Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 được bố cục gồm 4 Chương, 66 Điều, cụ thể:

- Chương I: Những quy định chung.

- Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền.

- Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.

- Chương IV: Điều khoản thi hành.

Theo đó, một số điểm mới nổi bật đáng chú ý của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 như sau:
- Bổ sung thêm đối tượng báo cáo so với 
Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong nhóm các tổ chức tài chính.
- Phân loại khách hàng theo 03 mức độ rủi ro về rửa tiền là Cao, trung bình, thấp.
(Hiện hành, theo 2 mức độ Cao và thấp).
- Thêm dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng được liệt kê:
+ Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.
+ Các giao dịch trực tuyến qua tài khoản liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ giao thức Internet (IP) ở nước ngoài.
- Thêm dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán được liệt kê:
+ Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị định 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 về hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ ngày 28/04/2023 quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước; căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo trì hoãn giao dịch.

Đăng nhập trang thuvienphapluat.vn (PVCFC đã đăng ký thành viên) để tra cứu nội dung chi tiết của hai văn bản trên nhằm mục đích sau:

Ø  Hiểu về các dấu hiệu rửa tiền, cách thức tội phạm thường sử dụng để giấu lợi nhuận bất hợp pháp và các biện pháp mà các tổ chức và cá nhân có thể thực hiện để ngăn chặn hoạt động rửa tiền.

Ø  Nghiêm túc phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật như cảnh sát và các tổ chức liên quan khác để chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc ngăn chặn rửa tiền khi được yêu cầu.

Ø  Đảm bảo rằng Doanh nghiệp tuân thủ tất cả các quy định và luật pháp liên quan đến phòng chống rửa tiền. Điều này bao gồm việc thực hiện quy trình kiểm tra xác minh danh tính khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan thích hợp.

Link vbdi_2023_05236.pdf