(PetroTimes) - Sau hơn một năm kể từ khi đi vào vận hành, đến nay Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiến tới đạt mốc sản xuất, kinh doanh 1 triệu tấn phân urê hạt đục vào cuối tháng 7/2013, điều đó không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, quản lý vận hành của cán bộ, công nhân Đạm Cà Mau mà còn khẳng định niềm tin, sự tín nhiệm của bà con nông dân đối với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng”. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã trả lời phỏng vấn Báo Năng lượng Mới nhân sự kiện quan trọng này.

 


Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau

PV: Thưa ông, là người chỉ huy thực hiện Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau trước đây cũng như quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), cảm nhận của ông như thế nào về việc Nhà máy Đạm Cà Mau đạt mốc sản lượng 1 triệu tấn urê?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Cũng như tất cả các anh em cán bộ công nhân viên (CBCNV) PVCFC, chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì xuất phát từ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hình thành Cụm dự án trọng điểm quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu khí tại mỏ PM3 Cà Mau cho việc sản xuất điện, đạm, đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ vùng đất sình lầy, rất khó khăn ấy, sau một thời gian dài triển khai các dự án thành phần và cuối cùng là Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau với 43 tháng thi công, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và đặc biệt đã tiết kiệm được hơn 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt, đã hình thành nên một nhà máy với quy mô lớn và hiện đại. Nhà máy Đạm Cà Mau, nhà máy đạm đầu tiên và duy nhất ở nước ta sản xuất được urê hạt đục chất lượng cao, mỗi ngày 2.385 tấn sản phẩm cung cấp cho bà con nông dân khu vực ĐBSCL, góp phần giảm ngoại tệ nhập khẩu phân bón, chấm dứt tình trạng sốt phân bón mỗi khi mùa vụ bước vào cao điểm.

Đến nay, thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đã được phủ kín ĐBSCL, là sự lựa chọn tin cậy của bà con nông dân. Đó là niềm tự hào rất lớn đối với lãnh đạo cũng như toàn thể CBCNV PVCFC. Đến cuối tháng 7 này, nhà máy đạt mốc sản lượng 1 triệu tấn sản phẩm urê chất lượng cao cung ứng cho thị trường khu vực ĐBSCL và các khu vực khác. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là kết quả của việc luôn duy trì sản xuất ổn định, an toàn, ở công suất cao trong suốt thời gian qua.

Việc đạt mốc sản xuất, kinh doanh 1 triệu tấn sau hơn một năm kể từ khi đi vào vận hành không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, quản lý vận hành của cán bộ, công nhân Đạm Cà Mau mà còn khẳng định niềm tin, sự tín nhiệm của bà con nông dân đối với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng”.

PV: Theo ông, đâu là những thành công lớn nhất của Nhà máy Đạm Cà Mau kể từ khi đi vào vận hành thương mại cho đến nay?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Thành công lớn nhất của chúng tôi trong thời gian qua chính là đã đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề nhiệt huyết, đủ trình độ năng lực, quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn mà không phải thuê sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Họ chính là vốn quý nhất của chúng tôi, là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công.

Cũng nhờ vào tinh thần làm việc quên mình, khả năng tư duy sáng tạo của anh em mà hiện tại, Nhà máy Đạm Cà Mau đang hoạt động liên tục với công suất tối đa, sản xuất ra urê hạt đục có chất lượng cao, giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu và được đông đảo bà con nông dân và khách hàng tin tưởng, tín nhiệm sử dụng bón đại trà trên nhiều cánh đồng khắp cả nước và đem lại những vụ mùa vàng bội thu. Nhờ đó, tham gia bình ổn thị trường phân bón, đóng góp thiết thực cho ngành nông nghiệp, giúp đỡ được người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, chính sách về tam nông của Đảng, Nhà nước.

 


Đến cuối tháng 7 này, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt mốc sản lượng 1 triệu tấn sản phẩm urê chất lượng cao cung ứng cho thị trường khu vực ĐBSCL và các khu vực khác
.

PV: Nhà máy Đạm Cà Mau đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Cà Mau, vùng ĐBSCL và cả nước, thưa ông?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Công trình Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là tổ hợp công trình lớn với quy mô đầu tư 2,2 tỉ USD, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm trên 20.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách đáng kể cho tỉnh Cà Mau. Trước khi có Cụm Khí - Điện - Đạm, tỉnh Cà Mau vẫn thuộc diện nghèo của cả nước, GDP của tỉnh và thu nhập bình quân đầu người đều thấp, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là nông nghiệp.

Từ khi Cụm Khí - Điện - Đạm đi vào hoạt động tới nay, Cà Mau đang tích cực chuyển mình theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP của tỉnh. Không những thế, hiện nay Cụm công trình Khí - Điện - Đạm đã và đang thu hút một nguồn nhân lực lớn từ khắp mọi miền của Tổ quốc về với vùng Đất Mũi, giải quyết một số lượng lớn lao động cho tỉnh nhà, qua đó, góp phần cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của CBCNV, trong đó có người dân Cà Mau.

Đặc biệt là, với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc chung tay, chung sức vì sự phát triển cộng đồng, PVCFC đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, tham gia vào các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “lá lành đùm lá rách” chia sẻ và giúp đỡ có hiệu quả cho các đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có công với nước, cựu chiến binh, bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa bằng những hành động thiết thực như xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng quà, trao học bổng, tặng đồ dùng học tập cho các học sinh cho các em có nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Riêng với vùng ĐBSCL, Nhà máy Đạm Cà Mau có một ý nghĩa đặc biệt. Với lợi thế vị trí nhà máy được đặt ở gần vùng trung tâm sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, hằng năm, ĐBSCL sản xuất ra 20 triệu tấn lúa, chiếm gần 60% sản lượng lúa cả nước. Hơn nữa, tập quán của nông dân nơi đây rất ưa chuộng phân bón có chất lượng cao, giá cả hợp lý để sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi rất vui mừng vì Đạm Cà Mau hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí đó.

Theo các chuyên gia, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển ngành nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp đạt gần 4 triệu ha, sử dụng lượng phân bón ước đạt 670 nghìn tấn/năm, là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất phân bón, trong đó có Đạm Cà Mau. Với lợi thế đó, Đạm Cà Mau sẽ là người bạn đồng hành cùng nông dân ĐBSCL, sẻ chia khó khăn, giúp bà con làm giàu trên quê hương của mình.

PV: Song song với việc tổ chức quản lý, vận hành sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau an toàn, ổn định, PVCFC đã triển khai hoạt động kinh doanh, xây dựng mạng lưới phân phối như thế nào trong suốt thời gian qua, thưa ông?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Trong giai đoạn chuyển giao Nhà máy Đạm Cà Mau từ Ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm sang cho PVCFC, chúng tôi đã phối hợp tổ chức, quản lý, vận hành một cách khoa học trên cơ sở có sự phân chia trách nhiệm, công việc cụ thể cho từng bên, tránh chồng chéo công việc của nhau. Ưu tiên cao nhất trong giai đoạn này là bảo đảm việc cho ra những mẻ sản phẩm đạm hạt đục có chất lượng phù hợp.

Trong thời gian qua, PVCFC đã chủ động kiện toàn quy trình nội bộ, nhân sự và từng bước xây dựng mạng lưới phân phối tới các tổng đại lý, đại lý cấp 1 và 2 phủ khắp cả nước, chủ động mở rộng và phát triển thêm được 3 thị trường mới so với năm 2012 gồm miền Bắc, miền Trung và thị trường quốc tế (Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines). Thiết lập các trạm, kho, bãi trung chuyển hàng hóa, hợp tác với các công ty sử dụng urê để sản xuất NPK. PVCFC tập trung vào các thị trường trọng điểm, có nhiều tiềm năng phát triển cao như ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

PV: Ông có thể khái quát mục tiêu sản xuất kinh doanh của PVCFC trong tương lai để sản phẩm Đạm Cà Mau ngày càng đến gần hơn với bà con nông dân trong cả nước và hướng đến xuất khẩu?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Để đạt được những thành tựu như hôm nay, PVCFC đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong điều kiện nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt không chỉ đối với các nhà sản xuất trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế vì như chúng ta đã biết, sản phẩm phân đạm đã hội nhập quốc tế từ rất lâu rồi và đứng trước môi trường cạnh tranh đó, PVCFC đã đặt ra những mục tiêu hết sức áp lực, đó là phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, hóa chất dầu khí.

Để đạt được mục tiêu đó thì Đảng ủy cùng Ban lãnh đạo PVCFC đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có 2 giải pháp chính: Một là quản trị, cơ cấu kiện toàn và tập trung lại các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp lãnh đạo; đồng thời áp dụng các công nghệ quản trị hiện đại như hệ thống ERP, các phần mềm CMMS, công nghệ thông tin… để nâng cao hiệu quả. Hai là tập trung vào công tác thị trường trong việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của hệ thống phân phối, đảm bảo giữ thị trường ổn định, đặc biệt tập trung vào giữ gìn và nâng cao uy tín thương hiệu của Đạm Cà Mau để đây chính là sự lựa chọn lâu dài của khách hàng và bà con nông dân.

 


Đến nay, thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã được phủ kín khu vực ĐBSCL, là sự lựa chọn tin cậy của bà con nông dân.

PV: Ông đánh giá thế nào về đội ngũ nhân lực của PVCFC hiện nay?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Phát triển nguồn nhân lực, tạo ra những con người phù hợp với hệ thống của doanh nghiệp là một trong các giải pháp trọng tâm, đột phá của PVCFC. Xác định đây chính là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngay từ khi mới thành lập Đảng ủy, lãnh đạo công ty đã rất quan tâm, coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những hoạt động cụ thể, thiết thực và các giải pháp mà lãnh đạo PVCFC tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào kết quả sản xuất kinh doanh, xây dựng và khẳng định thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng”.

PVCFC là một công ty trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo. Để nguồn nhân lực này là chủ lực trong chiến lược phát triển, công ty luôn chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng.

Đến bây giờ, PVCFC vẫn chưa cảm thấy hài lòng với đội ngũ nhân lực sẵn có, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Trong đó tập trung vào 2 nội dung: Đào tạo nội bộ (những chuyên gia, kỹ sư giỏi sẽ đào tạo cho chuyên gia, kỹ sư, anh em còn mới hơn) và đào tạo từ bên ngoài (thông qua các chuyên gia nước ngoài, các dịch vụ đào tạo của các nhà bản quyền, nhà cung cấp thiết bị ở nước ngoài); đồng thời nâng cao trình độ quản trị: Cơ cấu, kiện toàn và tập trung lại các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp lãnh đạo; đồng thời áp dụng các công nghệ quản trị hiện đại như hệ thống ERP, các phần mềm CMMS, công nghệ thông tin… để nâng cao hiệu quả.
Đặc biệt PVCFC quyết tâm tạo ra phong trào học tập, phát huy sáng kiến, sáng chế cải tiến kỹ thuật tạo động lực cho người lao động luôn luôn phấn đấu học tập, hoàn thiện mình, bảo đảm giàu về trí tuệ, mạnh về thể chất góp sức xây dựng PVCFC trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí theo phương châm “thân thiện, sáng tạo, chuyên nghiệp”.

PV: Yếu tố khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến đóng góp vai trò quan trọng như thế nào trong công tác quản lý, vận hành sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau, thưa ông?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Mặc dù mới thành lập, gặp nhiều khó khăn, đội ngũ CBCNV phải đảm nhiệm nhiều vai trò, tuy nhiên, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất luôn được ban lãnh đạo công ty khuyến khích đầu tư, phát triển. Nhiều đề tài, sáng kiến, sáng chế đã công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất mang lợi ích cho công ty hàng trăm tỉ đồng. Những sáng kiến, sáng chế này đã được các kỹ sư trẻ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nghiên cứu, đề xuất nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục các lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong giai đoạn vận hành, chạy thử.

Có thể nhận thấy rằng, ngay từ ban đầu trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị chạy thử, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến, sáng chế đã bắt đầu sôi động. Những chuyên gia, những kỹ sư trẻ có trách nhiệm với công việc đã rút ngắn thời gian chạy thử, thời gian dừng máy hạn chế tối đa so với các nhà máy đạm khác. Sản phẩm ra đời, ngay lập tức đáp ứng các thông số kỹ thuật, chất lượng sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đến với bà con nông dân.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm Đạm Cà Mau, việc nghiên cứu sản phẩm mới dựa trên lợi thế về công nghệ, thiết bị của nhà máy và nguyên liệu sẵn có cũng đặc biệt coi trọng. Hoạt động nghiên cứu phát triển và tư duy sáng tạo, phát huy sáng kiến có ý nghĩa quan trọng, chiến lược trong sự phát triển của công ty, do đó cần phải được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện về cơ chế, về hạ tầng kỹ thuật như phòng thí nghiệm, công cụ, kinh phí… Những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có sáng kiến, có kết quả nghiên cứu cần được khen thưởng, ghi nhận, đánh giá và tôn vinh một cách xứng đáng.

Thời gian tới PVCFC sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào này, coi đó là hoạt động cốt lõi, trọng tâm trong lao động sản xuất để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu suất của các thiết bị, tiết giảm năng lượng và vật tư tiêu hao để không ngừng mang lại lợi ích kinh tế cho công ty và nhất là cho xã hội.

PV: Được biết, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh hiệu quả sản phẩm Đạm Cà Mau thì PVCFC còn đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội trong thời gian qua. Ông vui lòng cho biết về chính sách an sinh xã hội của PVCFC trong năm 2013?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Cùng với việc triển khai cụm dự án, những năm qua Ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đã xây dựng và cấp vốn hơn 230 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, các công trình giao thông nông thôn, nhà ở cho các gia đình chính sách, trường học, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ kinh phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đi học bằng đò…; ứng vốn xây dựng đường từ TP Cà Mau đến khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm với tổng mức đầu tư 444,05 tỉ đồng; đầu tư trung tâm triển lãm (tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng); hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà ở công vụ cho toàn bộ CBCNV cụm dự án với tổng mức đầu tư 783 tỉ đồng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với địa phương theo chủ trương phát triển sản xuất đi đôi với tạo phúc và an dân.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Tập đoàn, ngay khi tiếp nhận vận hành và kinh doanh sản phẩm Đạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau đã tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả. 1 triệu tấn phân đạm hạt đục chất lượng cao đã đến tay bà con nông dân cả nước giúp bà con canh tác hiệu quả trong từng vụ mùa. Chỉ trong gần 2 năm, thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” không ngừng lớn mạnh và trở thành thương hiệu “gây cảm tình” với bà con bởi nhiều hoạt động từ thiện xã hội mà Đạm Cà Mau hướng tới.

Từ nguồn quỹ an sinh xã hội, năm sau luôn cao hơn năm trước, trong năm 2012 (10 tỉ đồng) và đến năm 2013 đã lên đến hơn 30 tỉ đồng, PVCFC đã chăm lo cho rất nhiều người nghèo về nhà ở, xây dựng nhiều ngôi trường phục vụ cho giáo dục, nhiều trạm y tế vùng sâu, vùng xa để chăm lo khám chữa bệnh cho bà con, hàng trăm suất học bổng có giá trị tiếp bước học sinh, sinh viên đến trường…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thế Vinh (thực hiện)