(PetroTimes) - “Cùng nhau kiến tạo những giá trị mới cho nông sản Việt Nam trên thương trường nội địa và quốc tế, đem lại thay đổi cho cuộc sống nông dân” là điều mong mỏi của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) khi ký kết Hợp tác chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững vào ngày 3/4 vừa qua tại TP HCM.

Thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu vật tư nông nghiệp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, thiếu đầu ra cho nông sản…là thực trạng khiến cho nông dân Việt Nam thực sự đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần những giải pháp toàn diện. Là hai doanh nghiệp lớn trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), để kiến tạo những giải pháp bền vững cho nông nghiệp, PVCFC và AGPPS luôn trăn trở để cùng với người nông dân xây dựng một hướng đi mới trong tương lai.

Với việc hợp tác chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giữa PVCFC - chủ thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” và AGPPS, các chuyên gia nông nghiệp đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông sản khu vực ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung trên thương trường nội địa và quốc tế, góp phần vào việc giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và cải thiện môi trường.


Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa PVCFC và AGPPS

Nói về ý nghĩa của việc hợp tác này, Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến cho biết: “Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa PVCFC và AGPPS sẽ tạo tiền đề vững chắc để hai bên triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc cung ứng phân bón - vật tư nông nghiệp và đặc biệt là các giải pháp về dinh dưỡng, bảo vệ chăm sóc cây trồng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Nhà nước”.

Còn theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AGPPS thì giữa PVCFC và AGPPS cùng gặp nhau ở các giá trị trong kinh doanh, PVCFC với sứ mệnh “sản xuất kinh doanh phân bón, cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần thay đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững” và AGPPS với sứ mệnh “Cùng nông dân phát triển bền vững”, hai đối tác tin tưởng sẽ cùng nhau kiến tạo những giá trị mới cho nông sản Việt Nam trên thương trường nội địa và quốc tế, từ đó giúp đem lại thay đổi cho cuộc sống của nhiều bà con nông dân, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

Theo nội dung của chương trình hợp tác chiến lược, PVCFC và AGPPS sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm phân bón và các giải pháp về dinh dưỡng cho các loại cây trồng ở các vùng thổ nhưỡng khác nhau. AGPPS sẽ trở thành nhà phân phối chiến lược các sản phẩm mới do hai bên hợp tác nghiên cứu, sản xuất tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, AGPPS cũng sẽ là nhà phân phối chiến lược các sản phẩm do PVCFC kinh doanh tại thị trường Campuchia. Đối với người nông dân, hai bên sẽ cùng nhau đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật dưới mọi hình thức, chú trọng trong việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả và toàn diện.

Không nằm ngoài những mục tiêu quan trọng của chương trình, việc góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia sẽ được PVCFC và AGPPS nỗ lực đảm bảo thực hiện trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể hơn, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp, tham gia tích cực chương trình hợp tác 4 nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp, nông dân); từng bước góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giá trị cây trồng.

Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến cho biết thêm: Để thực hiện chương trình này có hiệu quả, chúng tôi cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của các bên trong mô hình “bốn nhà”. Theo đó, ngoài vai trò của Nhà khoa học, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, chúng ta không thể không nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước với nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định các chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại…, đồng thời là người kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể tham gia.

“Chúng tôi hy vọng thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa PVCFC và AGPPS sẽ góp phần làm động lực và thúc đẩy sự hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, qua đó nâng cao được hiệu quả của hệ thống và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ở cả trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới qua nhiều hiệp định song phương và đa phương đã, đang và sẽ được ký kết” - Tổng giám đốc Bùi Minh Tiến chia sẻ.

Được biết, dù mới gia nhập thị trường phân đạm khoảng 2 năm nay, tuy nhiên PVCFC đã tổ chức tốt công tác quảng bá, truyền thông, chuẩn bị thị trường thông qua mô hình trình diễn, hội thảo nông dân nhằm tuyên truyền phổ biến tính năng sản phẩm đạm hạt đục kích thích nhu cầu tiêu thụ của nông dân; đồng hành cùng nông dân thông qua các diễn đàn, tọa đàm về chủ đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân giúp nông dân hiểu thêm về cách thức bón phân, trồng trọt để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, qua đó đưa thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng gần gũi hơn với bà con.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lúa bón đạm hạt đục Cà Mau có độ xanh bền hơn, tiết kiệm được 10% lượng phân bón, năng suất tăng khoảng 5% đối với việc canh tác cân đối trên cây lúa.

Từ chỗ thương hiệu và sản phẩm của PVCFC mới chỉ hiện diện ở thị trường chính là Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ vào năm 2012, thì đến nay PVCFC đã mở rộng, phát triển ra toàn quốc. Không những vậy, PVCFC tự hào là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc thâm nhập các thị trường nước ngoài. Sản phẩm Đạm Cà Mau hiện nay đã có mặt ở các thị trường Campuchia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và được khách hàng đánh giá cao.

Với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực, PVCFC xác định sứ mệnh của mình không chỉ sản xuất kinh doanh phân bón mà còn tập trung nghiên cứu, cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần thay đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững. PVCFC đã và đang đầu tư mở rộng mạng lưới phân phối rộng khắp trong cả nước, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Đạm Cà Mau trở thành thương hiệu mạnh và có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Về phía AGPPS, được thành lập vào năm 1993, là nhà sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. AGPPS hiện đang sở hữu mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống lớn nhất Việt Nam. Mạng lưới này bao gồm 25 chi nhánh, 510 nhà phân phối cấp 1 và 5.000 nhà phân phối lẻ. AGPPS hiện có trên 1.000 kỹ sư nông nghiệp - được gọi là Lực lượng 3 Cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) cung cấp tư vấn kỹ thuật và xây dựng các mối quan hệ với nông dân trong các lĩnh vực. Lực lượng kỹ sư 3 Cùng của AGPPS đang có mặt trực tiếp tại 12.000 điểm, nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật canh tác và nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập.

 Thế Vinh