(HNM) - Sản xuất nông nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển tích cực trong năm 2016; cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng cao. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn bộn bề khó khăn. 

 
Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Xuân Mai, Chương Mỹ. Ảnh: Sơn Tùng

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao... đòi hỏi phải có hướng đi phù hợp, giải pháp tích cực và sự quan tâm đúng mức.

Những tồn tại cố hữu

Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng cây ăn quả, rau an toàn, hoa chất lượng cao… Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 34.915 tỷ đồng, tăng 6,44% so với năm 2015; giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1ha canh tác đạt 239 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm 2015... Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa thật sự bền vững, tiềm ẩn rủi ro, đơn cử như khâu tiêu thụ nông sản. Đến nay, chỉ từ 10 đến 20% sản phẩm được tiêu thụ qua doanh nghiệp, tổ chức, còn lại nông dân vẫn tự sản tự tiêu. Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Thành cho biết: Sau 6 năm sản xuất lúa gạo hữu cơ theo hướng dẫn của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), sản phẩm gạo Đồng Phú đã có thương hiệu, nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn... 

Không riêng gạo hữu cơ Đồng Phú, nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao sản xuất ở huyện Chương Mỹ cũng rơi vào cảnh tương tự. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết: Chương Mỹ có nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, bưởi Diễn, trứng gà sạch Tiên Viên và một số sản phẩm chất lượng gồm hoa thương phẩm, rau an toàn... Những tưởng đem lại thu nhập cao cho đại bộ phận người dân địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa thể nhân rộng các mô hình, bởi đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, thương lái chi phối về giá cả.
Hà Nội phấn đấu, trong năm 2017, giá trị tăng thêm Ngành Nông nghiệp tăng từ 3,5% đến 4%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản/1ha đất canh tác đạt 239 triệu đồng. 

Thành phố đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao tập trung lên 33.000ha, chiếm 38,5% tổng diện tích; rau an toàn 5.700ha; cây ăn quả chất lượng cao 550ha; tổng đàn gia súc, gia cầm 29,22 triệu con...

Theo kết quả một cuộc khảo sát, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 152.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong 2 nhóm lĩnh vực gồm cung cấp sản phẩm vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. Tuy nhiên, một lượng lớn nông sản được thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đem đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể; lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng: Nếu không giải quyết được khâu tiêu thụ, mô hình sẽ dừng lại ở thí điểm chứ khó nhân rộng và phát triển bền vững... 

Ứng dụng công nghệ cao theo thế mạnh, sát thực tế

Ngoài khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang còn những tồn tại khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ví như việc ứng dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và hạ tầng thương mại các điểm phân phối còn hạn chế chưa bảo đảm yêu cầu. Khắc phục những hạn chế này, Hà Nội đã đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thế nhưng, đến nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 25%, trong đó: Cây lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt gần 18%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sữa Hà Nội Hà Quang Tuấn cho rằng: Nông nghiệp Hà Nội dứt khoát phải phát triển theo hướng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị, song phải xác định rõ ứng dụng công nghệ cao ở khâu nào? Thế mạnh của Hà Nội là thị trường tiêu thụ lượng lớn. Thay vì đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 35% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội nên lấy thị trường làm trung tâm, sản xuất sản phẩm thị trường cần. Do đó, các chính sách của thành phố phải tính tới sự liên kết, có tính thực tiễn để hiệu quả cao. "Làm công nghệ cao rất khó, cần nguồn kinh phí lớn, Hà Nội nên chọn điểm những doanh nghiệp có thế mạnh để hỗ trợ, tránh hỗ trợ tràn lan, nhỏ giọt; làm không khéo dễ dẫn đến tình trạng bao cấp" - ông Hà Quang Tuấn kiến nghị.

Trao đổi nội dung trên, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Hóa chất nông nghiệp Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cho rằng, thành phố phải nới rộng chính sách hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng kể cả bên trong và bên ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách của thành phố rất đúng và trúng nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Hiện nay cạnh tranh sản phẩm khá lớn, chính sách về công nghệ phải rõ ràng hơn, đồng thời cần cụ thể hóa chính sách để sát thực tế.

Hà Nội có cơ chế, đặc thù riêng, có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nhưng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp còn thấp. Hà Nội không nên đầu tư dàn trải mà tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh và phải phù hợp với điều kiện tại vùng sản xuất đó. Ngoài ra, khái niệm về công nghệ cao hiện nay vẫn còn mập mờ, do đó cần có truyền thông rõ ràng cho người dân hiểu thế nào là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Có như vậy mới khuyến khích người nông dân Thủ đô áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và cùng liên kết với doanh nghiệp.

Đào Huyền