Cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi tích tụ vốn và đầu tư công nghệ, thiết bị… những thứ mà những người nông dân bình thường không thể tự trang trải. Ảnh: Quý Hoà

Công nghiệp hoá nông nghiệp

Không có cường quốc dân số nào thịnh vượng nhờ nông nghiệp cả. Khi thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hàng nông sản giá cao có thể làm nghèo quốc gia, tạo cơ hội cho nông sản nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường khi không thể áp dụng hàng rào kỹ thuật hay chính sách bảo hộ.

Ở các nền kinh tế phát triển, xét về mặt thâm dụng vốn, vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp đã hoán đổi cho nhau. Mức thâm dụng vốn trong ngành nông nghiệp nhỏ bé đã cao hơn hẳn so với công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này liên quan đến “công nghiệp hoá nông nghiệp” - quá trình giúp gia tăng năng suất nông nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản và gia tăng thu nhập của người nông dân. 

 

Khi hàm lượng vốn và máy móc tăng lên thì thâm dụng lao động giảm xuống. Lao động nông nghiệp hiện chưa tới 3% trên tổng dân số Mỹ, nhưng sản lượng thì xuất hàng đầu thế giới. Trong khi đó, đô thị hoá ở Việt Nam hiện mới chỉ hơn 30%, phần lớn dân số vẫn sống ở nông thôn và nông nghiệp vẫn phát triển manh mún, thâm dụng lao động.

Công nghiệp hoá nông nghiệp là cuộc đầu tư tốn kém và đầy rủi ro, đòi hỏi những bước tiến chiến lược thiết thực dưới sự quan sát kỹ lưỡng các quốc gia cạnh tranh trong khu vực và thế giới. 

Nông nghiệp đã trở nên hiệu quả hơn nhiều nhờ ứng dụng các công nghệ thâm dụng nhiều vốn như cánh tác trong nhà kính, chăn tập trung sử dụng các công nghệ tổng hợp… Cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi tích tụ vốn và đầu tư công nghệ, thiết bị… những thứ mà những người nông dân bình thường không thể tự trang trải nếu không có chính sách đi đầu của nhà nước và sự tham gia của các tập đoàn nông nghiệp tư nhân. 

Việc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp chỉ thành công khi đạt được 2 mục tiêu chính: tăng giá trị đầu ra và giảm chi phí đầu vào. Thực tế, hầu hết hàng nông sản của Việt Nam được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn các nước khác do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Nói thẳng là, tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều đầu vào với chi phí tiêu cực lớn hơn về môi trường. Nếu không thay đổi tận gốc sẽ không tận dụng được các cơ hội dù Việt Nam là quốc gia ký kết các FTA nhiều nhất khu vực.

Chính sách phải đến được nông dân

Để làm được vậy, phải đổi mới được chính sách đất đai. Sau đó là quá trình đầu tư cải tạo, tái sinh đất đai, nguồn nước và không khí. Các chính sách hỗ trợ thị trường, trợ giá, chi phí của nhà nước và chính sách tài trợ vốn ưu tiên cho ngành nông nghiệp là điều cần thiết. Không có quốc gia nào dù là giàu có mà không có chính sách bảo trợ đặc biệt cho nông nghiệp nội địa cả.

Ngoài ra, và quan trọng hơn cả, muốn nông dân thoát nghèo bền vững (theo tiêu chuẩn của từng thời kỳ, từng quốc gia) thì trước hết phải công nghiệp hoá và đô thị hoá thành công. Tương lai trong một nền kinh tế phát triển, tỉ trọng đóng góp của nông nghiệp vào GDP sẽ phải nhường lại phần lớn cho công nghiệp và dịch vụ phẩm chất cao. Khi năng suất tăng và lao động giảm, tỉ suất lợi nhuận vì thế sẽ tăng lên, có lợi cho nông dân. 

Vấn đề là làm sao để chính sách hỗ trợ cho hiệu quả, đến đúng người nông dân như những tấm lưới bảo vệ cho thu nhập của nghề nông vốn dĩ luôn bấp bênh và nhiều rủi ro. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp phải đến được trực tiếp người nông dân, chứ không phải đối tượng thụ hưởng là thương lái, doanh nghiệp. 

Sản lượng lúa tăng, mức xuất khẩu cũng tăng, nhưng thu nhập và đời sống của người nông dân nhìn chung còn rất vất vả. Cảm giác bị ép giá của người nông dân thực ra chỉ là bề nổi của một hiện tượng kinh tế phức tạp hơn. Ngay cả giá gạo thế giới tăng lên trong những ngày qua thì người nông dân chưa chắc đã được lợi. Trên thực tế, những thương lái và doanh nghiệp thương mại xuất khẩu được hưởng phần lớn từ việc giá nông sản tăng lên, còn những người nông dân hưởng phần rất nhỏ. 

Tổng công suất kho lưu trữ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long là hơn 5 triệu tấn lúa gạo, về lý thuyết là ổn, đủ tích trữ, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia. Nhưng kho trữ gạo lại chiếm phần lớn, như vậy có nghĩa là người nông dân sẽ không hưởng lợi mấy từ các chính sách hỗ trợ thu mua tích trữ gạo theo thị giá của nhà nước, thương lái với doanh nghiệp hưởng là chính bởi người nông dân đã bán lúa tươi ngoài cho thương lái.

Thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Ảnh: Quý Hoà

Muốn phát triển được nông nghiệp phải thu hút người trẻ về với đồng ruộng. Những cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi đầu tư lớn, và người nông dân liệu có đủ khả năng và vốn liếng để tiếp tục với công việc đòi hỏi cả kỹ năng canh tác hiện đại với thương mại, hay người nông dân lại làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình cho những doanh nghiệp lớn. 

Tự do thương mại có thể đem lại cơ hội cho một số người, những quốc gia có tiềm lực mạnh hơn. Nhưng tự do thương mại cũng có thể mang thêm tổn thương tới cho các người nông dân được khuyến dụ từ bỏ ruộng đồng để trồng các vụ mùa để xuất khẩu. Đối với nhiều doanh nghiệp, nguồn năng lượng thiên nhiên chỉ là nguồn lợi về kinh tế. Khi một địa phương đã cạn kiệt, họ sẽ dời đi nơi khác, người nông dân sẽ bơ vơ. Nghề nông có thể cho cơ hội đổi đời, làm công nhân thì mãi không. Phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục cho các thế hệ trẻ làm nông nghiệp, tự họ sẽ làm giàu tốt hơn trên mảnh đất của cha ông.

Nguồn nhipcaudautu.vn