Xuất khẩu gạo đã vượt 3 triệu tấn và đạt gần 1,4 tỷ USD, các doanh nghiệp đang kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng từ tháng 7 đế giải quyết được hàng tồn kho. Các cơ quan liên quan cũng đang tìm cách tháo gỡ khó khăn qua việc thu mua tạm trữ lúa gạo.

 

CôngThương - Gian nan về đích

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), kết quả giao hàng từ ngày 1 đến ngày 20/6/2013 đạt 266.024 tấn, trị giá FOB 110,632 triệu USD, trị giá CIF 120,038 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến 20/6/2013 đạt 3,054 triệu tấn, trị giá FOB 1,322 tỷ USD, trị giá CIF 1,389 tỷ USD.

Với mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm là 7,5 triệu tấn thì 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp phải đảm bảo xuất được 4,5 triệu tấn. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp, giá giảm để đạt được mục tiêu là không hề đơn giản. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết: Các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới hiện có nguồn cung rất dồi dào nên sẵn sàng hạ giá bán để giữ thị trường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp khi từ tháng 7 nhu cầu nhập khẩu gạo tăng mạnh trở lại từ các thị trường tập trung như Indonesia, Philippines.

Hiện tại, giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 4.950– 5.100 đ/kg, lúa dài khoảng 5.150– 5.300 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.450– 6.550 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.200– 6.300 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500– 7.600 đ/kg, gạo 15% tấm 7.20 – 7.300 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.900– 7.000 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân bán lúa tươi tại ruộng đang lỗ nặng, giá lúa thường chỉ được 3.400- 3.800 đồng/kg tùy từng khu vực; lúa hạt dài từ 4.000- 4.200 đồng/kg.

Trước những khó khăn của nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và VFA để kiểm tra, giám sát đợt thu mua tạm trữ lúa gạo


Giám sát chặt việc vay vốn thu mua tạm trữ

Bên cạnh việc tập trung kiểm tra phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo cho các doanh nghiệp của VFA, đoàn kiểm tra liên ngành còn kiểm tra cụ thể các điều kiện của doanh nghiệp tham gia tạm trữ lúa gạo như: tài chính lành mạnh, có xác nhận quyết toán thuế; có kho chứa thóc, gạo tạm trữ trực tiếp sở hữu, đúng quy chuẩn; có khả năng tiêu thụ lúa gạo tạm trữ. Hoạt động cho vay và giải ngân của các ngân hàng thương mại; thanh quyết toán hỗ trợ lãi suất cho vay của doanh nghiệp tham gia tạm trữ cũng sẽ được kiểm tra.

Cũng liên quan đến việc cho vay tạm trữ lúa gạo vụ Hè Thu, trên cơ sở đề nghị của VFA và UBND tỉnh An Giang về gia hạn thời gian vay mua tạm trữ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay mua tạm trữ thóc, gạo thực hiện một số nội dung. Cụ thể: Việc các ngân hàng thương mại vừa qua cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ thóc, gạo vẫn thực hiện theo cơ chế tín dụng thông thường (thời hạn cho vay căn cứ phương án kinh doanh của doanh nghiệp), Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp 100% lãi suất trong thời gian tối đa 3 tháng (đến 20/5/2013), do đó đối với các khoản cho vay tạm trữ theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi hết thời gian được hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay vẫn thu nợ và lãi bình thường theo phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cho vay bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo; trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo nên không trả được nợ ngân hàng đúng hạn, các ngân hàng thương mại xem xét cụ thể từng trường hợp để cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng dẫn tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay tạm trữ, trách việc lợi dụng chính sách và khó khăn của thị trường để cố tình không trả nợ ngân hàng.

Duy Minh