NDĐT - Trong nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được coi như một trong những “chìa khóa” của thành công. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ứng dụng CNC trong sản xuất là giải pháp tiên quyết giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn tồn tại nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư trong lĩnh vực này.

Những khó khăn tồn tại

Ngày 17-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quyết định số 1985/QĐ-TTg về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Từ khi Luật Công nghệ cao được Quốc hội phê chuẩn, đã có khá nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân hưởng ứng, xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (mặc dù ở quy mô đơn lẻ) với tổng số kinh phí đầu tư đến nhiều ngàn tỷ đồng từ các doanh nghiệp, địa phương.

Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã được nhà nước đầu tư thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) cấp Bộ, cấp nhà nước, đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản… Tính đến thời điểm hiện tại có 16 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức KHCN, doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các cơ quan quản lý nhà nước của T.Ư và địa phương; giữa các lĩnh vực, các trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, việc sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư, chưa có nhiều công nghệ cao trong nông nghiệp và mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn tại Việt Nam.

Mặt khác, ngân sách nhà nước có hạn, thiếu kinh phí để nghiên cứu, nhập khẩu và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp. Chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chưa có hệ thống dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ “bốn nhà”

Chia sẻ về thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, chuyên gia sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, những nguyên nhân khiến cho việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của chúng ta chưa đạt hiệu quả đó là do chưa tận dụng, phát huy hết được những tiềm năng sẵn có. Mặt khác, mối quan hệ giữa “bốn nhà” (Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông) còn lỏng lẻo chưa phát huy được hết khả năng của các bên nên hiệu quả chưa cao.

Ông Lân Hùng phân tích: “Tiềm năng của chúng ta còn rất nhiều, ví dụ như chúng ta có quả sấu, quả trám… và rất nhiều loại quả khác ăn rất ngon nhưng chúng ta chưa biết chế biến để đưa những loại quả này thành các đặc sản mang lại lợi ích kinh tế cao. Ở nước ngoài người ta có quả me, nếu so về chất lượng quả sấu của chúng ta hơn hẳn nhưng họ chế biến quả me của họ ra được rất nhiều sản phẩm để xuất khẩu, nhờ vậy mà nông dân của họ được lợi nhuận từ quả me nhưng chúng ta chưa làm được điều đó”.

Chuyên gia sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, để CNC thực sự đi vào nông nghiệp thì vai trò của bốn nhà là rất quan trọng. Trong đó chức năng nhiệm vụ của mỗi nhà phải được cụ thể hóa. Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phân tích: Hiện nay, cái khó của chúng ta là ở chỗ các nhà chưa gặp được nhau. Gặp ở đây có nghĩa là các bên phải thực sự hiểu nhau. Nhà khoa học phải hiểu được doanh nghiệp cần gì, nhà khoa học có gì nhà doanh nghiệp cũng chưa biết. Vì vậy vai trò khâu nối của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nhà nước làm nhiệm vụ dẫn dắt, chỉ đạo, tạo điều kiện để các bên gặp gỡ nhau trao đổi, thảo luận cụ thể, đề ra được các phương hướng có triển vọng, tổ chức để các ngành liên quan kết hợp với nhau, điều hòa các mối quan hệ, vận động, tạo điều kiện để nông dân tham gia.

Về phía nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu những giải pháp tiềm năng, những phương hướng cụ thể, phải giải được bài toán do doanh nghiệp đề ra. Ví dụ doanh nghiệp muốn nhà khoa học phải chế biến ra được một sản phẩm A đạt được những tiều chuẩn cụ thể B,C, D thì nhà khoa học phải làm được điều đó.

Đối với nhà doanh nghiệp, quan trọng nhất đó là tìm kiếm thị trường. Hiện nay, vấn đề khó nhất là tìm kiếm thị trường. Thứ hai là tìm và chọn lọc các giải pháp mà các nhà khoa học đưa ra. Bên cạnh đó cũng phải tổ chức sản xuất tốt, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tiêu thụ tốt.

Người nông dân phải chủ động nâng cao kiến thức để tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. Khi hội nhập chúng ta không thể mãi làm bằng chân tay, đã đến lúc chúng ta phải sử dụng khối óc thay cho sức lao động. Ngoài ra, nông dân phải nghiêm túc thực hiện những quy định của hợp đồng, không được tùy tiện phá bỏ hợp đồng khi thấy có lợi hơn cho mình, sát cánh với nhà doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm hiệu quả kinh tế cao.
THANH TRÀ (nhandan.org)