Những hạn chế về công nghệ chế biến đã làm cho khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam bị hạn chế so với các đối thủ khác trên thị trường.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới là một trong những xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt hiện nay.


Đóng gói xuất khẩu thanh long. (Nguồn: TTXVN) 

Cường quốc về xuất khẩu nông sản

Nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị-xã hội.

Bên cạnh đó, nông nghiệp còn là yếu tố cơ bản, quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới với tổng giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng trên 30 tỷ USD. Có thể kể đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: gạo, điều, tiêu, tinh bột sắn, rau quả… Với lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 7-8 triệu tấn, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Riêng mặt hàng rau quả hiện là điểm sáng trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam với sự tăng trưởng liên tục. Chỉ trong vòng 4 năm (2012-2015), giá trị xuất khẩu đã tăng gấp 3 lần, từ 770 triệu USD lên 2,2 tỷ USD và 9 tháng năm 2016 đã đạt 1,81 tỷ USD…

Dù đạt được nhiều thành tựu, song các chuyên gia nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên năng suất chưa cao, chất lượng nông sản không đồng đều. Đáng lưu ý, phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, công nghệ chế biến còn lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, thiếu kho tồn trữ bảo quản, thiếu những công ty lớn chuyên phân phối sản phẩm, công tác xúc tiến thương mại cũng chưa thực sự chuyên nghiệp... Tất cả những hạn chế trên đã làm cho khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường.

Ứng dụng công nghệ cao - xu hướng tất yếu

Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới là một trong những xu hướng tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được xem là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm đất…; quản lý và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.


Mô hình trồng nấm mộc nhĩ ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc) 

Trong những năm qua, phát triển NNCNC ở Việt Nam đã được quan tâm thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm…

Đến nay, NNCNC ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện trong các loại hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: các khu nông nghiệp công nghệ cao, các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương; giữa các lĩnh vực, trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong thời gian tới, để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, các chuyên gia khuyến cáo, cần tập trung tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới trong cả sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam; hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường từ trung ương đến các địa phương…

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tiếp tục duy trì và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác nhằm xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ nông dân trong phát triển sản xuất nông sản có quy mô lớn; khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, các hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.