(Dân Việt) Như Báo NTNN - Dân Việt đã phản ánh, rất nhiều nông dân ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phải hứng chịu “quả đắng” vì cây hồ tiêu chết hàng loạt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ quả của việc trồng tiêu một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch của ngành chức năng...
 
Mất kiểm soát việc trồng tiêu

Cuối năm 2016, hàng trăm nông dân trồng tiêu tại các huyện MĐrăk, Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk) “lâm nạn” khi trời trở chứng trút nước xuống liên miên. Mưa ngừng ít lâu cũng là lúc hàng trăm ha tiêu của họ phần thì chết khô, phần thì héo úa, rụng sạch trái non. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk, đã có đến hơn 600ha tiêu tại 2 huyện trên bị chết do đợt mưa bất thường hồi cuối năm ngoái, thiệt hại có thể lên tới vài trăm tỷ đồng.


Một trong những nguyên nhân khiến tiêu chết hàng loạt- thực trạng đang nóng tại Tây Nguyên-
là do chínhnông dân trồng ở vị trí bất lợi.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ tới bà con nông dân về việc không nên phát triển hồ tiêu ở  những vùng có mực thủy cấp cao, những nơi ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng; chỉ nên mua giống tiêu ở những địa chỉ đã được cấp phép...
 
Anh Đào Xuân Hùng (thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) than thở: “Khi nước mưa rút hết cũng là lúc 700 trụ tiêu của tôi héo úa, cả vườn tiêu trở nên hoang tàn. Phân nửa vườn chết rũ, số còn lại héo úa, trái non rụng đầy đất. Tôi tìm thuốc chạy chữa nhưng hiệu quả không đáng kể. Tưởng vụ này gia đình cầm chắc 300 triệu đồng tiền lãi, nào ngờ mất tới hơn nửa tỷ đồng…”.

Bà Phan Thị Sim (cùng thôn với anh Hùng) cũng thiệt hại hơn 300 trụ tiêu do mưa kéo dài gây ngập úng. Bà Sim kể, để có được vườn tiêu, bà đã phải vay mượn, đầu tư xuống đất hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng cuối cùng thứ mà bà thu về là một đống nợ nần bởi toàn bộ vườn tiêu này chưa cho bà một hạt tiêu nào.

Các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Yang, Ea K'mút, Ea Păl (của huyện Ea Kar), Ea Lai (huyện MĐrăk) đều là những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Đăk Lăk. Những năm qua, do thấy hồ tiêu được giá nên rất nhiều hộ nông dân ở các xã này đã ồ ạt vay vốn trồng tiêu. Mặc dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo những địa phương nói trên có vị trí trũng, thấp, không phù hợp phát triển hồ tiêu, bản thân nông dân cũng biết điều đó nhưng họ vẫn “đánh cược” với hi vọng đổi đời. Cuối cùng 10 người trồng thì 9 người thất vọng với cây tiêu, mộng đổi đời trở thành nỗi khốn cùng với những khoản nợ khổng lồ.

Ở Tây Nguyên, không chỉ những địa phương nói trên mà tình trạng trồng tiêu không theo quy hoạch đã xảy ra ở rất nhiều nơi và đang trở nên mất kiểm soát. Tại Đăk Nông, diện tích hồ tiêu đã lên đến khoảng 28.000ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 là 14.000ha. Tại Đăk Lăk, quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 cũng chỉ 15.000ha nhưng hiện nay đã tăng gần gấp đôi, lên đến hơn 27.500ha. Với trên 1.200ha trồng mới trong năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 16.300ha, vượt quy hoạch trên 10.000ha.

Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, hầu hết diện tích tiêu bị chết ở Đăk Lăk gần đây đều nằm ngoài quy hoạch, được trồng ở những vị trí trũng, thấp nên dễ hư hại khi bị ngập úng. Để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp cũng như các ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc rất tích cực, song cũng chỉ đưa ra được những giải pháp tình thế như khơi mương tiêu úng, tư vấn kỹ thuật chứ không thể bắt bà con tuân thủ quy hoạch.

 
Cây tiêu đã giúp hàng ngàn nông dân làm giàu nhưng ngược lại cũng đã khiến hàng ngàn người khác
lâm vào cảnh khốn cùng.

Bỏ ngỏ kiểm soát cây giống

Cùng với việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt, việc kiểm soát chất lượng cây hồ tiêu giống tại Tây Nguyên cũng đang bị bỏ ngỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nông dân trồng tiêu chủ yếu chọn mua giống theo cảm tính, không có nguồn gốc rõ ràng. Hầu hết nông dân mà chúng tôi phỏng vấn đều trả lời rằng họ mua giống tiêu của các nông dân khác bán lại, hoặc tại các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ ở địa phương.

Giữa năm 2016, hàng loạt nông dân tại huyện Đăk Đoa và huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mua phải giống tiêu rởm. Ông Nguyễn Huy Hùng - một nông dân từng “dính nạn” kể: “Tôi mua gần 7.000 bầu tiêu về trồng nhưng chỉ sau 2 tháng, toàn bộ số tiêu này chết trụi. Hàng loạt nông dân khác ở xã mua giống tiêu cùng chỗ với tôi cũng bị tình trạng tương tự”. Còn ông Nguyễn Hòa Bình (huyện Chư Prông) thì cho biết: “Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề nhưng chúng tôi không thể “tính sổ” được với người bán giống. Họ đưa ra đủ lý do để biện minh, cho rằng chúng tôi trồng không đúng kỹ thuật (bón phân, phun thuốc quá liều lượng...), khiến tiêu chết. Cũng không bắt đền họ được vì việc mua bán đều bằng miệng, không có giấy tờ”.

Ở những thời điểm tiêu sốt giá, đi dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk hay ngay trước Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên - nơi chuyên nghiên cứu sản xuất giống tiêu, chúng tôi thấy giống tiêu được bày bán tràn lan với mức giá chênh lệch có khi lên đến vài chục ngàn. Thông thường, giá 1 dây tiêu giống đạt chất lượng khoảng 25.000 đồng, nhưng có nơi chỉ bán 6.000 đồng.

Một nông dân tự giới thiệu là “chuyên gia ươm giống tiêu” quảng cáo với chúng tôi: “Nếu mua với giá 10.000 đồng/dây, tôi sẽ cho người đến trồng. Trong 1 tháng nếu tiêu chết tôi sẵn sàng đền bù. Còn nếu mua về tự trồng tôi sẽ giảm giá 40%”. Người này khẳng định giống tiêu của ông ươm rất tốt, song không quên “thòng” thêm câu: “Nếu các anh mang về trồng bị chết là do lỗi kỹ thuật của người trồng!”.

Ông Huỳnh Quốc Thích nói: “Đúng là việc kiểm soát nguồn giống tiêu vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hai năm trước tại Gia Lai, một trung tâm nghiên cứu và phát triển hồ tiêu được thành lập. Trung tâm này đang cố gắng nghiên cứu để có những giống tiêu tốt nhất cũng như ngăn chặn tình trạng mất kiểm soát giống tiêu, tuy nhiên chặng đường này vẫn còn rất gian nan”.