Được đánh giá là rất tiềm năng và sẽ trở thành ngành mũi nhọn của nhóm nông sản xuất khẩu, tuy nhiên con số 70% rau quả chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc lại khiến nhiều người lo ngại. Nếu không cẩn thận, rau quả sẽ tiếp tục đi vào con đường mà nhiều ngành nông sản xuất khẩu từng được xem là mũi nhọn đã đi và hiện gặp không ít khó khăn. 

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) vừa cập nhật số liệu cho thấy, rau quả Việt Nam xuất khẩu 8 tháng qua chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã cho biết, đến giữa tháng 8, XK rau quả của nước ta đã đạt 1,457 tỷ USD, tăng 34,88% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các nông sản chủ lực khác, rau quả đang là nhóm hàng có sự tăng trưởng tốt nhất về giá trị XK.

70% rau quả xuất sang Trung Quốc

8 tháng đầu năm 2016, rau quả xuất siêu hơn 1 tỷ USD, vượt qua lúa gạo để trở thành mũi nhọn nông sản xuất khẩu, với kim ngạch 1,57 tỷ USD, tăng trưởng 21,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số các thị trường nhập rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm đến 70%, đạt 1,09 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng vị trí thứ hai về kim ngạch là thị trường Hàn Quốc, đạt 59,44 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến, thị trường Hoa Kỳ đạt 54,76 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việc 70% rau quả vẫn xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết là khi làm việc với Bộ Công Thương, phía Trung Quốc cho rằng họ sẽ tạo điều kiện tối đa cho hàng nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông - lâm - thủy sản, trong đó có rau quả, chăn nuôi, gạo,…

Tuy nhiên, họ cũng đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng trong thời gian tới sẽ siết hoạt động nhập khẩu biên mậu, tăng cường công tác chống buôn lậu. Ngoài ra, Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm.

Thực tế, bao năm qua, rau quả Việt Nam chủ yếu vẫn xuất qua thị trường Trung Quốc, nhưng đặt trong bối cảnh trở thành ngành xuất khẩu nông sản mũi nhọn thì việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ mang đến nhiều rủi ro lớn.

Ví dụ điển hình nhất có thể lấy từ bài học của ngành gạo, vốn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc siết chặt, khiến các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam lao đao, sản lượng gạo xuất khẩu cũng như đơn hàng sụt giảm trông thấy.

Ngoài ra, gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc nhận được thông tin chưa chính xác, nên đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải cung cấp các chứng từ xác nhận doanh nghiệp nằm trong danh sách đã được Bộ NN&PTNT đăng ký gửi cho Trung Quốc mới được thông quan. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp.

Thực chất, quy định đăng ký nêu trên đã có từ tháng 7/2009, song đến nay vẫn chưa thực hiện và chưa hề có yêu cầu tăng thêm kiểm tra.


Cần phải nhanh chóng đa dạng thị trường

Bất ổn nhiều thị trường

Bên cạnh đó, dù được đánh giá là tăng trưởng vượt so với kỳ vọng nhưng xét về mức tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016 vẫn sụt giảm mạnh ở một số thị trường như: Campuchia giảm 193,7%; Hồng Kông giảm 105%; Cô Oét giảm 146,6%;…

Đặc biệt, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK mặt hàng này vẫn phải đối mặt với một số khó khăn từ các thị trường. Chẳng hạn, tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu gặp nhiều rủi ro vì phải chấp nhận phương thức thanh toán trả sau.

Ngoài ra, khách hàng Ấn Độ thanh toán rất chậm (dạng gối đầu) không phải ngay sau khi nhận được hàng, dẫn tới tình trạng, khi khách hàng không tiêu thụ được hàng, doanh nghiệp không thu được tiền.

Bên cạnh đó, một số thị trường mở ra, nhưng lượng hàng lại hạn chế, chưa xác định được nhu cầu và sức cạnh tranh của từng mặt hàng rau quả tại từng nước. Đặc biệt, thách thức về rào cản kỹ thuật, nhiều nước đã lập để bảo hộ các mặt hàng trồng trọt trong nước.

Trong quá trình hội nhập sâu, thuế suất giảm dần, đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật (như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm…) sẽ tăng lên. Nhiều nước thuộc thị trường “khó tính” yêu cầu rau quả xuất khẩu phải sản xuất theo VietGAP, cam kết không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định…

Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường.

Theo Gs.Ts. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, để xuất khẩu rau quả bền vững, ngay từ bây giờ, DN cần bắt đầu xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam. Nên xây dựng thương hiệu quốc gia như xoài Việt Nam, bưởi Việt Nam… Việc xây dựng thương hiệu mất đến trên 10 năm. Vì vậy, cần bắt đầu sớm với một số loại trái cây có tiềm năng và đã XK như thanh long, vải, nhãn, xoài, chuối già…

Riêng với thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, để tiếp tục giữ vững và tăng trưởng tốt về XK rau quả vào nước này, Gs.Ts. Nguyễn Minh Châu cho rằng cần có những tính toán lại về cơ cấu của một số loại cây ăn trái.

Trong đó, quan trọng nhất là cây thanh long. Hiện nay, thanh long vẫn đang là loại trái cây XK quan trọng nhất của Việt Nam, và cũng là trái cây chiếm tỷ trọng XK lớn nhất sang Trung Quốc. Nhưng nước này đã bắt tay trồng thanh long trên diện tích lớn.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từng dự đoán rằng những năm tới, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đa dạng nhanh thị trường xuất khẩu, để giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường, gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá xuống thấp, gây thiệt thòi cho phía Việt Nam.

Gs.Ts. Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam
 ------------------------------- 
Để tiếp tục cạnh tranh được ở Trung Quốc, các loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi đã được sản xuất trái vụ với những loại cây tương tự bên Trung Quốc, nhằm bán vào thị trường này. Nhưng cần phải tổ chức những mô hình sản xuất bền vững để giữ được thị trường.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam
 -------------------------------

Tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo sẽ đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

Ts. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
 -------------------------------

Cần phải đầu tư sâu vào chế biến rau quả để đa dạng sản phẩm XK. Hiện nay, sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam còn khá đơn điệu. Trong khi đó, ở nhiều nước, XK rau quả, với mỗi loại trái cây, họ đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và XK, như Chile có tới 5 – 6 sản phẩm từ trái xoài và rất nhiều sản phẩm từ trái thanh long…
 

Lê Thúy