BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: PVCFC

Phân tích SWOT

Thời gian qua, nói riêng về thị trường Urê, PVCFC là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc định vị, dẫn dắt thị trường này về thị phần, thương hiệu, chính sách bán hàng và khả năng điều chỉnh linh hoạt giá bán.

PVCFC bảo đảm được khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước; từng bước cạnh tranh tốt với sản phẩm nhập khẩu. Duy trì khoảng cách giá bán nhất định so với sản phẩm cùng loại, hạn chế tham gia vào cuộc chiến về giá theo hướng tiêu cực, suy giảm nội lực và bất lợi cho doanh nghiệp.

Với việc đưa Nhà máy NPK Cà Mau đi vào hoạt động, PVCFC đang cụ thể hóa vai trò tiên phong, đi đầu trong việc khẳng định vị thế là nhà sản xuất kinh doanh phân bón hàng đầu tại Việt Nam và xa hơn là khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống phân phối cấp 1 và cấp 2 vững mạnh và bao phủ thị trường nhất là tại các thị trường trọng điểm khu vực ĐBSCL, Campuchia tạo nền tảng quan trọng giúp PVCFC triển khai chiến lược kinh doanh tập trung, có lựa chọn và ưu tiên nhằm tối ưu hóa doanh thu, giá bán, hiệu quả kinh doanh. Hiện trên 2/3 doanh số của PVCFC đến từ thị trường vùng ĐBSCL, do đó, việc hoạch định bài toán phân phối luôn có vị trí quan trọng trong chiến lược kinh doanh của đơn vị.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa để tối ưu hóa mô hình phân phối, PVCFC tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các hình thức phân phối mới, ứng dụng công nghệ trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Với việc tăng cường ứng dụng hệ thống CNTT vào quản trị sản xuất, bán hàng, phân phối, PVCFC coi đây là một trong những công cụ hữu hiệu, quan trọng cần áp dụng thường xuyên.

Hiện nay, hệ thống phân phối được tổ chức gọn nhẹ, ưu tiên sử dụng đội ngũ bán hàng bản địa, am hiểu thị trường, ngành hàng, văn hóa vùng miền; phát huy vai trò chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ quản lý các cấp; đồng thời động viên, khích lệ nhân viên bán hàng theo định hướng kết quả và thù lao tương xứng với nỗ lực phấn đấu của nhân viên.

Trên hết, việc thiết lập hệ thống bán hàng tinh gọn phải bảo đảm cập nhật diễn biến kịp thời từ thị trường và đối thủ cạnh tranh; đáp ứng nhu cầu đa dạng, đòi hỏi khắt khe từ hệ thống phân phối và người tiêu dùng.

PVCFC luôn phấn đấu và bảo đảm mục tiêu quan trọng dành cho các cổ đông; không ngừng cải thiện chỉ số về tài chính như ROA, ROE, EPS… Thông qua các buổi làm việc với các tổ chức, định chế tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài, nhìn chung, nhiều đánh giá đồng tình về việc PVCFC đang từng bước cải thiện các chỉ số về tài chính, kinh doanh.

Trong thời gian tới, PVCFC phấn đấu gia tăng hơn nữa giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, bản quyền, bí quyết, công nghệ, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích trong toàn thể chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp trên thị trường.

Do nhiều nguyên nhân, hiện tại giá thành sản xuất Urê của PVCFC so với một số nước trên thế giới vẫn khá cao. Chi phí giá thành ở một số nước dưới 200 USD/tấn do có lợi thế về tài nguyên, chi phí đầu tư ít hơn. Nhiều nước trong số này hiện diện ở khu vực Trung Đông, Baltic có lợi thế sở hữu về nguồn năng lượng dầu mỏ, khí đốt và có ngành công nghiệp dầu khí phát triển.

Tại Châu Á, một số nhà máy ở các nước Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Brunei có chi phí sản xuất cạnh tranh và thấp hơn so với chi phí của PVCFC. Do đó, việc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của PVCFC ở một số thời điểm sẽ gặp bất lợi nhất định so với các đối thủ trong khu vực.

Hoạt động logistic trong chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa phân bón từ Nhà máy Đạm Cà Mau đến nhiều thị trường trong nước thực hiện bằng đa phương thức làm phát sinh chi phí logistic không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Thời gian tới, việc này chưa thể sớm khắc phục và phụ thuộc vào nhiều đầu mối trung gian, từ đó ảnh hưởng nhất định đến chi phí phân phối sản phẩm của PVCFC đến tay người tiêu dùng trong nước.

Từ năm 2014 đến nay, Luật thuế VAT không áp dụng với các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón, do đó PVCFC và nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành vẫn phải chịu các chi phí đầu vào khá lớn, và hàng năm, ước tính khoản chi phí đầu vào không được khấu trừ từ 500-700 tỷ đồng. Điều này gây khó khăn nhất định cho hoạt động SXKD của đơn vị trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay Luật này đang được các bộ ngành báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi để phân bón là đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

Theo các chuyên gia đánh giá, đạo luật này đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ phía Quốc hội, các bộ ngành và có thể sớm được thông qua trong các kỳ họp tới đây. Nếu khả thi, đây là cơ hội lớn đối với các đơn vị hoạt động trong ngành SXKD phân bón trong nước, tạo thuận lợi cho việc tiết giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, mà còn giúp đẩy mạnh lượng tiêu thụ nội địa.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước với nhu cầu tiêu thụ Urê từ nông dân đạt 680.000 - 720.000 tấn/năm; phân DAP từ 360.000 - 390.000 tấn/năm; phân Kali từ 220.000 - 260.000 tấn/năm; phân NPK từ 800.000 - 1.100.000 tấn/năm và các phân bón khác từ 1.000.000 - 1.200.000 tấn/năm.

Nhà máy Đạm Cà Mau nằm ở ĐBSCL là thị trường có tiềm năng phát triển nông nghiệp, thủy hải sản lớn nhất cả nước, trong đó có mặt hàng sản xuất - xuất khẩu lúa gạo, cây ăn trái từ lâu vốn là thế mạnh chính của vùng. Hàng năm, diện tích canh tác lúa của vùng ổn định ở mức 1,6 triệu ha với 2 vụ chính Đông Xuân và Hè Thu, chưa kể vụ 3 với diện tích từ 650.000 - 750.000 ha hoạt động theo định hướng xuất khẩu (gạo xuất khẩu của ĐBSCL chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước hàng năm từ 6 - 7 triệu tấn, trị giá hơn 3 tỷ USD/năm). Có thể thấy, với quy mô thị phần Urê chiếm bình quân 60% - 65% thị phần tại ĐBSCL, đây là một lợi thế mà nhiều đơn vị sản xuất trong ngành khó có thể đạt được.

Về thị trường cây ăn trái, với quy mô diện tích cây ăn trái của ĐBSCL chiếm hơn 60% quy mô diện tích cây ăn trái cả nước hơn 1 triệu ha, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cung cấp cho các nhà máy chế biến trong vùng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phân khúc thị trường này chiếm vị trí quan trọng đối với các dòng sản phẩm mới và sản phẩm NPK Cà Mau của PVCFC trong các năm tới.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế và đội ngũ nghiên cứu khoa học, nếu được đầu tư xứng đáng thì hiệu quả kinh tế thu được từ thị trường cây ăn trái còn cao hơn nữa so với hiệu quả trồng lúa, do đó, tiềm năng phát triển thị trường cây ăn trái tại ĐBSCL còn nhiều cơ hội khai thác và cải thiện trong tương lai.

Điều này giúp PVCFC tận dụng cơ hội cải thiện phân khúc tiêu thụ dòng sản phẩm phân bón mới, sản phẩm NPK và đưa ra các giải pháp dinh dưỡng hữu hiệu phục vụ nhu cầu phát triển của vùng trong tương lai.

Về thị trường rau màu, với diện tích canh tác lớn, phân bố tại các vùng đất màu mỡ trải dài trên các vùng đất trũng tập trung dọc lưu vực hệ thống sông Tiền Giang, sông Hậu Giang với thời gian canh tác ngắn ngày tạo thuận lợi cho PVCFC mở rộng cung ứng sản phẩm phân bón mới, phân hữu cơ có giá trị cao, góp phần quan trọng hỗ trợ cho chuỗi cung ứng đầu ra sản phẩm rau màu “xanh - sạch - đẹp” phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước đáp ứng nhu cầu cho chuỗi hệ thống siêu thị bán lẻ của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Với mạng lưới hệ thống phân phối đại lý cấp 1 và cấp 2 lớn nhất cả nước, PVCFC đã và đang từng bước duy trì, phát triển thị phần các dòng sản phẩm phân bón chiến lược, góp phần quan trọng vào cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của vùng này cũng như trong toàn Công ty. Ngoài ra, với lợi thế nằm cạnh Campuchia, các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang tích cực mở rộng hệ thống thương mại với các đối tác ở nước bạn trong các lĩnh vực; tăng cường liên kết thị trường chặt chẽ giữa ĐBSCL và Campuchia, tạo lợi thế bền vững cho việc duy trì và phát triển thương mại giữa hai nước nói chung và các thương nhân ở các tỉnh vùng biên giới nói riêng.

Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (ĐNB & TN) là thị trường tiêu thụ phân bón đầy tiềm năng cho các cây công nghiệp, trong đó nhu cầu tiêu thụ cao điểm các loại phân bón như Urê từ 180.000 - 220.000 tấn/năm; phân NPK từ 1.100.000 - 1.200.000 tấn/năm; phân Kali từ 130.000 - 160.000 tấn/năm; phân DAP từ 40.000 - 50.000 tấn/năm và phân bón khác từ 500.000 - 650.000 tấn/năm. Theo thống kê, phần lớn diện tích cây cà phê, cao su ở Việt Nam tập trung ở khu vực các tỉnh ĐNB và TN, trong đó riêng cà phê tập trung tại 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng với hơn 600.000 ha. Cao su với hơn 930.000 ha, tập trung ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; ngoài ra còn có các cây trồng khác như tiêu, điều, chè, sắn và các loại cây ăn trái có giá trị cao. Nhìn chung, nhu cầu về tiêu thụ phân NPK, SA, Kali cho các cây công nghiệp rất lớn ở 2 khu vực này và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp trong tương lai.

PVCFC đang tập trung nguồn lực phát triển kênh phân phối, cung cấp sản phẩm khác có giá trị cao dựa trên gốc Urê, NPK, sản phẩm vi sinh, hữu cơ để thích ứng với sự đa dạng về hệ cây trồng phong phú cũng như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù ở vùng đất này. Dòng sản phẩm NPK đang được nhiều đại lý và người tiêu dùng phản hồi tích cực bởi phù hợp về chất lượng, mẫu mã và giá thành và thổ nhưỡng, cây trồng ở Tây Nguyên. Đó là điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy PVCFC không ngừng nỗ lực phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế của Công ty đồng hành lâu dài với đại lý và bà con nông dân ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới.

Campuchia từ lâu luôn là thị trường mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của PVCFC với nhu cầu tiêu thụ phân bón không ngừng tăng trưởng liên tục và hàng năm bình quân tiêu thụ Urê từ 380.000 - 410.000 tấn/năm; phân DAP từ 250.000 - 280.000 tấn/năm; phân NPK từ 260.000 - 300.000 tấn/năm, chưa kể các chủng loại phân bón khác thì việc khai thác tốt cơ hội thị trường này góp phần quan trọng cho PVCFC chinh phục, mở rộng thị phần thương hiệu “Phân bón Cà Mau” với khách hàng tại Campuchia.

Urê Cà Mau chiếm thị phần từ 35% - 40%/năm và trong thời gian tới, PVCFC định hướng phát triển tiêu thụ NPK từ 15% - 20% thị phần tại Campuchia với mục tiêu tạo bước đột phá về chiến lược kinh doanh tại Campuchia nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong chiến lược phát triển thị trường quốc tế.

PVCFC mở rộng thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Ấn Độ, Brazil. Đây được xem là thị trường có quy mô tiêu thụ phân bón lớn, ổn định, phát huy được lợi thế cạnh tranh về giá bán, chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá tích cực trong thói quen sử dụng đạm hạt đục. Trong các năm tới, PVCFC tiếp tục mở rộng thị trường mới ở Châu Âu, Châu Đại Dương và Bắc Mỹ. Những tháng đầu quý 1/2024, PVCFC đã triển khai ký kết một số hợp đồng quan trọng cung ứng hàng hóa đi thị trường khó tính như Úc, New Zealand và hy vọng sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan hơn nữa trong giai đoạn tới.

Việc đa dạng hóa thị trường quốc tế giúp PVCFC giảm rủi ro trong kinh doanh trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa, cạnh tranh quyết liệt ở ĐNA và Châu Á khi có thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, khắc phục được phần nào tính chu kỳ mùa vụ, nhất là giai đoạn thấp điểm trong nước, nhằm duy trì tốt hơn vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế; đồng thời, chủ động tham gia sâu hơn vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu, hướng tới các chuẩn mực cao hơn của ngành trong tình hình mới.

Với đà phục hồi từ thị trường nông sản các năm qua, xuất khẩu nông sản Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong năm 2024, qua đó tạo sự ổn định về tâm lý tốt hơn cho nông dân; gây dựng niềm tin lớn hơn cho nông dân và các doanh nghiệp; từ đó, giúp các địa phương, doanh nghiệp và nông dân tăng cường đổi mới khoa học kỹ thuật, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cũng như tranh thủ thế và lợi từ điều kiện thị trường quốc tế nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới trong bối cảnh nhiều quốc gia đang có nhu cầu cao về các mặt hàng này.

Giá cả một số nông sản chính sau Tết Nguyên đán như lúa gạo, café, sầu riêng, tiêu, một số cây ăn trái khác đều tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán do thị trường Trung Quốc phục hồi trở lại và có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản từ nước ngoài. Giá lúa gạo có chiều hướng tăng do Ấn Độ vẫn duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo và nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện. Chiến sự giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hòa hoãn, điều đó làm tiềm ẩn nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản thế giới. Do ảnh hưởng bởi lạm phát và giá hàng hóa thiết yếu vẫn là mặt hàng ưu tiên ở nhiều nước nên nhu cầu các mặt hàng này ổn định.

Nhìn chung, dự báo về nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất Urê vẫn gặp nhiều khó khăn do giá dầu vẫn ở mức cao 75-80 USD/thùng. Điều này sẽ tác động vào giá thành sản xuất, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Công ty, giảm lợi thế cạnh tranh so với các nhà máy ở Trung Đông, Baltic và Đông Nam Á, trong đó có Nga và Iran là những nước có chi phí thấp và luôn sẵn sàng hạ giá mạnh để đạt được các thương vụ hấp dẫn trong khi vẫn thu được lợi nhuận biên hợp lý.

Nhà máy BFI, Brunei, công suất 1,27 triệu tấn/năm, một trong các nhà máy mới đi vào động trong giai đoạn gần đây nhưng đang tạo ra áp lực lớn cho khu vực Đông Nam Á do có lợi thế về chi phí thấp và nhận được sự ủng hộ lớn từ Chính phủ Brunei. Hiện BFI đã triển khai xâm nhập thị trường Việt Nam với các lô hàng nhỏ và vừa, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu làm nguyên liệu của nhà máy sản xuất NPK phía Nam.

Về phía Trung Quốc, tiếp tục đổi mới ngành sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, đầu tư nhiều hơn vào các máy chạy khí, thân thiện với môi trường và thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc là lợi thế theo quy mô. Hiện Trung Quốc vẫn chủ trương duy trì chính sách kiểm soát hạn ngạch xuất khẩu phân bón ra thị trường quốc tế nhưng chính sách này có thể thay đổi từ đầu quý 2/2024, từ đó có thể tạo ra sức ép vô cùng lớn với các khu vực khác trên thế giới.