Sau hơn một năm triển khai thực hiện Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, với việc phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng, chính sách này không những không mang lại lợi ích cho nông dân như mục tiêu ban đầu, mà trái lại đang làm tăng giá thành phân bón sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu, vô hình trung “ bóp chết" các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và mở cửa cho phân bón nước ngoài tràn vào. Đó là ý kiến các chuyên gia tại Tọa đàm "Gỡ khó chính sách Thuế VAT cho phân bón Việt Nam" diễn ra giữa tuần qua tại Hà Nội. 

“Mở cửa” cho phân bón nhập khẩu

Theo Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực ngày 1.1.2015, phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước vẫn phải chịu thuế VAT đầu vào 10% nhưng DN lại không được khấu trừ hay hoàn thuế đầu vào như khi phân bón là đối tượng chịu thuế VAT, dẫn đến tăng chi phí. Toàn ngành phân bón, chi phí của doanh nghiệp đã tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CP Phân bón DAP Vinachem - Hải Phòng cho rằng, thực tế khi áp dụng Luật 71, người nông dân chưa chắc đã được hưởng lợi bởi vì thị trường không thể bền vững khi lệ thuộc phân bón nước ngoài. Thời gian qua, giá phân bón trong nước giảm là do giá thế giới đồng loạt giảm, cả phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cũng đều giảm. DN trong nước đang phải chi nhiều tiền hơn để sản xuất, nhưng giá bán ra thị trường lại thấp hơn thì bản chất phải xem phân bón nước ngoài có trợ giá hay không. Nếu chính sách thuế VAT phân bón như hiện nay vẫn tiếp tục được áp dụng, chắc chắn các DN phân bón sẽ dừng hoạt động và phá sản là điều tất yếu. Lúc ấy thị trường phân bón ngày càng lệ thuộc ngoại nhập. Điều này rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, trong khi DN phân bón gặp khó khăn từ chính sách thuế VAT của Luật 71 thì họ lại chịu thêm cạnh tranh từ chính sách thuế nhập khẩu phân bón bị hạ mạnh. Cụ thể, trước kia phân bón nhập khẩu phải chịu thuế 11% (bao gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT) thì nay, mức thuế này hạ xuống còn 6%.

Triệt tiêu động lực đầu tư 

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Hồ Quang Thái, các DN trong nước thời gian qua đã cố gắng đầu tư sản xuất, thay đổi công nghệ, nhưng giá phân bón thế giới và thuế nhập khẩu phân bón xuống thấp, lượng nhập khẩu phân bón tăng ồ ạt, làm DN rất khó khăn. Khi không được khấu trừ hoặc hoàn thuế, giá thành sản xuất tăng lên, giá cao không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu có nhiều lợi thế, dẫn đến sản xuất trong nước đình trệ, DN thua lỗ, công nhân mất việc. Như vậy, mục đích cuối cùng khi không áp thuế VAT cho phân bón là an sinh xã hội đã không đạt. Vừa qua Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đi kiểm tra phân bón ở nhiều nơi, DN cho biết với bối cảnh hiện nay, họ không dám đầu tư đổi mới công nghệ và hiện đại hoá dây chuyền sản xuất bởi suất đầu tư cao trong khi chính sách thuế lại đang tạo điều kiện cho phân bón ngoại nhập - ông Thái cho biết. 

Đồng tình với ông Thái, ông Dương Trí Hội – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí phân tích thêm: Việc phân bón thuộc danh mục mặt hàng không chịu thuế VAT không khuyến khích DN sản xuất đầu tư công nghệ mà tạo thuận lợi cho phân bón giả, kém chất lượng hoành hành. Về lâu dài, chính sách này không khuyến khích đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Như vậy, phân bón vẫn sản xuất theo công nghệ cuốc xẻng, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản khi phân bón sản xuất công nghệ kém, lạc hậu, còn nhiều tạp chất có nguy hiểm, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của nông sản, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nông sản của Việt Nam.
Gỡ khó bằng ... kiến nghị áp thuế VAT

Ông Takashi Yamada, giám đốc tài chính Công ty Phân bón Việt Nhật (Tập đoàn Sojittz), nêu kiến nghị: “Sản lượng giảm, doanh thu giảm, trong khi nguyên liệu đầu vào đều nằm trong danh mục chịu thuế nhưng sản phẩm đầu ra lại không được khấu trừ thuế, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN. Do đó, chúng tôi hi vọng các cơ quan chức năng xem xét mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế 0%. Việc này mang lại lợi ích cho người nông dân và DN sản xuất phân bón trong nước”. 

Bà Trần Thị Bình, Ủy viên HĐQT Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng nêu ý kiến: Chúng tôi cần được cân đối quyền lợi giữa nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng chứ không đòi hỏi đặc quyền cho riêng mình và rất mong Chính phủ, Quốc hội sửa lại Luật thuế này, ít nhất cũng phải áp dụng VAT đầu ra là 5% như trước để tháo gỡ khó khăn cho DN.Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thuý cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần khẩn trương xem xét lại chính sách thuế VAT cho phân bón Việt Nam ở mức từ 3 - 5%. 

Hà Vũ