân viên PVCFC.

Báo cáo phát thải khí nhà kính

PVCFC luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về báo cáo phát thải khí nhà kính. Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, PVCFC thực hiện báo cáo tuân thủ theo Nghị định Chính phủ số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Thông tư số 38/202/3 TT-BCT về việc đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công thương. Năm 2023, Chúng tôi đã kiểm tra thu thập thông tin đánh giá theo hướng dẫn như sau:

Năm 2022, nhiên liệu đốt trực tiếp cho hệ thống công nghệ bao gồm nhiên liệu đốt cho nồi hơi phụ trợ, cụm reforming và hệ thống flare. Tổng lượng khí tiêu thụ năm 2023 (555,98 triệu Sm3/năm) tăng 3,42% so với năm 2022 (357,57 triệu Sm3/năm). Năng lượng tiêu hao khí năm 2023 là 35,494 GJ/Tấn NH3 giảm 4,3% so với tiêu hao khí năm 2022 (35,648 GJ/T.NH3). Điều này cho thấy các dự án, cải tiến cải tạo góp phần quan trọng cho việc giảm tiêu hao, giảm phát thải CO2. Hiện PVCFC chưa thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính CO2 trên tất cả các phạm vi, nhưng việc xem xét các số liệu và thống kê đã được theo dõi và so sánh theo từng năm.

Các cơ sở tính toán như sau:

  • Điện phát thải: theo công bố của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/12/2021, hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam năm 2021 là 0,7221 tCO2/MWh
  • Khí tự nhiên (1.000 m3) theo IPCC: 2,114 tCO2/đơn vị
  • Dầu DO (1.000 lít) theo IPCC: 2,73 tCO2/đơn vị
  • Xăng A92, A93 (1.000 lít): 2,408 tCO2/đơn vị
Hoạt động phát thải Đơn vị tính Năm 2022 Năm 2023 Ghi chú
Cường độ phát thải tấn CO2/tấn SP 0,5463 0,5433 Giảm 0,56%
Tổng lượng phát thải (A+B) tấn CO2/năm 501.395,5 515.635,3 Tăng 2,84%
A. Phát thải trực tiếp (1+ 2) tấn CO2/năm 380.996,82 392.803,5 Tăng 3,1%
1. Nhiên liệu đốt tấn CO2/năm 379.729,98 391.404,74 Tăng 3,07%
Khí tự nhiên tấn CO2/năm 340.928,5 352.603,31
Khí Permeate tấn CO2/năm 38.801,4 - 38.801,4
2. Nhiên liệu xe đưa đón tấn CO2/năm 1.266,8 1.398,7 Tăng 10,41%
Dầu DO tấn CO2/năm 409,91 872,5
Xăng A92, A95 tấn CO2/năm 856,93 526,23
B. Phát thải gián tiếp tấn CO2/năm 120.398,7 122.831,9 Tăng 2,02%
Điện tiêu thụ tấn CO2/năm 120.398,7 122.831,9

Theo tính toán hiện tại, năm 2023 tổng lượng phát thải tăng 2,84% nhưng cường độ phát thải/tấn sản phẩm sản xuất giảm 0,56% cho thấy hiệu quả của các cải tiến và giải pháp giải phát thải tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Các giải pháp giảm tác động biến đổi khí hậu

Trong năm 2023, PVCFC đã triển khai trồng 300.000 cây xanh đóng góp vào chương trình 1 triệu cây xanh do Chính phủ phát động, hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đồng thời, việc triển khai hiệu quả công tác chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính cũng được Công ty chú trọng. Năm 2023, PVCFC đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, nhằm phân công chỉ đạo rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng tổ, từng cá nhân và đưa ra kế hoạch thực hiện các dự án như: Hệ thống sản xuất CO2 thực phẩm tích hợp, các dự án thu hồi CO2 từ các nguồn như tách CO2 trong dòng fuel gas (chứa 8% CO2), thu hồi CO2 từ dòng khói lò reforming, năng lượng mặt trời áp mái khoảng 5 MWh tại Nhà máy Đạm Cà Mau, tăng công suất Nhà máy thêm 5% sử dụng Hydro xanh từ công nghệ điện phân,…

Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra kế hoạch ngắn và dài hạn theo từng mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2030, dự kiến 60 nghìn tấn CO2/năm, cụ thể như sau:

Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về việc xả thải ra môi trường. Tất cả các nguồn khí thải của Nhà máy đều được kiểm soát chặt chẽ về số lượng và chất lượng, đảm bảo luôn đạt quy định cho phép trước khi thải ra môi trường:

  • Các vị trí quan trắc khí thải: Ống khói reforming sơ cấp; Ống khói nồi hơi Phụ trợ; Ống khói tạo hạt với các thông số quan trắc: Bụi, CO, NOx, SO2, NH3, tiếng ồn, độ rung. Theo QCVN: 19/2009/BTNMT; 21/2009/BTNMT.
  • Kết quả quan trắc định kỳ năm 2023 tại tất cả các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, Công ty còn lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động, liên tục giám sát khí thải tại một số vị trí và thông số như sau: Khí thải tại ống khói tạo hạt: lưu lượng, áp suất, bụi, nhiệt độ và NH3; Khí thải tại ống khói Amoniac: nhiệt độ, lưu lượng, áp suất, bụi, NOx, SO2; Khí thải tại ống khói NPK: Nhiệt độ, áp suất, bụi.
  • Dữ liệu quan trắc tự động, liên tục được thu nhận với tần suất 5 phút/dữ liệu và được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cà Mau.
GRI
302
QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG
Các loại năng lượng tiêu thụ

Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng hai nguồn năng lượng quan trọng nhất là khí tự nhiên và điện. Như chúng ta đã biết nguồn khí là nguồn không thế tái tạo và có thể là một trong những yếu tố rủi ro nhất khi thiếu hụt nguồn khí sản xuất tại Đạm Cà Mau nói riêng và Cụm công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau nói chung. Trong những năm gần đây, Nhà máy đã thực hiện cải tạo cải hoán tăng công suất và đạt 115,5%, dẫn đến nhu cầu nguồn khí ngày càng tăng trong khi việc tìm kiếm nguồn khí thay thế là rất khó khăn. Nhận thấy tầm quan trọng của việc này, vào đầu năm 2024, PVCFC đã quyết định thành lập tổ chỉ đạo và triển khai nghiên cứu các phương án, giải pháp và tính pháp lý thương mại để đa dạng hóa nguồn khí dài hạn cho hoạt động phát triển bền vững của PVCFC.

Cách thức quản lý năng lượng

Hàng năm, PVCFC đặt ra những quy định về định mức kinh tế kỹ thuật nhằm định hướng và thúc đẩy Khối vận hành sản xuất tìm kiếm các giải pháp giảm tiêu hao, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, Công ty đã tổ chức xem xét, rà soát và lập kế hoạch phê duyệt giai đoạn 2019 - 2030, chia làm 2 nhóm nhiệm vụ chính:

Nhóm nhiệm vụ I: Tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Công ty đã đưa ra một số giải pháp kiểm soát và thực hiện tuân thủ theo Bộ Định mức Kinh tế Kỹ thuật của Công ty: luôn kiểm soát tốt về mặt tiêu hao hàng năm và tiết giảm năng lượng.

Các sáng kiến cải tiến về công nghệ từ năm 2022 đến nay góp phần giảm lượng CO2 phát thải tại PVCFC cụ thể như sau:

  • Hệ thống thu hồi MP vent gas Xưởng Urê để làm nhiên liệu đốt reforming, giúp giảm tiêu hao năng lượng 4,81 GJ/h và giảm một phần khí nhà kính CO2.
  • Việc thay thế SuperCups Trays cho thiết bị phản ứng R06101 giúp tăng tính hoạt động ổn định ở tải cao và tăng hiệu suất chuyển hóa Urê thêm 0,75% và tiết giảm năng lượng khoảng 6,86 GJ/h.
  • Vào tháng 07/2023 Chúng tôi đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống ORC giúp tận dụng lượng nhiệt thừa sản xuất điện với công suất vận hành 113 kWh. Tính đến hết năm 2023, PVCFC đã giảm 425,28 MW/năm lượng điện tiêu hao và tương đương giảm lượng phát thải CO2 tại Nhà máy Điện sử dụng khí tự nhiên.

Nhóm nhiệm vụ II: Nâng cao công suất theo mục tiêu chiến lược đến năm 2025 tăng công suất vận hành lên 115% tải.

Từ năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau luôn duy trì công suất cao 110%, trội hơn 1% so với các nhà máy khác (109%) thậm chí năm 2023 đạt kỷ lục 115,5% về công suất vận hành, nhưng nhà máy Đạm Cà Mau lại tiêu thụ năng lượng khá thấp. Cuối năm 2022, Nhà máy Đạm Cà Mau vinh dự được Haldor Topsoe trao chứng chỉ “Top 10% Nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới” và thuộc nhóm 10% các nhà máy có công suất cao toàn cầu.

Trong năm 2023, PVCFC vừa ban hành mô hình quản lý năng lượng và đang xem xét các chính sách và hoạt động quản lý năng lượng một cách hiệu quả toàn vẹn và hướng tới xây dựng mô hình quản lý năng lượng theo ISO 50001:2018. Để tìm kiếm những giải pháp tối ưu, PVCFC đã đăng ký tham dự Chương trình DEPP3 “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025” nhằm hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành Công nghiệp, thông qua việc xây dựng và thí điểm Chương trình Thỏa thuận tự nguyện và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn ở Việt Nam.

Kết quả sử dụng năng lượng năm 2023

Theo kế hoạch hoạt động SXKD đến năm 2025 được chấp thuận trong Nghị quyết số 6395/NQ-DKVN của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, mục tiêu đặt ra cho Nhà máy Đạm Cà Mau là tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng đến năm 2025 tiết giảm được 5% so với định mức năm 2022. Sau quá trình cải tiến liên tục và tối ưu hóa sản xuất, năm 2023 tỷ lệ năng lượng giảm đã đạt 4,23% so với định mức năm 2022.

năm 2023 tỷ lệ năng lượng giảm đã đạt

4,23%

so với năm 2022

Nội dung Năm 2022 Năm 2023 Ghi chú
Sản lượng Urê sản xuất (nghìn tấn/năm) 917,77 949,13 Tăng 3,42%
Tiêu hao năng lượng khí (GJ/tấn ure bao) 20,205 20,116 Giảm 0,44%
Tiêu hao năng lượng điện (GJ/tấn ure bao) 1,659 1,697 Tăng 2,34%
Tổng năng lượng tiêu hao (GJ/tấn ure bao) 21,864 21,813 Giảm 0,23%

Về nguồn năng lượng điện, chúng tôi luôn chú trọng công tác tiết giảm và sử dụng hiệu quả các nguồn điện sử dụng, điện sản xuất và luôn tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tận dụng nguồn nhiệt thừa, nguồn nhiệt tiêu hao để góp phần tạo ra nguồn điện hữu dụng, góp phần tiết kiệm năng lượng và tối ưu chu trình hoạt động của Nhà máy. Năm 2023 tiêu hao điện sản xuất tăng nhưng tổng cường độ sử dụng điện cho Nhà máy Đạm Cà Mau giảm 1,98% so với năm 2022:

năm 2023 CƯỜNG ĐỘ SỬ DỤNG ĐIỆN GIẢM

1,98%

so với năm 2022

Nội dung Đơn vị tính Năm 2022 Năm 2023 Ghi chú
Tổng điện sử dụng MW/năm 166.734,1 170.103,7 Tăng 2,02 %
Cường độ sử dụng MW/tấn sản phẩm 0,1817 0,1792 Giảm 1,35%
Cường độ năng lượng GJ/tấn sản phẩm 1,633 1,611 Giảm 1,35%
GRI
306
QUẢN LÝ CHẤT THẢI

PVCFC luôn có các kế hoạch, phương án thu gom, lưu trữ và kiểm soát chất thải trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của pháp luật hiện hành. Tổng quan công tác quản lý chất thải năm 2023 được thể hiện như sau:

  • Chất thải sinh hoạt: phát sinh từ khối văn phòng, nhà ăn, căn tin, nhà vệ sinh,... với khối lượng là 112.760 kg vào năm 2023 và 110.426 kg vào năm 2022. Chất thải sinh hoạt được thu gom và chuyển giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Cà Mau xử lý theo quy định.
  • Chất thải rắn công nghiệp thông thường: gỗ vụn, pallet hỏng, nhựa, sắt phế liệu,... phát sinh là 63.288 kg vào năm 2023 và 66.752 kg vào năm 2022 được thu gom và chuyển cho đơn vị đủ năng lực xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Chất thải nguy hại: phát sinh với khối lượng 155.714 kg vào năm 2023 và 324.926 kg vào năm 2022, được phân loại, thu gom tại nguồn, lưu chứa tạm tại kho chứa CTNH của Nhà máy sau đó chuyển giao cho đơn vị đủ năng lực xử lý theo quy định của pháp luật.
GRI
304
ĐA DẠNG SINH HỌC

PVCFC luôn có các kế hoạch, phương án thu gom, PVCFC hiểu rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có tác động lớn tới sự đa dạng sinh học. Việc sử dụng các sản phẩm phân bón sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sự đa dạng sinh học. Do đó, ngoài việc nghiên cứu và cải tiến công nghệ sản xuất, chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu các tác động của việc sử dụng sản phẩm đến đa dạng sinh học và đưa ra các sản phẩm có tác động tích cực hơn tới môi trường nói chung và đa dạng sinh học nói riêng.

Các dự án tiêu biểu đã hoàn thành và đưa vào áp dụng là dự án thu hồi permeate gas và dự án thu hồi MP vent gas: khí thải được đốt trực tiếp ra môi trường được chuyển thành nhiên liệu để cung cấp nhiệt cho quá trình sản xuất. Bên cạnh các dự án thành công đó, Công ty còn nghiên cứu nhiều sản phẩm mới theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nhằm giảm phát thải khí nhà kính như: N46 plus, Urea BIO. Các sản phẩm này tiếp tục được nghiên cứu cải tiến, phát triển.

Trong năm 2023, chúng tôi đang triển khai một số dự án nổi bật như:

  • Sản xuất CO2 thực phẩm: Tận dụng các nguồn khí thải đã thu hồi làm tăng sản lượng CO2. Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu để chuyển một phần CO2 dư này thành sản phẩm CO2 thực phẩm. Sản phẩm này vừa góp phần giảm phát thải trực tiếp, vừa giúp chúng tôi tạo ra sản phẩm mới đồng thời có thể mở rộng hoạt động của Công ty trong chuỗi giá trị mới.
  • Dự án nghiên cứu tận dụng hydrogen xanh để thay thế một phần hydrogen tại Nhà máy Đạm Cà Mau: Nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng chung của thế giới, chúng tôi đã hợp tác với một số đối tác để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất hydrogen bằng công nghệ điện phân để thay thế một phần hydrogen đang được sản xuất bằng nguồn năng lượng tái tạo hiện tại.