BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: PVCFC

QUẢN TRỊ

RỦI RO

Hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp PVCFC đã sớm được xây dựng từ năm 2018. Từ đó đến nay, công tác quản trị rủi ro luôn được chú trọng và ngày càng hoàn thiện. Năm 2019, Công ty đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công phần mềm quản trị rủi ro, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2020. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự nỗ lực tiên phong nhằm gắn hoạt động quản trị rủi ro đi liền với vận hành thực tiễn hàng ngày của Công ty, đồng thời tạo dấu mốc một bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động quản trị rủi ro.

PVCFC áp dụng mô hình “Ba tuyến” để hỗ trợ HĐQT và Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm giám sát và vận hành hoạt động QTRR, thông qua việc nhận diện các yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới việc thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược của Công ty và đưa ra các biện pháp xử lý để giảm thiểu các mối đe dọa, tận dụng được các cơ hội.

Mô hình ba tuyến gồm

Tuyến thứ nhất

là các Đơn vị trực thuộc Ban Điều hành, là các chủ sở hữu rủi ro.

Tuyến thứ hai

là Ban PCTT, thực hiện chức năng kiểm tra giám sát, tư vấn cho tuyến thứ nhất.

Tuyến thứ ba

là Ban Kiểm toán nội bộ - UBKT&QTRR thuộc HĐQT, thực hiện chức năng kiểm toán nội bộ đối với tuyến thứ nhất và thứ hai.

Hình: Mô hình 3 tuyến của PVCFC

CÁC HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ RỦI RO TRONG NĂM 2023

Từ khi triển khai quản trị rủi ro, Công ty đã ban hành Tuyên ngôn về Khẩu vị rủi ro, Mức độ chấp nhận rủi ro và Thước đo rủi ro; xây dựng quy chế cho hoạt động quản trị rủi ro, quy trình thực hiện cũng như ban hành Hồ sơ rủi ro cấp Công ty và cấp đơn vị.

Thực tiễn vận hành qua các năm, khung cơ sở pháp lý về quản trị rủi ro trên luôn được Công ty rà soát, cập nhật lại cho phù hợp mục tiêu chiến lược của Công ty trong từng thời kỳ. Năm 2023, trước những khó khăn trong nước và thế giới đặt ra ngày càng nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Công ty đã rà soát, đánh giá, cập nhật lại các văn bản, quy định hiện hành có liên quan hoạt động rủi ro.

Trong năm vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty đã ban hành cập nhật lại Quy chế quản trị rủi ro, đồng thời cập nhật lại Tuyên ngôn về Khẩu vị rủi ro, Mức độ chấp nhận rủi ro và Thước đo rủi ro. Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc ban hành lại Quy trình quản trị rủi ro. Ban Điều hành rà soát, đánh giá, nhận diện và ban hành Hồ sơ rủi ro cấp Công ty và Hồ sơ rủi ro cấp Đơn vị, theo đó giúp nhận diện từng nguyên nhân gốc rễ dẫn tới rủi ro, đề ra các giải pháp ứng phó và hành động chi tiết, phân công các đơn vị đầu mối và đơn vị phối hợp nhằm đảm bảo hiệu quả mục tiêu kiểm soát rủi ro.

Trên cơ sở phân loại rủi ro theo 4 nhóm chính tại Quy chế quản trị rủi ro, PVCFC đã nhân diện các rủi ro trọng yếu cấp Công ty như sau:

RỦI RO CHIẾN LƯỢC
  • Rủi ro về biến động giá trong hoạt động kinh doanh hàng tự doanh (Kali, DAP, v.v) ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận được phê duyệt: Khả năng biến động giá làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh hàng tự doanh (Kali, DAP, v.v) dẫn đến giảm lợi nhuận đã được phê duyệt theo kế hoạch của Công ty.
  • Rủi ro về cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm với các nhà sản xuất trong khu vực: Khả năng xảy ra cạnh tranh trong việc thụ sản phẩm với các nhà sản xuất trong khu vực gây ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch doanh thu và sản lượng đã được phê duyệt.
RỦI RO HOẠT ĐỘNG
  • Rủi ro về nguy cơ dừng máy, giảm tải do sự cố giàn cấp khí dẫn đến mất sản lượng: Khả năng dừng máy do gián đoạn nguồn khí (giàn bị sự cố có thời gian khắc phục >24h hoặc thiếu khí) dẫn đến mất sản lượng.
  • Rủi ro hư hỏng dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất dẫn đến mất sản lượng: Khả năng dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất ở nhà máy bị hư hỏng rất khó có thể thay thế hoặc mất nhiều thời gian sửa chữa dẫn đến mất sản lượng.
  • Rủi ro an ninh mạng và bảo mật thông tin
  • Rủi ro dòng sản phẩm mang thương hiệu Phân bón Cà Mau của Công ty (Hữu cơ, NPK) không đạt chất lượng hóa tính và/hoặc lý tính theo tiêu chuẩn công bố: Khả năng dòng sản phẩm mang thương hiệu Phân bón Cà Mau của Công ty (Hữu cơ, NPK) không đạt chất lượng hóa tính và/hoặc lý tính theo tiêu chuẩn công bố, gây ảnh hưởng đến danh tiếng và phát sinh các chi phí liên quan đến thu hồi sản phẩm, đền bù cho khách hàng.
RỦI RO TUÂN THỦ
  • Rủi ro vi phạm quy định về an toàn, sức khỏe và môi trường: Khả năng Công ty vi phạm các quy định về môi trường, sức khỏe, an toàn, an ninh và các yêu cầu về giấy phép hoặc không đảm bảo các trách nhiệm về môi trường. Từ đó, dẫn đến các chấn thương các nhân nghiêm trọng, thiệt hại về người, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ra các tổn thất lớn về tài chính.
RỦI RO TÀI CHÍNH
  • PVCFC đang thực hiện quản trị tốt tài chính Công ty nên chưa nhận diện rủi ro trọng yếu cấp Công ty liên quan về tài chính.

Các rủi ro trên được đánh giá xếp hạng về khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng trên Bản đồ nhiệt rủi ro cấp Công ty:

BẢN ĐỒ NHIỆT RỦI RO CẤP CÔNG TY CỦA PVCFC

QUẢN TRỊ RỦI RO THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG

Theo nhu cầu tất yếu của xu hướng phát triển bền vững đối với mọi doanh nghiệp, PVCFC ngày càng quan tâm hơn đến công tác quản trị dựa trên 3 yếu tố: Môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Công ty ý thức rằng việc thực hành ESG mang đến nhiều cơ hội hơn, từ những lợi ích về tài chính như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư hay những giá trị kinh tế lâu dài như duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.

Trên cơ sở hệ thống quản trị rủi ro đã được xây dựng từ sớm, PVCFC luôn thực hiện rà soát, đánh giá lại các rủi ro trọng yếu định kỳ hàng năm. Thực hành ESG, PVCFC phân loại danh mục rủi ro theo 3 yếu tố E – S – G giúp cho việc quản lý, kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn bám sát theo định hướng về môi trường, xã hội và quản trị.

Riêng về môi trường, PVCFC luôn đảm bảo hoạt động vận hành được an toàn, đáp ứng các quy định của Nhà nước về khí thải, chất thải, các tiêu chuẩn QHSE và các tiêu chuẩn liên quan. Do đó, rủi ro về vi phạm an toàn, sức khỏe và môi trường luôn được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sự cố hay vi phạm vượt ngưỡng cho phép.

Với lợi ích to lớn mà ESG mang lại, PVCFC luôn sẵn sàng hoàn thiện, nâng cao hơn công tác quản trị doanh nghiệp nói chung, quản trị rủi ro nói riêng, với mong muốn trở thành một trong những đơn vị tiên phong về thực hành ESG trong Tập đoàn nói riêng, tại Việt Nam nói chung cũng như ngày càng nâng cao hơn vị thế của mình trong khu vực, vị thế của sự phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.