(Dân Việt) Việc có nông dân dùng xi măng bón ruộng và nói rằng có tăng năng suất, theo tôi chỉ có thể là do cảm tính, hoặc trùng hợp vụ mùa thuận lợi về thời tiết, vì mỗi ha tăng vài trăm kg, chỉ là vài phần trăm thì cũng không nói lên điều gì.


Sau khi đăng bài “Bón lúa bằng xi măng: Hiểm hoạ khôn lường”, Báo Dân Việt đã nhận được thêm nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà khoa học và cả nông dân có kinh nghiệm về vấn đề này.


Một vài nông dân tại Lai Vung, Đồng Tháp bón xi măng cho lúa. Ảnh: KP

Cụ thể, phản hồi bài viết trên Dân Việt, TSKH Lê Phát Quới - Viện Tài nguyên- Môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM), người từng có thời gian nghiên cứu về khoa học đất tại Đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) nói: “Mấy chục năm làm công tác nghiên cứu, tôi chỉ thấy ở Việt Nam có cách làm này. Về mặt khoa học, trong xi măng không có bất kỳ dưỡng chất nào. Còn nói trong xi măng có vôi làm hạ phèn, thì lâu nay nông dân đã dùng vôi để hạ phèn rồi nên đâu cần nữa.

Đây là giải pháp tức thời, nhưng cũng chỉ là tạm thời vì vôi làm tăng độ PH, hạ độ chua. Còn về giải pháp căn cơ để hạ phèn vẫn là dựa vào hệ thống thuỷ lợi, thau chua rửa phèn, đẩy phèn ra khỏi ruộng.

Việc có nông dân dùng xi măng bón ruộng và nói rằng có tăng năng suất, theo tôi chỉ có thể là do cảm tính, hoặc trùng hợp vụ mùa thuận lợi về thời tiết, vì mỗi ha tăng vài trăm kg, chỉ là vài phần trăm thì cũng không nói lên điều gì. Riêng về hậu quả, lâu dài, xi măng sẽ tác động xấu đến đất, phá vỡ cấu trúc đất, làm cứng bề mặt đất. Cây lúa rễ mềm, ăn cạn, sẽ bị ảnh hưởng”.

Còn nông dân Võ Quan Huy (Long An) đang quản lý 1.000ha đất nông nghiệp ở ĐBSCL khẳng định: “Về khoa học, bất kỳ nguyên tố hoá học nào cũng cần cho đất trồng cây, chỉ là số lượng bao nhiêu là vừa, mục đích sử dụng là gì, áp dụng cho loại cây trồng nào, loại đất nào. Tôi đang trồng chuối và nhiều loại cây ăn trái ở huyện Đức Huệ, Long An.

Đất ở đây cằn cỗi, cây trồng không phát triển tốt nếu không cải tạo đất. Đúng là xi măng có một số chất cần cho cây, nhưng không phải chất nào cũng cần, mà nông dân thì không thể nghiên cứu được, chỉ làm theo kinh nghiệm. Tôi không dùng xi măng, mà dùng những chất là tiền nguyên liệu xi măng.

Những thứ này nhà máy sản xuất xi măng cũng không bán, tôi mua từ các mỏ đá. Số lượng mua hàng trăm tấn, và giá rất rẻ chứ không đắt như xi măng. Dĩ nhiên, tôi không bón bừa. Trước khi bón cho đất, tôi phải đo xem đất của mình thiếu gì, cần bổ sung chất nào, magiê, kẽm, sắt... Từ đó tôi tiến hành bổ sung cho đất.

Tôi áp dụng cho đến khi đất "đủ" thì ngừng, chứ không bón định kỳ như nông dân Lai Vung, Đồng Tháp. Sau đó, tôi tiếp tục sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân bón thông dụng khác. Tuy nhiên, cách làm của tôi chỉ nên áp dụng với mô hình trang trại, còn sản xuất nhỏ lẻ thì đừng nên”.