Sau 5 năm đưa HTX vào hoạt động, anh Nguyễn Vạn Thành nhẩm tính: “Bây giờ HTX không còn thành viên nào nghèo nữa, tất cả đều giàu có hết. Các thành viên lâu nay đã lấy lại hết vốn góp vào HTX rồi, giờ mỗi  năm chỉ chờ lấy lời thôi”. 

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Vạn Thành – Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Thành (xã Hiệp Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) khi nói về HTX của mình. Anh Thành cũng là một trong những người nổi tiếng trong giới trồng thanh long khi đã có vai trò đưa 1 HTX bên bờ vực phá sản, trở thành đơn vị có tên tuổi trong giới xuất khẩu thanh long ở Việt Nam. Sở dĩ có điều đó, là vì HTX Vạn Thành ngay từ những bước đi ban đầu đã chọn chất lượng làm tiêu chí kinh doanh, và thay vì chọn các thị trường dễ tính như Trung Quốc, HTX đã tiếp cận với các thị trường khó tính hơn để vừa gây dựng thương hiệu, vừa gia tăng giá trị sản phẩm. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành cho biết những ngày cuối năm, mọi thành viên của HTX đang vô cùng tất bật với các đơn đặt hàng của đối tác. Thường vào dịp này, lượng đơn hàng cũng đổ về dồn dập hơn, mà chủ yếu là xuất qua doanh nghiệp bằng đường hàng không đi các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. 

Anh Thành vui vẻ nói: “Thanh long xuất bằng đường hàng không số lượng không lớn nhưng giá cao hơn hẳn. Cũng nhờ trồng thanh long chất lượng cao, bản thân tôi và nhiều xã viên của HTX đang có thu nhập rất tốt. Căn biệt thự đối diện HTX kia là của 1 thành viên HTX. Trước đây anh ấy là thợ xây, thấy trồng thanh long có lãi nên anh ấy đã bỏ nghề thợ xây, chuyển đổi 7.000 m2 đất sang trồng thanh long và xin làm thành viên HTX Vạn Thành. Chỉ với 7 công đất trồng thanh long, mỗi năm anh ấy thu nhập cả tỷ đồng”.

Anh Thành giới thiệu sản phẩm thanh long sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của HTX.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành nhẩm tính, trồng thanh long chỉ cần bỏ ra khoảng 100 triệu đồng/1ha/năm. Nếu xông đèn đạt và thanh long được giá thì người nông dân chắc chắn sẽ “trúng quả”. Mặc dù trong năm sẽ có thời điểm thu hoạch rộ, thanh long sẽ rớt giá, nhưng thực tế sản xuất 5 năm qua cho thấy, tính chung cả năm trồng trọt chăm bẵm thì nông dân luôn có lời. Khi tôi hỏi như năm 2016, gia đình anh trồng bao nhiêu trụ và thu nhập được bao nhiêu, anh cười vui rồi nói: “Nhà tôi đang trồng 2ha, tuy nhiên tôi cũng không hạch toán chi li để biết lời lãi bao nhiêu, chỉ thấy tiền năm sau luôn cao hơn năm trước là phấn khởi rồi”. 

Giờ về xã Hiệp Thành thấy đâu đâu cũng vườn thanh long ngút ngàn, hai bên đường những căn nhà tầng, nhà biệt thự được xây dựng khang trang. Như lời anh Thành kể, nông dân xã Hiệp Thành đã được làm quen với cây thanh long từ thập kỷ 80 (thế kỷ trước). Lúc bấy giờ, cây thanh long được một số nông dân cho bám chằng chịt vào những bụi cây tầm vông sống. Nếu so với nghề trồng thanh long ở Bình Thuận, Ninh Thuận thì việc trồng thanh long ở xã Hiệp Thành không chỉ “ăn đứt” về thâm niên mà còn biết sớm hơn kỹ thuật xông đèn cho thanh long ra trái trái vụ.

Cũng như các cây trồng khác, anh Thành cho biết muốn thanh long có năng suất cao, ít sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì phải đảm bảo trái thanh long sạch, việc bón phân phải theo đúng chu kì, phải ghi sổ nhật kí đồng ruộng cụ thể, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV. Quá trình thu hoạch, bảo quản phải đảm bảo trái thanh long không bị dập nát, muốn vậy phải thống nhất quy trình thu hoạch từ nhà vườn tới nơi sơ chế, xử lý bọc mút, đóng gói hết sức cẩn thận. 

“Muốn trái thanh long đồng đều, màu sắc đỏ đẹp thì nhà vườn phải biết chăm sóc, sử dụng phân bón hợp lý ngay từ khi đào hố trồng mới. Thanh long là cây chịu hạn nhưng nếu thiếu nước thì chỉ cho năng suất thấp và chất lượng kém. Giai đoạn mới trồng, để cây khỏe thì phải bón đủ phân để thân cây không bị thắt eo. Nếu bón thiếu, thân cây bị nhiều eo và ít cành thì sau này cây mang trái rất dễ bị thiếu mặc dù bón gốc đầy đủ. Theo kinh nghiệm của tôi, có thể sử dụng phân bò khô ủ hoai và rơm tủ gốc, kết hợp với bón phân đạm hạt đục Cà Mau và phân lân. Bón xong tủ lại gốc và tưới nước cho phân tan. Hiện Công ty Đạm Cà Mau có loại phân hạt đục, to tròn và phân giải chậm, nếu trộn với các loại phân khác thì sẽ đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây thanh long phát triển” – anh Thành chia sẻ. 

Theo anh Thành, chỉ riêng thị trường Nhật, từ năm 2013 đến nay, mỗi tuần HTX xuất vài ba chục tấn thanh long. Cộng cả các thị trường khác, mỗi năm HTX Vạn Thành xuất khẩu được khoảng vài chục ngàn tấn. Từ chỗ ban đầu chỉ có khoảng chục người, giờ HTX có 120 thành viên tham gia với diện tích hơn 100ha chuyên trồng thanh long sạch. 

“Giờ thấy thị trường nào chắc ăn tôi mới xuất hàng. Nguyên tắc của tôi là thà lời ít mà ăn chắc để đem lợi nhuận về cho các thành viên HTX. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã xin vào HTX. Chúng tôi liên minh hỗ trợ nhau cùng phát triển” - anh tâm sự.

Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau). 

Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/3/2016, với mục tiêu xây dựng 300 HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.

Nguồn: Dantri.com.vn