(Dân Việt) Dù Bộ Công Thương đã bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu và kinh doanh gạo, nhưng có doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo vẫn phải… sang Singapore, Campuchia.
   
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mở cửa thông thoáng cho việc xuất khẩu gạo, cơ quan chức năng cũng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia với các mặt hàng là gạo đặc sản, gạo thơm chất lượng cao...

Vẫn phải đi đường vòng?

Trước thông tin Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.


Các chuyên gia cho rằng, cần có thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu
các sản phẩm gạo đặc sản. Ảnh: T.L 

Ông cho rằng, quyết định trên sẽ mở rộng tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” trong hoạt động chế biến xuất khẩu gạo, tránh trường hợp giao quota xuất khẩu cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp “thân quen”, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ rất tâm huyết nhưng không đủ tiềm lực hoặc không đầu tư rộng rãi nên không đủ điều kiện được cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc chỉ mới bãi bỏ Quyết định 6139 của Bộ Công Thương tương tự việc chỉ mới bỏ được một giấy phép “con, cháu” trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Trong khi đó, các yêu cầu trong Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh, xuất khẩu gạo vẫn còn hiệu lực. Ví dụ như vẫn phải đảm bảo các tiêu chí về kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa khô, phải có nhà máy xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa khô/giờ, các tiêu chí về thành tích xuất khẩu…

Do đó, muốn xuất khẩu, các DN nhỏ có thể vẫn tiếp tục phải đi đường vòng sang… Singapore để mở công ty như trường hợp của Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), hay sang nước bạn Campuchia của Công ty Việt Hưng (TP.HCM)... Nguyên nhân là dù đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm nhưng các doanh nghiệp này không đủ tiềm lực để đầu tư các chỉ tiêu theo như Nghị định 109.

GS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia ngành lúa gạo, cho rằng, bỏ quy hoạch chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Việc này dường như Bộ Công Thương có mục đích mở rộng cửa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia xuất khẩu gạo, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp cùng cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, các bên sẽ đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng chuỗi lúa gạo. Tuy nhiên, theo GS Xuân, các vấn đề về thị trường, chất lượng lúa gạo… vẫn chưa được giải quyết.

Sẽ sửa đổi Nghị định 109 trong năm 2017

GS Xuân cho rằng, bên cạnh việc bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, cần tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng đầu tư vào kinh doanh và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Cụ thể, đối với những công ty vừa và nhỏ, hướng vào mặt hàng gạo chất lượng cao, giá trị cao với số lượng không nhiều thì cần tạo điều kiện khuyến khích xuất khẩu, không áp dụng những điều kiện quá sức về kho chứa, nhà máy.

GS Xuân cho rằng, cần có chính sách phù hợp cho những công ty nhỏ và vừa xuất khẩu những loại gạo thơm, gạo đặc sản. Những công ty này nếu đáp ứng được điều kiện về vùng nguyên liệu, có thương hiệu… thì nên mở cửa khai thông để họ xuất gạo. “Ví dụ tại Campuchia, họ xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản mỗi năm cũng chỉ khoảng 800-900 tấn. Số lượng không nhiều nhưng nước này có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Xuân dẫn chứng.

Theo PGS - TS Nguyễn Ngọc Đệ, cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, cần có giải pháp đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn gạo Việt Nam khi đưa hàng ra nước ngoài. Để thực hiện được việc này, phải có bộ quy chuẩn gạo cho từng nhóm sản phẩm, từng loại gạo đặc sản… Có như vậy, mới tránh được tình trạng doanh nghiệp làm ăn “hớt váng”, ảnh hưởng chung toàn ngành.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Nghị định 109 sẽ được nghiên cứu sửa đổi trong năm 2017. Bộ đã chỉ đạo thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập để triển khai nhiệm vụ này ngay trong đầu năm 2017. Bên cạnh đó, công tác thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo... cũng sẽ là những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2017 để hỗ trợ doanh nghiệp.