Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của hạn hán, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 110 nghìn ha cà-phê, hồ tiêu bị giảm năng suất và chất lượng, trong đó có hơn 7.500 ha bị mất trắng. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là Đác Lắc, với 64.800 ha cà-phê và hồ tiêu; tiếp đến là Đác Nông có 24.300 ha; Gia Lai 7.300 ha... Đáng ngại là không chỉ những vườn cà-phê nằm ngoài vùng quy hoạch bị mất trắng, mà cả diện tích được trồng trong vùng quy hoạch cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Các hộ dân trồng hồ tiêu bị “trắng tay” phần lớn nằm ở vùng thiếu nước tưới, và cũng có một phần diện tích bị thiệt hại do nhiễm sâu bệnh.

Hiện nay, ở khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa với lượng mưa khá lớn, nhờ đó nhiều diện tích cà-phê, hồ tiêu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết thay đổi từ mùa khô sang mùa mưa, cho nên các loại dịch hại có điều kiện phát triển mạnh. Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung và cà-phê, hồ tiêu nói riêng đang có xu hướng tăng mạnh. Bằng chứng là so với cùng kỳ năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm tháng qua đạt 12,18 tỷ USD, tăng 4,9%. Trong đó, xuất khẩu cà-phê đạt 797 nghìn tấn, tăng gần 34%, và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, tăng 10,7%; hồ tiêu xuất khẩu cũng tăng 19% về khối lượng, ước đạt 87 nghìn tấn.

Theo dự báo, nhu cầu của thị trường nhập khẩu cà-phê, hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành nông nghiệp các địa phương cần khẩn trương hướng dẫn các hộ dân trồng cà-phê, hồ tiêu tập trung vào các khâu chăm bón và phòng trừ dịch hại theo mức độ ảnh hưởng tới từng loại cây trồng. Đối với cây cà-phê bị ảnh hưởng ít, giải pháp chủ yếu là tập trung vào khâu vệ sinh vườn cây, thu nhặt tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, bị sâu bệnh... tạo vườn cây thông thoáng. Đồng thời, tăng cường lượng phân bón, nhất là lượng phân vô cơ, nhằm tạo sự cân đối và kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Những vườn cây cà-phê có mức độ thiệt hại nặng thì chú ý chăm sóc các cành mới mọc, cắt tỉa cành, tạo tán mới,... hoặc thay bằng các giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7... Đối với vườn hồ tiêu, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung thực hiện tốt các công việc phòng ngừa dịch hại, tăng cường phân bón và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến về giống, tưới nước tiết kiệm...

Về lâu dài, các địa phương khu vực Tây Nguyên cần rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển bền vững các loại cây công nghiệp nói chung và cà-phê, hồ tiêu nói riêng trên địa bàn. Nhất là đối với những diện tích cà-phê, hồ tiêu thời gian qua bị thiệt hại nặng do phát triển không theo quy hoạch, thì kiên quyết chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, nhằm thích nghi với sự biến đổi của khí hậu.

Anh Linh (Theo Báo Nhân Dân)