Ngày 04/11/2016, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã chính thức rời cảng PTSC lên đường thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại mỏ Thỏ Trắng, gia nhập vào đại gia đình giàn khoan của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro).

 
Tam Đảo 05 rời cảng PTSC

Giàn Tam Đảo 05 được lai dắt bởi tàu Thiên Ưng, cùng sự hỗ trợ của 2 tàu Komulan và Vungtau01. Hành trình đến mỏ Thỏ Trắng của giàn Tam Đảo 03 dự kiến kéo dài khoảng 3 ngày. Tại đây, Tam Đảo 05 sẽ thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là phục vụ công tác khoan cho đến first oil (đón dòng dầu đầu tiên) dự kiến vào tháng 4/2017. 

Như vậy, sau gần 03 tháng kể từ khi ký bàn giao cho chủ đầu tư Vietsovpetro, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí PV Shipyard đã tổ chức giải quyết các tồn đọng theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu giàn khoan Tam Đảo 05, đồng thời nhanh chóng thực hiện trách nhiệm bảo hành theo điều kiện hợp đồng để đảm bảo giàn Tam Đảo 05 hoạt động đúng thiết kế, liên tục, ổn định, hiệu quả và tiện lợi cho quá trình vận hành của chủ đầu tư. Vietsovpetro cũng cam kết với hai Phía sẽ tổ chức quản lý sử dụng một cách hiệu quả nhất giàn khoan Tam Đảo 05.

Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu, là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Đây là giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Công trình được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của hãng Friede & Goldman (Mỹ).

Giàn Tam Đảo 05 có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, khả năng chất tải 2.995 tấn. Đây là công trình có tính chất công nghệ rất phức tạp, khối lượng thi công lớn (lớn hơn 1,5 lần so với giàn khoan đầu tiên – giàn Tam Đảo 03). Giàn được thiết kế hoạt động ở độ sâu mực nước biển tới 120m, khả năng khoan tới độ sâu 9.000m và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được sức gió bão trên cấp 12, chiều cao sóng 22m. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD.

 
Tam Đảo 05 được lai dắt bởi tàu Thiên Ưng

Giàn khoan Tam Đảo 05 được thiết kế và chế tạo có tính năng kỹ thuật ưu việt, mang tính thẩm mỹ cao, bố trí thiết bị hợp lý, thuận tiện sử dụng, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và đã được Công ty đăng kiểm nổi tiếng thế giới ABS và Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng chỉ cho phép đưa vào sử dụng. Việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo, chạy thử giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu, khí hậu khắc nghiệt. Các giàn khoan tự nâng Tam Đảo 3, Tam Đảo 5 do PV Shipyard chế tạo có khả năng hoạt động khoan thăm dò ở hầu hết các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam; tạo ra bước đột phá, tự chủ về khoa học công nghệ và đóng góp một phần trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Cùng điểm lại một số cột mốc thời gian quan trọng trong quá trình thi công lắp đặt giàn Tam Đảo 05:
Ngày 10/12/2013, Giàn khoan Tam Đảo 05 chính thức được khởi công.
Ngày 25/10/2014, lắp đặt thành công Ky cho giàn khoan (Keelaying).
Ngày 14/8/2015 lắp đặt thành công máy phát chính.
Ngày 05/12/2015, hạ thủy thành công giàn khoan Tam Đảo - 05.
Ngày 12/8/2016: Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được chính thức khánh thành và bàn giao tại Vũng Tàu.

PV