(VTV Cần Thơ) - Nhà máy sản xuất phân đạm, nằm trong cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, bắt đầu đi vào hoạt động hồi tháng 4 năm nay với kế hoạch sản xuất 440.000 tấn phân u rê. Đến đầu tháng 12 này, đơn vị đã thực hiện đạt hơn nửa triệu tấn phân đạm, vượt chỉ tiêu 60.000 tấn.

Nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau được xây dựng theo công nghệ hiện đại, toàn bộ các khâu đều thực hiện cơ giới hóa và tự động hóa, ngay trong năm đầu hoạt động vẫn có khả năng đạt công suất thiết kế là 800.000 tấn phân u rê. Giá thành và giá bán phân đạm của nhà máy Cà Mau hiện nay thấp hơn từ 50 đồng đến 80 đồng/ký, so với các loại phân đạm sản xuất trong nước cũng như của nước ngoài. Toàn bộ sản phẩm tại đây được tiêu thụ tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long. Đáng lưu ý là màu sắc và chất lượng của loại phân đạm Cà Mau, có khác hơn so với các loại phân đạm sản xuất trong nước và của cả nước ngoài.
"Điểm khác biệt lớn nhất của nhà máy Đạm Cà Mau với các nhà máy sản xuất trong nước hiện nay là nhà máy Cà Mau sản xuất ra phân đạm hạt đục, với dây chuyền công nghệ rất hiện đại. Phân đạm hạt đục có nhiều ưu điểm hơn các loại phân u rê hạt trong. Thứ nhất là kích thước của nó lớn và đồng đều, nên việc bón phân, rải phân rất thuận tiện." Ông Văn Tiến Thanh, Giám đốc Nhà máy sản xuất phân Đạm Cà Mau phân tích thêm: "Thứ hai là thời gian phân tan nó phù hợp với chu kỳ hấp thu của cây trồng, nó tiết kiệm được 10% so với các loại phân đạm hạt trong." 
Nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung ứng khoảng 60 – 70% nhu cầu về phân u rê của miền Tây, vựa lúa lớn nhứt của cả nước. Có phân đạm Cà Mau sản xuất tại chỗ, bà con nông dân có thể giảm giá thành và tránh được tình trạng sốt giá phân đạm, do lệ thuộc nguồn nhập khẩu của nước ngoài, như nhiều năm qua./.