Với mục tiêu chọn tạo giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh khá, thích hợp cho từng vùng đất nói chung, đặc biệt là những vùng khó khăn ở trung du, miền núi phía Bắc, từ năm 2012, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu, tuyển chọn và khảo nghiệm các giống cây trồng mới về chè, cây ăn quả, lúa... kết hợp với nghiên cứu hoàn thiện các kỹ thuật canh tác kèm theo để chuyển giao cho sản xuất.

Qua nghiên cứu và tiến hành sản xuất thử nghiệm ở nhiều tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình... NOMAFSI đã tuyển chọn giới thiệu một số giống cây trồng mới, tiêu biểu cho cho vùng đất đặc biệt khó khăn này.  

1. Giống chè VN15

Được chọn tạo bằng phương pháp chọn lọc cá thể từ tổ hợp lai giữa dòng chè Saemidori thuộc biến chủng Trung Quốc lá nhỏ có chất lượng cao nhưng khả năng chống chịu kém, với giống Cù Dề Phùng thuộc biến chủng chè Shan, có khả năng chống chịu cao nhưng chất lượng thấp. Giống chè VN15 được Bộ NN-PTNT công nhận giống sản xuất thử năm 2016.

Đặc điểm sinh trưởng khỏe, tỷ lệ sống cao, tán chè tuổi 7 rộng tán 140cm, mật độ búp trên tán chè thời kỳ kinh doanh trung bình 310 búp/m2/lứa, số lứa hái trong năm: 14 - 16 lứa...

VN15 có dạng thân bụi, có diện tích lá nhỏ, búp non mầu xanh vàng, mức độ lông tuyết nhiều, lá trưởng thành có màu xanh đậm, thời gian bật búp sớm, khối lượng búp 1 tôm 3 lá 0,75g.

Ngoài ra, giống chè cho năng suất khá, chè 7 tuổi đạt trung bình 9,09 tấn búp/ha, năng suất bình quân 10 năm (tuổi 2 - 11) đạt 8,34 tấn/ha. Hàm lượng tanin thấp, dao động từ 24,76 - 27,53%. Hàm lượng axit amin dao động từ 2,94 - 3,38%, hàm lượng đường khử dao động từ 3,10 - 3,98%.

Giống chè VN15 chế biến chè xanh có chất lượng tốt, ngoại hình đẹp, hương thơm đặc trưng, hương hoa, bền hương, vị đậm dịu có hậu, phù hợp chế biến các sản phẩm chè xanh đặc sản như chè Mao tiêm, chè Bích Loa Xuân chất lượng tốt.

Trồng VN15 đúng kỹ thuật có thời vụ trồng vào tháng 7 - 9 hàng năm, mật độ trồng thích hợp 2,2 - 2,7 vạn cây/ha với khoảng cách 1,3-1,5 x 0,35-0,5 trồng hàng đơn hoặc hàng kép. Trồng bằng cành giâm 10 - 12 tháng tuổi.  

2. Dòng chè triển vọng LCT1

Dòng chè LCT1 được chọn tạo bằng phương pháp chọn lọc cá thể từ tổ hợp lai giữa dòng tổ hợp lai mẹ là giống Shan Cù Dề Phùng, bố là giống Trung du xanh (TDX). Dòng chè LCT1 có độ phân cành trung bình (4,6cm), góc độ phân cành rộng 46,70 độ. Lá trưởng thành có hình trứng (D/R = 2,26), diện tích lá trung bình 26,82cm2, có từ 8 - 9 đôi gân lá, lá có mầu xanh đậm. Búp chè tôm 3 lá có mầu xanh đậm, mức độ lông tuyết nhiều, chiều dài búp tôm 3 lá 10,74cm, đường kính gốc búp tôm 3 lá 0,23cm, khối lượng búp tôm 3 lá 1,08g.

Dòng chè LCT1 có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao ở tuổi 17 đạt 19,96 tấn/ha tương đương với năng suất của LDP1 và cao hơn Trung du xanh đối chứng 36,5%. Nguyên liệu búp chè LCT1 có khả năng chế biến chè xanh và chè đen chất lượng khá, điểm thử nếm chè xanh đạt 17,5 điểm, chè đen đạt 16,8 điểm. LCT1 còn có khả năng chống chịu sâu bệnh khá bị hại các loại sâu hại chính: rầy xanh, cánh tơ, bọ xít muỗi ở mức độ nhẹ.

Dòng chè LCT1 đang được khảo nghiệm diện rộng tại nhiều vùng sinh thái khác nhau như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Hà Giang…  

3. Giống vải chín sớm PH40

Được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử năm 2016, giống vải PH40 đạt năng suất 17 - 18kg/cây (5 tuổi), quả hình tim, màu đỏ nhung, có khối lượng trung bình quả đạt 50 - 55g lớn hơn so với giống vải Hùng Long (năng suất trung bình đạt 15 -16kg/cây, khối lượng quả 34 - 35g). Độ brix 17,5%, đường tổng số 12,3%, vitamin 20,5mg/100g và chất khô 22,7%. Thời gian thu hoạch từ 20/5 - 24/5 (sớm hơn giống vải thiều chính vụ khoảng 20 - 30 ngày). Sau trồng 5 năm giống vải PH40 cho lãi thuần đạt 58,5 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với giống đối chứng vải chín sớm Hùng Long.  

4. Giống bơ triển vọng Jolio và B3

Giống bơ Jolio có nguồn gốc nhập nội từ Cuba, hoa nhóm A, thời gian ra hoa khoảng tháng 3 - 4 dương lịch, thời gian thu hoạch khoảng tháng 7 - 8 dương lịch, quả hình lê, màu sắc quả khi chín xanh vàng, màu sắc thịt quả khi chín vàng kem, khối lượng quả bình quân 363,50g/quả, năng suất bình quân 71,87kg/cây, tỷ lệ phần ăn được khoảng 73%, hàm lượng chất khô khoảng 24,43%, hàm lượng lipit khoảng 14,87%. Thích hợp trồng tại các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Phú Thọ…

Giống bơ B3 có nguồn gốc nhập nội từ Australia, hoa nhóm B, thời gian ra hoa khoảng tháng 3 - 4 dương lịch, thời gian thu hoạch khoảng tháng 8 dương lịch, quả hình lê, màu sắc quả khi chín tím đen, màu sắc thịt quả khi chín vàng kem, khối lượng quả bình quân 354,17g/quả, năng suất bình quân 60,00kg/cây, tỷ lệ phần ăn được khoảng 71,3%, hàm lượng chất khô khoảng 25,96%, hàm lượng lipit khoảng 16,03%. Thích hợp trồng tại các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang…  

5. Các giống lúa mới có triển vọng

Hai giống lúa mới có triển vọng là PB53 và PB10 (đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử năm 2015). Được lai tạo từ năm 2008, với tổ hợp lai giữa mẹ là giống N46 và bố là giống BT13, hai giống PB10 (hạt trắng) và PB53 (hạt nâu) được đánh giá là mang nhiều đặc điểm vượt trội so với giống bố mẹ.

Cụ thể, hai giống PB53 và PB10 đều là những giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa biến động từ 100 - 110 ngày, kiểu hình thấp cây, cứng cây, số hạt chắc trên bông nhiều (160 - 170 hạt) và có khả năng chống chịu khá đối với các loại sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng như: khô vằn, đạo ôn, bạc lá, đục thân, sâu cuốn lá; mạ có khả năng chịu rét tốt.

Tại các điểm khảo nghiệm giống PB53 và PB10 cho thời gian sinh trưởng ngắn 101 -105 ngày vụ mùa, năng suất bình quân luôn vượt giống đối chứng Bắc thơm 7 (giống lúa ngắn ngày chất lượng) từ 4,9 - 9,4 tạ/ha, cá biệt tại một số tỉnh hai giống cho năng suất thực thu đạt 66 - 67 tạ/ha.

Các giống lúa PB10, PB53 thích hợp cho sản xuất tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng

PV (Nông Nghiệp Việt Nam)