(CLO) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với nhiều chỉ tiêu vượt mức ấn tượng. Đặc biệt, khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, một con số từng được coi là “thử thách cực hạn”.

Ứng phó trong cơn lốc giá dầu giảm mạnh

Petrovietnam triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Trong năm 2016 đa số các công ty dầu khí thế giới đã phải đưa ra những giải pháp ứng phó đặc biệt, là thu hẹp địa bàn hoạt động thăm dò, khai thác; Dừng giãn tiến độ, tái cơ cấu hoặc giải thể, sáp nhập các công ty; Thậm chí hủy bỏ các đề án đã có trong kế hoạch, đóng mỏ hoặc giảm sản lượng khai thác, sa thải hàng loạt nhân công; Thậm chí phải bán mỏ và các tài sản dầu khí v.v…

Tuy nhiên, Petrovietnam đã và đang trụ vững trước cơn sóng dữ này. Những giải pháp ứng phó của Petrovietnam đã được minh chứng là kịp thời và hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Petrovietnam đã đưa ra tới 6 kịch bản cho giá dầu thấp, kèm theo đó là các giải pháp thích hợp cho từng kịch bản, điều này cho thấy rõ nét tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách của người Dầu khí.


Mỏ Bạch Hổ.

Theo đó, Petrovietnam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, cụ thể trên toàn diện các mặt công tác, ở tất cả các lĩnh vực cốt lõi, tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Nổi bật trong đó là việc tập trung rà soát từng dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển; Thực hiện quyết liệt kế hoạch tìm kiếm thăm dò đối với các dự án khả thi, rủi ro thấp trên cơ sở tranh thủ giá dịch vụ dầu khí giảm để triển khai đầu tư các dự án được đánh giá tốt, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2017, 2018 và những năm tiếp theo khi giá dầu phục hồi trở lại; Rà soát lại sản lượng khai thác ở từng mỏ, chi phí sản xuất từng giếng đang khai thác, cân đối sản lượng hợp lý trên cơ sở phát huy những mỏ, giếng có giá thành tốt để bù đắp cho sản lượng các mỏ có giá thành cao.

Petrovietnam đang tiến hành tối ưu hóa hoạt động và hợp lý hóa chế độ khai thác của từng giếng khoan tại các mỏ để đảm bảo hai mục tiêu là hài hòa sản lượng, an toàn mỏ nhằm khai thác lâu dài; Tối ưu hóa công tác vận hành, bố trí lịch khoan, lịch sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị khai thác hợp lý để nâng cao thời gian hoạt động của toàn hệ thống; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu có trọng tâm, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ trực tiếp và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp gia tăng thu hồi dầu; Nghiên cứu, đề xuất công nghệ và cơ chế phù hợp để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên…

Bên cạnh đó, các đơn vị trong lĩnh vực khí, điện, chế biến dầu khí đã tranh thủ các yếu tố thuận lợi từ giá dầu thấp là nguyên, nhiên liệu của các nhà máy để cơ cấu sản phẩm tối ưu nhất trong từng thời điểm, phát huy tối đa công suất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy.

Những giải pháp đúng đắn của Petrovietnam cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cả tập thể CBCNV NLĐ trong toàn Tập đoàn, năm 2016, trong khó khăn bộn bề, Petrovietnam và nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vẫn đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, về đích sớm nhiều chỉ tiêu quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đảm bảo điều kiện làm việc và thu nhập cho NLĐ ở mức trên tối thiểu.

Tích cực tái cấu trúc

Có thể nói rằng, sau 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN (2001-2010), 5 năm triển khai mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006-2010), Petrovietnam đã đánh giá được những khó khăn nội tại, trên cơ sở đó chủ động triển khai có hiệu quả công tác tái cơ cấu, đồng thời đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tái cấu trúc nền kinh tế, Tập đoàn đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015; Đề án tái cơ cấu Tập đoàn là một trong số đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất (Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5-1-2013).

Thực hiện chủ trương này, đến năm 2015 Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp nâng tổng số doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa là 19 đơn vị trên tổng số 21 đơn vị. Petrovietnam đã triển khai quyết liệt tất cả các giải pháp thoái vốn để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính theo nguyên tắc bảo toàn cao nhất vốn Nhà nước, phù hợp điều kiện thị trường; Công khai, minh bạch, tuân thủ quy định hiện hành.

Petrovietnam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cổ phần hóa các đơn vị lớn như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Tổ chức phê duyệt, thông qua kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 cho các đơn vị thành viên như PTSC, Petrosetco, PVCFC, PVI, DMC và PVC. Hiện tại, đã hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của PV Power và PV Oil, tiếp tục tìm kiếm cổ đông chiến lược cho PV Power, BSR…

Mục tiêu mới năm 2017

Bước sang năm 2017, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đứng trước nhiều thách thức. Giá dầu phục hồi chậm tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu khí.


Kỹ sư PV Drilling làm việc trên giàn khoan.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn xăng dầu thành phẩm phục vụ nền kinh tế. Giá dầu thấp sẽ khiến giảm áp lực lạm phát, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, kích thích phát triển và tạo việc làm mới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá dầu giảm 30% sẽ đem đến cho các nước nhập khẩu dầu tăng trưởng 0,8% GDP và toàn thế giới tăng 0,2% GDP.

Nhiệm vụ trọng tâm của Petrovietnam năm 2017 là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhất là trong khi những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, cốt lõi của Tập đoàn trong điều kiện Tập đoàn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là nguồn lực tài chính bị thu hẹp.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, rà soát tối ưu chương trình công tác và chi phí các dự án đang khai thác, rà soát tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí. Đảm bảo vận hành an toàn các hệ thống khai thác, vận chuyển, tàng trữ dầu, khí, các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, đạm. Kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí.

Tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, tối ưu hóa nguồn lực theo Nghị quyết 13 ngày 20-10-2015 của Đảng ủy Tập đoàn và chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn thông qua kế hoạch tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của đơn vị để hỗ trợ đơn vị vượt qua các khó khăn, ổn định sản xuất.

Bám sát những biến động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt biến động về giá dầu, nâng cao khả năng dự báo tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, chủ động đề ra các kịch bản, các giải pháp để ứng phó kịp thời, hiệu quả với sự biến động không chỉ về giá dầu mỏ mà cả những biến động tiêu cực khác nhằm làm giảm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tiếp tục hoàn thiện và triển khai đề án và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ về tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện đề án tái cơ cấu theo đúng phương án đã được Tập đoàn phê duyệt.

Kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn vướng mắc, các kiến nghị cần sửa đổi bổ sung. Đặc biệt cần nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, giải pháp hữu hiệu để có thể cổ phần hóa, thoái vốn trong những doanh nghiệp, lĩnh vực có quy mô lớn, mang tính đặc thù của Tập đoàn, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội cũng như điều kiện cụ thể từng đơn vị, đảm bảo thực hiện được lộ trình, tiến độ đã đề ra.

Kiến nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành thay thế những quy chế, quy định còn thiếu hoặc không thống nhất giữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền. Sửa đổi, ban hành bổ sung các quy định, quy chế nội bộ Tập đoàn phù hợp với quy định mới cũng như điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Định hướng lâu dài của Petrovietnam sẽ phát triển mạnh theo trục tam giác chiến lược: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia – Lọc, hóa dầu, chế biến dầu, khí – Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Trong đó, tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, tạo bước phát triển nhảy vọt cho Tập đoàn, làm tiền đề phát triển các lĩnh vực tiếp theo là công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí; Dịch vụ dầu khí; công nghiệp điện.