Nông dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai tiến hành làm đất để chuẩn bị gieo sạ lúa thu đông 2018.

Sản xuất lúa thu đông không chỉ phải đối mặt với rủi ro do mưa lũ mà còn dễ gặp phải rầy nâu và nhiều loại dịch hại nguy hiểm khác. Nông dân cần cảnh giác và phải thực hiện khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhất là cần xuống giống tập trung trên từng cánh đồng để vừa né rầy, vừa tránh lũ.

Không để đất trống

Giá lúa liên tục đứng ở mức cao trong các vụ lúa vừa qua đã kích thích nông dân sản xuất lúa thu đông 2018. Thu đông cũng chính là vụ lúa thứ 3 trong năm, nhiều người gọi là lúa vụ 3.

Ông Phạm Thanh Tuấn, ngụ phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), cho biết: “Tôi và nhiều hộ dân đã gieo sạ tiếp lúa vụ 3 và  tin tưởng sẽ có thêm vụ mùa bội thu. Vùng này có hệ thống bờ bao ngăn lũ nên bà con khá an tâm để sản xuất. Vụ hè thu vừa qua, hơn 5 công (1 công = 1.000m2) lúa dù đạt năng suất không cao nhưng do bán được giá, tôi thu lời hơn 1,5 triệu đồng/công”.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, ngụ xã Trường Xuân (huyện Thới Lai), thu hoạch xong lúa hè thu, ông cùng nhiều hộ dân bắt tay ngay vào việc vệ sinh đồng ruộng, làm đất, ngâm giống và chuẩn bị các loại vật tư để gieo sạ lúa vụ mới, quyết không bỏ đất trống...

Tính đến giữa tháng 6, nông dân TP. Cần Thơ đã xuống giống được hơn 1.690ha lúa thu đông 2018. Các trà lúa thu đông chủ yếu mới sạ và ở giai đoạn mạ, sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, năm nay, các quận, huyện có kế hoạch xuống giống gieo trồng 54.900ha lúa thu đông. Trong đó, Thới Lai gieo cấy nhiều nhất, với 18.080ha, kế đến là Cờ Đỏ 10.500ha, Vĩnh Thạnh 9.655ha, Ô Môn 5.950ha, Thốt Nốt 5.100ha, Phong Điền 2.400ha, Bình Thủy 675ha và  Cái Răng 40ha.

Chủ động bảo vệ lúa

Để tránh bùng phát, lây lan của các loại dịch hại nguy hiểm và đảm bảo thắng lợi vụ lúa thu đông 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc sở và các quận, huyện hướng dẫn nông dân làm đất kỹ và xử lý tốt rơm rạ để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Đồng thời, đảm bảo thời gian giãn vụ tối thiểu 3 tuần nhằm “cắt đứt” các mầm sâu bệnh.

Theo đó, Sở yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến rầy nâu vào đèn tại Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ lúa thu đông 2018 đảm bảo “né rầy”, hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ. Các địa phương bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ, kết hợp với biện pháp “xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng”, chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen.

Các địa phương cũng cần chỉ đạo nhất quán, toàn diện các biện pháp phòng chống dịch, thông qua hệ thống trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, cán bộ kỹ thuật địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện.

Năm nay, dự kiến đỉnh lũ rơi vào khoảng tháng 10. Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ đưa ra lịch thời vụ gieo sạ lúa thu đông 2018 của thành phố gồm đợt 1 từ ngày 26/6 đến 2/7 và đợt 2 trước ngày 15/7. Tuy nhiên, lịch thời vụ này chỉ mang tính tham khảo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương. Vận động bà con xuống giống tập trung đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo thời gian giãn cách vụ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa và hạn chế thất thoát sau thu hoạch khi lũ về sớm.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, lưu ý: “Người dân cần chủ động tổ chức xuống giống đồng loạt, né rầy, tránh lũ. Đảm bảo trên từng khu vực không có các trà lúa xuống giống với các thời điểm khác nhau đan xen, nhằm tránh tích lũy và lây lan các mầm sâu bệnh, gây khó cho quản lý dịch hại và chăm sóc lúa, khiến chi phí sản xuất tăng cao. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học và bón phân xịt thuốc hóa học đúng cách nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tránh bộc phát rầy nâu và các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá…”.

Theo bà Kiều, sản xuất lúa vụ 3 dễ gặp nguy cơ bị thiệt hại do lũ, mưa bão và năng suất cũng thường đạt thấp so với các vụ lúa khác. Để giảm rủi ro và nâng cao thu nhập cho nông dân, TP. Cần Thơ định hướng quy hoạch, khuyến khích nông dân giảm dần diện tích sản xuất lúa thu đông để nuôi thủy sản và chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng - vật nuôi khác. Nhất là tại những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả và không có đê bao đảm bảo “ăn chắc”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, cho biết, để tạo điều kiện cho cây lúa khỏe ngay từ đầu, nông dân cần quan tâm lựa chọn, sử dụng giống đảm bảo chất lượng và chú ý đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM  4218, OM 6261… nhằm tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm. Riêng giống lúa IR50404 nên gieo sạ ở mức dưới 20% trên tổng diện tích. Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục vận động, khuyến cáo nông dân  duy trì và phát triển các mô hình “cánh đồng lớn” gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.

 Khánh Trung (Kinh tế Nông thôn)