Tác phẩm dự thi sáng tác “Đạm Cà Mau - Hôm qua và hôm nay”


                                                                                                                                     Tác giả: Thi Thảo

Chúng tôi học chung, ở cùng phòng ký túc xá thời sinh viên của một trường Đại học Kỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ra trường, mỗi đứa mỗi nơi. Tôi được giữ lại trường tiếp tục đèn sách để làm giảng viên trong niềm vui được thể hiện ra mặt của bố, mẹ khi có đứa con nối nghiệp ở bậc cao hơn (bố, mẹ tôi đều là giáo viên THPT), còn Hai Lúa, tên gọi thân mật của Út Đen trong lớp thì sau gần 3 năm vật lộn trong các môi trường làm việc khác nhau ở thành phố đã quyết định trở về quê và may mắn trúng tuyển, được chọn đi học dự án Đạm Cà Mau.

Dù có những khác biệt về hoàn cảnh, điều kiện song chúng tôi lại rất thân và quý trọng nhau tựa như đồng bằng châu thổ sông Hồng và Cửu Long vậy. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại, email và giao kết sẽ có mặt để gặp nhau trong những sự kiện quan trọng… và điều đó đã đến: Út Đen alo thông báo cưới vợ trong những ngày đầu của năm 2013, trước tết Quy Tỵ.

Vậy mà đã sáu năm, tôi tự nhắc mình phải sắp xếp công việc thật hợp lý để có mặt trong ngày vui nhất của anh bạn Hai lúa miền Tây này.
Đây là lần thứ ba tôi về Cà Mau. Hai lần trước là những ngày nghỉ tranh thủ trong kỳ nghỉ hè năm hai, năm bốn. Bước xuống sân bay Cà Mau, kêu taxi trực chỉ Khánh An, U Minh. Xe bon bon trên những con đường lộ nhựa thông thoáng, để lại phía sau những siêu thị, salon, nhà cửa phố thị sầm uất. Qua cầu Khánh An bắc ngang sông Trẹm, những cánh đồng chua phèn ngày nào nay đã nhường chỗ cho màu xanh của tràm, lúa, vuông tôm. Có ai ngờ, trên mảnh đất U Minh Hạ kiên cường, giàu truyền thống này, công trình Khí-Điện-Đạm mang tầm vóc thế kỷ đã được mọc lên và đang vận hành rất có hiệu quả. Tất cả như trong mơ đang làm đẹp, làm giàu cho quê hương đất nước.

Đêm nhóm họ lung linh ánh điện, mọi người hớn hở, rộn rã tiếng nói cười, tay bắt mặt mừng. Bác Ba, chú Bảy, cậu Năm, dì Tư, mợ Hai, dượng Út… dành cho tôi những tình cảm ruột thịt không một chút khách sáo. Bao nhiêu câu chuyện trong cuộc sống, xã hội, gia đình được đem ra bàn bạc, trao đổi. 

Bác Ba cười, mở đầu: - Không biết “bay” (vừa là câu hỏi, vừa thông tin dành cho tôi) ở thành phố thế nào, chứ thằng Kỹ sư Út Đen nhà bác làm tại Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau thu nhập hàng năm tính ra lúa là vác không nổi đó nghen!
Tôi từ tốn, gọn gàng mong để cho qua: - Dạ, cháu cũng tạm ổn ạ!  

Dì Tư bật mí: - Nhờ có “Đạm sữa” Cà Mau, nhà dì năm nay được trên 30 tấn mía, giá bèo nhưng vẫn có lời, có tiền sài tết, đi đám, lo cho mấy nhỏ học hành.

Mợ Hai hăng hái góp vui: “Tôi thì cứ uỵch tẹc thẳng nhé, nhờ có urê “trứng ốc” của Cà Mau, năm nay tôi trúng đậm, trên ba chục công tầm lớn kiếm hơn ngàn giạ, giá bán từ năm ba đến năm lăm”. Trong sự phấn khích, Mợ Hai phát động: …1,2,3, trăm phần trăm, Zô! Zô! Tôi cũng cạn trăm phần trăm như mọi người bằng sự tự nguyện hào hứng. Với phản xạ nhanh, tôi tính nhẩm trong đầu, vụ này chỉ riêng nguồn thu từ trồng lúa, Mợ Hai đã có gần cả trăm triệu. Không vui sao được!

Tôi bắt đầu run vì câu chuyện của bà con, cô bác đã bắt đầu tập trung vào đề tài nông nghiệp và dòng sản phẩm Đạm “Hạt ngọc mùa vàng” của Cà Mau trong khi bản thân tôi lại không có nhiều thông tin ở lĩnh vực này. Để chống chế, tôi phải đưa ra một câu hỏi dù rất lý thuyết và thiếu thực tế: - Vậy, chất lượng giữa Đạm Cà Mau và các loại phân đạm đã sử dụng trước đó thì như thế nào ạ? 

Dượng Út phân trần: “Về kỹ thuật, công nghệ này nọ thì Dượng chịu chết, còn trong thực tế thì loại này, nó phù hợp với đồng ruộng nơi đây, bước đầu cho kết quả tốt và được bà con tin dùng”.

Thật may mắn, ngồi chung bàn cùng tôi còn có anh Ng, cùng Công ty với Út Đen. Anh cũng là dân Kỹ thuật nhưng học và tốt nghiệp tại Hà Nội, hiện đang là cán bộ quản lý và đã gắn bó với Công ty trên 5 năm. Anh chia sẻ: - Đây là sản phẩm Urê dạng viên lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với nhiều ưu điểm như dễ phối trộn với các loại phân khác, giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, ít bụi, thân thiện môi trường…

Tôi như ruộng hạn gặp mưa rào, thầm cảm ơn anh bằng ánh mắt của mình. Với tôi, anh Ng không chỉ giúp làm rõ về chất lượng, đặc điểm của Đạm Cà Mau, mà còn là người đại diện cho hàng ngàn Kỹ sư, Công nhân đã và đang ngày đêm lao động khẩn trương vất vả trên công trường để vào lúc 12 giờ 25 phút, ngày 24/11/2011, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành an toàn và chạy thử thành công xưởng tạo hạt, rồi sáng ngày 30/01/2012, Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức cho ra đời dòng sản phẩm mang thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng”. Ngay lập tức, Ng trở thành tâm điểm để thu hút. 

Chú Bảy vừa rót rượu vừa khề khà: “Thế làm kiểu chi mà từ khí lại ra được đạm hả?” Tôi đưa mắt nhìn Ng như cầu cứu trước một câu hỏi chân chất miệt vườn song lại liên quan đến công nghệ sản xuất!

Ng thật ngắn gọn, rõ ràng như để giới thiệu mọi người cùng hiểu: - Nhà máy Đạm Cà Mau nằm trong Cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau có diện tích 52 ha, công suất thiết kế 800 ngàn tấn sản phẩm urê/năm, được khởi công tháng 7/2008. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi (công nghệ hiện đang phổ biến trên thế giới) của Toyo Engineering - Nhật Bản (TEC) để sản xuất Urê hạt đục. Công nghệ này đã được kiểm chứng với nhiều ưu điểm như kích thước hạt tròn và đồng đều (hạt từ 2-4mm chiếm hơn 90%), độ cứng cao, độ phân giải thấp, chống thất thoát đạm và giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất; hàm lượng biuret thấp; không bị vỡ vụn trong quá trình vận chuyển, tan chậm, ít bụi, thân thiện với môi trường…

Cậu Năm chân tình vui vẻ: “Nè, với nhà nông chúng tôi, công nhệ tầng sôi, tầng lạnh dù hiện đại cỡ nào cũng chưa quan trọng. Cần nhất, có lý nhất vẫn là giá cả phù hợp, chất lượng tốt và thân thiện môi trường, giúp bà con trúng mùa, tự nhiên sẽ nhớ mà sài hoài cái anh “Đạm sữa”, “Urê trứng ốc” Cà Mau này. Vậy là êm nhất!”

Như lò so, tôi đứng bật dậy, đề nghị mọi người nâng ly, cạn trăm phần trăm để chúc mừng “kỳ tích” một mũi tên trúng ba mục đích: Út Đen cưới được vợ “để ăn tết”; Bà con cô bác trúng mùa vui vẻ và cái anh “Đạm sữa”, “Urê trứng ốc” Cà Mau tuy mới xuất hiện mà đã thân quen, được bà con, cô bác đặt cho cái tên dân dã, gần gũi, dễ gọi rất miệt vườn này. Trong tiếng nói cười rộn rã, chan hòa, những tràng pháo tay giòn giã, ủng hộ hết mình, tôi chợt nhận ra tiếng trầm bổng, du dương của đờn ca tài tử vọng lại từ góc sân. Một dòng cảm xúc nghe len nhẹ từ tiếng của hồn quê đất mẹ dâng trào nơi trái tim sao thân thương quá!

Đám cưới thôn quê của Út Đen đầy ắp nghĩa tình gia đình, xóm ấp và cũng rất hiện đại. Rước dâu toàn xe hơi; dàn nhạc, người hát chơi rất xôm các ca khúc “nhạc đỏ”; comple, cravat, áo dài sang trọng, thướt tha… Tôi chỉ hơi tiếc dù đã có mặt trong đoàn “rước nàng về dinh” nhưng đã không còn nữa cái cảm xúc bồng bềnh, mênh mông sông nước trong câu hát “Có chiếc xuồng ba lá để đưa dâu” thân quen, lãng mạn ngày nào! 
Tôi hỏi cô dâu (giáo viên trường THPT Khánh An), sao lại đám vào thời điểm bận rộn này? – Nhìn chồng (Út Đen), nhìn tôi, rồi duyên dáng trả lời: “Cũng vì công việc thôi anh ạ! Chúng em đã thỏa thuận với nhau “bao giờ khánh thành nhà máy Đạm Cà Mau”, chúng em mới tổ chức đám cưới, thế mà cũng mất gần ba tháng chuẩn bị đó anh”. Thì ra là như vậy. Được biết, trước đó ngày 26/10/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức lễ Khánh thành cụm dự án Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau (Dự án Đạm Cà Mau là công trình cuối cùng của Dự án trọng điểm này).

Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau Hoàng Trọng Dũng, cho biết: Cùng với nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ nâng sản lượng đạm do Tập đoàn Dầu khí (PVN) sản xuất đạt 1,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng sự mong đợi của bà con nông dân Cà Mau nói riêng, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và có tính đến xuất khẩu. 

Như vậy thương hiệu Đạm Cà Mau có hạt đục, to được ví như “Hạt ngọc” để đem về những “mùa vàng”. Còn với bà con nông dân nó lại có một cái tên mới khác để gần gũi, thân thiết hơn với cách gọi thật dân dã là “Đạm sữa”, “Urê trứng ốc”. Tôi chợt nhớ lời phán chắc nịch như để kết luận của Ông Chín, người cao tuổi nhất trong bàn tiệc đêm nhóm họ: “Đem niềm vui trúng mùa cho bà con nông dân, mang no ấm, tiền của về đó chính là thương hiệu có giá trị nhất”.

 Thương hiệu Đạm Cà Mau “Hạt ngọc mùa vàng” sẽ phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, khẳng định năng lực vận hành an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững để sản phẩm “Đạm sữa”, “Urê trứng ốc” theo cách gọi dân dã của bà con mãi thân quen, gần gũi mang về niềm vui trúng mùa, ấm no, tiền của cho bà con nông dân như mong muốn của ông Chín sẽ là thương hiệu có giá trị đích thực nhất. 

Một lần về U Minh “ăn cưới”, để lại trong tôi bao kỷ niệm không thể nào quên. U Minh bình yên xưa, bốn bề là tràm, niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang, liệt oanh của cha ông. U Minh nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày để cống hiến và xứng đáng.

Những cánh mai vàng rung rinh trong gió, báo hiệu một mùa xuân nữa lại về trên Cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Chúc Đạm Cà Mau luôn lao động sáng tạo, làm chủ công nghệ, thiết bị, vận hành an toàn, hiệu quả để dòng sản phẩm với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” luôn đồng hành cùng người nông dân làm nên những mùa vàng bội thu trên những cánh đồng quê hương, mang niềm vui, giữ chữ “tín” với bà con nông dân trên khắp giải đất chữ S của đất mẹ yêu thương này. 

Để những hạt gạo (hạt vàng) từ đồng ta, đã, đang và sẽ mãi đi xa…!

HẾT