Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, anh Huỳnh Văn Sang, một nông dân trồng lúa ở ấp Tân Định, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng/ha nhờ sử dụng bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau.

 Tại buổi tổng kết mô hình trình diễn Phân bón Cà Mau trên cây lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 ở xã Tân Lập, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho thấy, khi nông dân sử dụng bộ sản phẩm của Phân bón Cà Mau (Urea Cà Mau, DAP (18-46), NPK (18-8-18)) cho cây lúa một cách khoa học đem lại hiệu quả và năng suất vượt trội, đặc biệt tiết kiệm được chi phí về phân bón cho bà con nông dân khi sử dụng phân bón đúng cách, đúng liều lượng,...

Cụ thể vụ Đông Xuân 2021 - 2022, anh Huỳnh Văn Sang đã sử dụng bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau cho 0,3ha ruộng của gia đình. Vì là ruộng mô hình nên anh bón theo khuyến cáo và hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang. Giống lúa mà anh gieo sạ là OM 5451.

Chia sẻ với PV tại ruộng lúa trước ngày gặt, anh Sang cho biết, trong suốt quá trình tham gia mô hình, anh nhận thấy ruộng trình diễn cây lúa phát triển rất tốt, cây cao hơn so với ruộng đối chứng, màu sắc lá luôn vàng chanh nên sâu bệnh ít, cây lúa phát triển tốt mặc dù lượng phân bón ít hơn đối chứng nhưng hiệu quả trên cây trồng cao hơn.

“Với ruộng trong mô hình, tôi chỉ dùng Urea Cà Mau, Phân DAP (18-46) và NPK 18-8-18 Gold Cà Mau với ưu điểm giúp lúa phát triển tốt bộ rễ, thân lá tốt là cơ sở đầu tiên giúp cây lúa khỏe cho năng suất cao, giữ màu sắc lá đến cuối vụ mặc dù không bổ sung phân giai đoạn sau. Cây lúa hấp thụ phân bón tốt và chậm xuống màu, màu sắc lá luôn ở trạng thái vàng chanh từ đó lúa ít bộc phát sâu, rầy và bệnh hơn đặc biệt trong điều kiện thời tiết thường xuyên thay đổi như hiện nay. Tỷ lệ sâu bệnh thấp hơn so với ruộng đối chứng” - anh Huỳnh Văn Sang cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Nghiệp - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Tri Tôn - đơn vị quản lý Nhà nước trực tiếp cùng với cán bộ kỹ thuật của Phân bón Cà Mau triển khai mô hình cho biết: "Khi thực hiện triển khai mô hình này, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật xuống để phối hợp với nông dân và kỹ thuật của Phân bón Cà Mau hướng dẫn cho nông dân bón lượng phân vừa đủ nhưng đủ phân cung cấp cho cây lúa phát triển tốt, giữ dinh dưỡng được lâu và bền hơn đối chứng thể hiện qua 04 đợt bón phân chính và qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển như: Đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông''.

“Ruộng trong mô hình chỉ bón khoảng 390kg/ha trong khi tập quán canh tác của bà con nông dân là 490kg/ha. Mặc dù lượng phân bón ít hơn đối chứng 100 kg/ha nhưng lúa vẫn đủ dinh dưỡng và phát triển rất tốt. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng và có ý nghĩa thiết thực hơn trong tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay. Điều này giúp nông dân tiết kiệm được chi phí trong việc hạn chế sử dụng phân đạm, gia tăng hiệu quả kinh tế so với ruộng đối chứng khoảng 4.000.000 đồng/ha”, ông Phạm Văn Nghiệp đánh giá.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV, Bộ NN&PTNT) đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Đó là tiết kiệm chi phí, giảm số lần bón phân nhưng đồng thời các thời điểm bón phân cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa từ giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ, nuôi hạt. “Qua quan sát, rõ ràng so với ruộng đối chứng thì bông lúa của ruộng mô hình chắc hạt hơn, đều mẩy, hạt sáng bóng, đẹp. Điều này càng đảm bảo năng suất và chất lượng cho hạt gạo.”, ông Huỳnh Tấn Đạt đánh giá.

Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV, điểm đáng ghi nhận là thông qua mô hình, người nông dân đã tự biết điều chỉnh giống gieo sạ cho phù hợp, biết chọn và bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa cũng như phun xịt thuốc trừ sâu đúng lúc, quản lý nước ướt khô xen kẽ,… vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

“Từ hiệu quả của chương trình, chúng tôi đề nghị địa phương phối hợp cùng các cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học của Phân bón Cà Mau để phổ biến mô hình này ra rộng khắp cho bà con nông dân trồng lúa vùng đất nhiễm phèn, giúp bà con nâng cao hiệu quả canh tác ngay từ những vụ mùa sắp tới”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Được biết, ngoài Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, hiện Cục BVTV đã ký kết với hơn 20 doanh nghiệp với những mô hình khác nhau trên các loại cây trồng khác nhau. Từ đó áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào, nhưng lại góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp giúp bón phân hợp lý, tiết kiệm; bón phân để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phèn, giảm mặn, thân thiện môi trường,…

kinhtedothi.vn