VINAGRI News - Xuất khẩu gạo trong tháng 8 đột ngột giảm mạnh 50% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ, theo ý kiến chuyên gia là hệ quả của họat động điều hành xuất khẩu gạo thời gian trước đó tạo ra tâm lý trì hoãn của khách hàng.


Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng. Ảnh: TC.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vừa công bố số liệu cập nhật tính đến ngày 22-8, măc dù giá xuất khẩu trung bình của tháng 8 đã tăng trung bình 5% so với trung bình tháng 7.

22 ngày đầu tháng 8 xuất khẩu được 287.000 tấn gạo, còn thấp hơn tháng 2- 2013 là tháng có hoạt động giao dịch ngưng lại do có kỳ nghỉ Tết kéo dài. Khối lượng xuất khẩu trong 22 ngày đầu tháng 8 giảm đến 50% so với cả tháng 7 và giảm đến 69% so với tháng 8 năm 2012.

Trong tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp xuất khẩu giảm mạnh giá chào gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam xuống trung bình mức 377 đô la Mỹ/tấn. Đến cuối tháng 4, lượng gạo xuất khẩu bị hủy mua hàng vào khoảng 280.000 tấn, nhiều nhất là từ phía các khách hàng Trung Quốc, nguyên nhân là do khách hàng thấy giá gạo giảm mạnh đã hủy hợp đồng hoặc chủ động hoãn giao hàng để tránh thua lỗ.

Ngược lại, thời điểm tháng 7 và tháng 8, do giá gạo nội địa tăng nhanh, các doanh nghiệp cũng nâng giá chào xuất khẩu của gạo 5% tấm lên mức trung bình 385 đô la Mỹ/tấn. Trong bối cảnh này, đến lượt các doanh nghiệp xuất khẩu hủy hợp đồng xuất khẩu để tránh thua lỗ do mua gạo nguyên liệu đầu vào với giá cao.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo nhận xét: “Các quốc gia xuất khẩu gạo khác cũng điều chỉnh giá chào xuất khẩu tăng/giảm theo biến động thị trường nhưng không chọn cách tăng/mạnh trong thời gian ngắn như Việt Nam đã làm”, ông nói.

Theo ông Bích, lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 8 là hệ quả tất yếu do công tác điều hành xuất khẩu trong thời gian qua đã khiến khách hàng có tâm lý do dự, trì hoãn, muốn trì hoãn theo dõi biến động giá cả thay vì ký hợp đồng.

Tháng 8 cũng là tháng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất của gạo Việt Nam tính đến thời điểm này mua chậm lại do vào vụ thu hoạch. Trong khi các thị trường khác ở châu Phi và châu Á bị cạnh tranh khá gay gắt với gạo của Thái Lan và Ấn Độ. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ký được hợp đồng cấp chính phủ đối với 2 thị trường truyền thống là Indonesia và Philippines như kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để gỡ bế tắc trên thị trường hiện nay.

Theo một nguồn tin từ Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), tổng công ty này đang đấu thầu hợp đồng cấp chính phủ xuất khẩu gạo cho Indonesia nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về giá.

Phạm Thái/ TBKTSG