BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN: PVCFC

Tầm nhìn vươn xa

Mang trong mình
sức mạnh tiềm tàng

Tổng quan Ngành Phân bón 2022

Thị trường thế giới
1.1. Thị trường Urê

Giá Urê thế giới sau khi đạt đỉnh vào cuối quý I/2022 đã bước vào giai đoạn suy giảm mạnh vào quý IV/2022, tương đương giảm khoảng 50%. Đặc biệt, tâm lý thị trường giảm giá tiếp tục chi phối mạnh trong quý IV/2022 khi nhu cầu tại các thị trường chính tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Giá Urê thế giới năm 2022
(Nguồn: Tổng hợp từ Fertecon)
Trung đông
Đông Nam Á
Trung Quốc
Baltic

Năm 2022 chứng kiến cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine nổ ra vào 24/02/2022 và kéo dài cho đến nay. Cuộc chiến này tuy diễn ra ở Châu Âu nhưng có tác động ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, tác động mạnh đến nhiều thị trường khác nhau như: năng lượng, thực phẩm, tài chính, tiền tệ, chứng khoán do vai trò và vị thế của Nga là nhà xuất khẩu hàng đầu về dầu lửa, khí đốt, phân bón, lúa mì… Nói riêng với thị trường năng lượng, việc giảm xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga do lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại của Mỹ, EU khiến thị trường dầu lửa, khí đốt chao đảo. Trong lĩnh vực phân bón, Nga áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón từ 01/01/2022 đến 31/05/2022 với 5,9 triệu tấn và từ 01/07/2022 đến 31/12/2022 với 8,3 triệu tấn nhằm ngăn cản tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa.

Trung Quốc, ngay từ quý IV/2021 đã có chủ trương giảm xuất khẩu phân bón ra thị trường thế giới, cụ thể là ngày 29/10/2021, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu, bao gồm Urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP... Hiện tại, chính sách này chưa được bãi bỏ và vẫn có hiệu lực. Việc kìm hãm xuất khẩu phân bón, trong đó có Urê khiến nguồn cung giảm mạnh, theo đó, hỗ trợ tích cực hơn cho giá Urê toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt ở nhiều thị trường chính.

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh thị trường đã thay đổi, hiện giá Urê nội địa Trung Quốc cao hơn giá Urê thế giới.

Do ảnh hưởng từ khủng hoảng khí đốt ở Châu Âu kéo theo nhiều nhà máy sản xuất phân bón ngưng hoạt động. Đỉnh điểm là giai đoạn tháng 08/2022, giá khí tăng cao khiến nhiều công ty sản xuất phân bón lớn ở Ý, Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đồng loạt đóng cửa hoặc cắt giảm công suất hoạt động. Tình hình tồi tệ đến mức, có lúc công suất sản xuất phân bón ở Châu Âu giảm ¾ so với mức thông thường, thậm chí chỉ còn 20% ở một số thời điểm.

Với việc một số nhà máy mới đi vào hoạt động trong thời gian qua, thế giới có thêm các nguồn cung Urê mới. Đáng chú ý là nhiều nhà máy mới nằm ở khu vực Châu Á, Trung Đông, điều này góp phần gia tăng cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới.

1.2. Thị trường DAP

Giá DAP sau khi đạt đỉnh cuối quý I/2022 tại một số thị trường đã điều chỉnh giảm gần 50% vào cuối năm 2022. Việc suy giảm giá DAP trong quý III và quý IV năm 2022 nằm trong xu thế chung của thị trường phân bón toàn cầu.

Do ảnh hưởng từ nguồn cung DAP bị cắt giảm khiến nhu cầu tiêu thụ DAP năm 2022 giảm khoảng 7% so với năm 2021. Bên cạnh đó, do giá DAP duy trì ở mức cao trong phần lớn năm 2022 khiến nhu cầu sụt giảm theo.

Do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine bùng phát trong quý I/2022, nhiều quốc gia có tâm lý mua dự trữ phân bón để bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Pakistan…dẫn đến lượng tồn kho DAP có xu hướng tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2022, kéo dài qua quý III/2022 và chậm lại trong quý IV/2022.

TIÊU THỤ HOÁ CHẤT TOÀN CẦU
DAP/MAP/NPS/TSP
BIẾN ĐỘNG CỦA NGÀNH HOÁ CHẤT
(Nguồn: Mosaic)
1.3. Thị trường Kali

Giá Kali sau khi đạt đỉnh tại các thị trường chính ở Brazil và Châu Âu hồi cuối quý I/2022 đã nhanh chóng điều chỉnh giảm vào cuối năm 2022. Việc suy giảm giá Kali trong quý III và quý IV năm 2022 nằm trong xu thế chung của thị trường phân bón toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, giá Kali tại Châu Âu vẫn ở mức cao hơn so với các thị trường khác. Nhu cầu tiêu thụ Kali toàn cầu giảm mạnh do ảnh hưởng từ nguồn cung thu hẹp cũng như việc giá Kali cao trong 6 tháng đầu năm 2022 khiến người mua trì hoãn nhu cầu mua mới. Nhiều thị trường mua lớn rơi vào tình trạng giảm cầu mạnh như Bắc Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ…Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng này có thể đảo ngược trong năm 2023.

Việc giá nông sản tăng cao trong năm cũng giúp nông dân cải thiện khả năng thanh toán chi phí vật tư đầu vào, trong đó phân bón nói chung và Kali, DAP nói riêng.

Thị trường Việt nam
2.1. Thị trường Urê
Giá phân Urê tại trường Việt nam trong 3 năm 2020-2022
(Nguồn: Agrimonitor)
Urê Phú Mỹ
Urê Cà Mau
Urê Malaysia Hạt Đục

Giá Urê nội địa sau khi đạt đỉnh trong quý I/2022 đã điều chỉnh giảm liên tục vào cuối quý IV/2022. Nhu cầu trong nước giảm mạnh ở hầu hết các chủng loại phân bón, trong đó có Urê, gây áp lực lớn đến giá Urê nội địa. Ngoài ra, việc giá Urê thế giới suy giảm cũng tác động lớn đến diễn biến giá Urê trong nước cũng như tâm lý của hệ thống phân phối.

Do nguồn cung Urê trong nước ổn định nhưng cầu yếu cũng gây áp lực lớn lên các nhà sản xuất trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022. Nhiều nhà sản xuất chủ động triển khai xuất khẩu nhằm hạ thấp hàng tồn kho ở mức hợp lý. Xuất khẩu Urê của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 85% về lượng so với năm 2021 (không tính hàng tạm nhập tái xuất), qua đó góp phần cải thiện nguồn thu xuất khẩu phân bón, đồng thời giảm tồn kho nội địa.

Xuất khẩu urê hàng quý
Nhập khẩu phân bón hàng quý
(Nguồn: Tổng hợp từ TCHQ)
(Nguồn: Tổng hợp từ TCHQ)
2.2. Thị trường DAP

Giá DAP vẫn duy trì ở mức cao trong quý I, quý II và quý III năm 2022 nhưng bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh mạnh hơn từ quý IV/2022.

Giá phân DAP tại thị trường Việt nam trong 3 năm 2020-2022
(Nguồn: Agrimonitor)
DAP Vân Thiên Hoá
DAP Nga xanh / đen 64%
DAP Đình Vũ / Lào Cai xanh, VNĐ/kg
2.3. Thị trường Kali

Giá Kali năm 2022 cũng có diễn biến tương như giá DAP, tăng tốc trong quý I/2022, duy trì ở mức cao trong quý II và quý III và bước vào giai đoạn suy giảm nhanh hơn trong quý IV/2022. Giá Kali giảm có độ trễ hơn giá Urê do nguồn cung Kali về Việt Nam hạn chế trong bối cảnh một số nguồn cung ứng truyền thống ở Nga và Belarus bị hạn chế do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Nhập khẩu Kali của Việt Nam năm 2022 giảm gần một nửa so với năm 2021 do cầu nội địa yếu cũng như việc tiếp cận nguồn cung thế giới khó khăn hơn.

Giá phân kali tại thị trường Việt nam trong 3 năm 2020-2022
(Nguồn: Agrimonitor)
Kali Israel miểng
Kali Nga miểng
2.4. Thị trường NPK
Giá phân NPK tại thị trường Việt nam trong 3 năm 2020-2022
(Nguồn: Agrimonitor)
NPK Việt Nhật 16-16-8 +13S+TE
NPK Bình Điền 16-16-8+13S (tạo hạt)
NPK Baconco 16-16-8+13S hạt

Giá NPK nhìn chung diễn biến ổn định hơn trong năm 2022 so với các mặt hàng phân đơn khác như Urê, DAP, Kali. Điều này có thể lý giải một phần nguyên nhân là do các nhà sản xuất NPK nhập nguyên liệu từ trước đó với giá cao và chu kỳ tiêu thụ các sản phẩm NPK có độ trễ nhất định so với các chủng loại phân bón khác.

Với mặt bằng giá phân đơn cao trong năm 2022 hơn các năm trước đó cũng khiến chi phí sản xuất đầu vào của các nhà máy NPK tăng cao hơn giai đoạn trước, điều này kìm hãm các hợp đồng mua mới của các nhà máy NPK ở thị trường trong nước.