(Báo Cà Mau) Còn hơn tháng nữa mới đến Tết Quý Tỵ 2013, nhưng chúng tôi quyết tâm trở lại Cà Mau để trực tiếp chứng kiến những đổi thay ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia mà khi rời khỏi Cà Mau, chúng tôi đặt hết kỳ vọng cũng như những băn khoăn, lo lắng vượt ngoài sự hiểu biết của mình.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Tháng 11/2012, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước chỉ đưa một tin ngắn là UBND tỉnh Cà Mau và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam làm lễ khánh thành cụm khí - điện - đạm Cà Mau.
Thật đơn giản, nhưng đối với tôi, đây là công trình công nghiệp nặng có quy mô lớn đầu tiên ở ĐBSCL mà cả đời đi làm cách mạng tôi được biết.
Phải trải qua 3 đời Thủ tướng Việt Nam là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người trực tiếp khảo sát và quyết định địa điểm, đầu tư; Thủ tướng Phan Văn Khải ký phê duyệt dự án và trực tiếp làm lễ khởi công năm 2002; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chỉ đạo xây dựng và khánh thành từng tiểu dự án. Từ khi làm lễ khởi công đến khi khánh thành, công trình này mất đúng 10 năm.
Nông dân ĐBSCL và cả chúng tôi chưa thể hình dung được một cụm công nghiệp đồ sộ gồm hai nhà máy nhiệt điện công suất 1.500 MW, một nhà máy phân đạm công suất 800.000 tấn phân u-rê/năm và một đường ống dẫn khí đốt từ mỏ khí PM3 ngoài biển Đông giáp với nước bạn Malaysia, phải đi đường ống ngầm dưới biển vào đất liền đến nhà máy điện - đạm dài 325 cây số. Khí đốt lấy từ mỏ PM3 là nguyên liệu chính làm ra điện và phân đạm.
Nhận quyết định đầu tư và tổ chức giải phóng mặt bằng chỉ trong 3 tháng, chúng tôi đã giao cho chủ đầu tư thi công. Đến cuối năm 2003, khi rời khỏi địa bàn Cà Mau, chúng tôi vẫn còn băn khoăn điều mà một số nhà khoa học - kỹ thuật và xã hội phản biện là hiệu quả đầu tư cụm khí - điện - đạm này thấp do ở đây nền đất yếu, phải đầu tư lớn và trực tiếp ảnh hưởng môi trường nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, mà Cà Mau là trọng điểm lớn nhất ở ĐBSCL.
Nhà máy Đạm Cà Mau về đêm
Khi đến, trực tiếp nghe Ban Giám đốc các nhà máy báo cáo kết quả sản xuất, chúng tôi mới thật sự yên tâm và phấn khởi, khâm phục quyết định của Chính phủ đầu tư công trình công nghiệp nặng này làm động lực phát triển chẳng những cho bán đảo Cà Mau, mà cả vùng châu thổ Cửu Long, tiềm năng kinh tế còn lớn nhưng dân đông, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Đầu tư tạo nguồn năng lượng phục vụ cho ĐBSCL và cả nước, riêng phân đạm tác động vào sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất lương thực lớn nhất cả nước; trước đây phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, xét tính hiệu quả chẳng những có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị và xã hội rất lớn.
Điểm thứ hai mà chúng tôi đến Cà Mau khảo sát là hạ tầng kinh tế giao thông bộ. Đây là nhược điểm lớn nhất của Cà Mau so các tỉnh, thành ở ĐBSCL và cả nước.
Cuối năm 2003, Cà Mau còn gần 30 xã và huyện Ngọc Hiển chưa có đường giao thông, xe 4 bánh chưa đến được. Huyện Năm Căn và huyện Đầm Dơi xe 4 bánh đến được nhưng phải qua phà, nếu đi theo đường Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cà Mau phải mất gần 10 giờ đồng hồ.
Còn đường hàng không Cà Mau - TP Hồ Chí Minh có nhưng quy mô vận chuyển không đáng kể. Do đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hoá từ Cà Mau đi các nơi mất nhiều thời gian, chi phí lớn. Riêng hàng hoá nông nghiệp và thuỷ sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển lớn.
Đến nay, sau 10 năm trở lại Cà Mau, điều gây ấn tượng mạnh đến chúng tôi là những thành tựu mà Cà Mau có được là vô cùng lớn.
Đó là việc hoàn thành đưa vào sử dụng đường Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đến Năm Căn với 4 làn xe. Từ thị xã Phụng Hiệp, chúng tôi đi theo con đường mới xây dựng hoàn toàn gần 70 cây số với 2 làn xe và trên 40 cây cầu bê-tông cốt thép thẳng xuống TP Cà Mau, không qua TP Sóc Trăng và Bạc Liêu. Đây có lẽ là đoạn đường nhiều cầu nhất ở ĐBSCL, bình quân dưới hai cây số có một cây cầu dài vài chục mét.
Đặc biệt, tuyến đường bộ từ TP Cà Mau đi xuống các huyện, từ huyện xuống xã và đường liên ấp đã được xây dựng, gần 2.000 cây cầu nông thôn mới bắc, nối liền các xã, ấp tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân.
Trước đây, việc đi lại của nhân dân Cà Mau chủ yếu bằng đường thuỷ (xuồng, vỏ lãi hoặc tàu cao tốc). Bây giờ chúng tôi đi xe hơi đến các huyện, vào rừng U Minh Hạ, ra đến Hòn Đá Bạc. Cầu Năm Căn bắc ngang sông Cửa Lớn, nối liền đường Hồ Chí Minh từ Bắc Pó (tỉnh Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau, Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng đầu năm 2012, khi hoàn thành tạo cho huyện Ngọc Hiển và mấy chục xã ven biển có đường giao thông đến được trung tâm huyện, xã.
Nhờ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông phát triển mà năm 2012 này, Cà Mau là một trong những tỉnh vươn lên dẫn đầu ở ĐBSCL, đạt 9/15 nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cả năm; tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt trên 9% (bình quân cả nước đạt 5,2%); hộ nghèo giảm 2%, hiện còn 8%; xuất khẩu đạt gần 1 tỷ đô la, cao nhất so các tỉnh ĐBSCL; thu ngân sách đạt trên 4.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu cả năm.
Chúng tôi đi trên đường Võ Văn Kiệt với 4 làn xe thông thoáng, từ TP Cà Mau vào khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, lòng phấn chấn lạ thường. Cách đây 10 năm, ở đây là vùng đất sình lầy, hoang sơ, sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản hiệu quả thấp; nay nhìn khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau sạch, đồ sộ, nổi bật trên bầu trời trong xanh, đánh dấu đậm nét quá trình đi lên công nghiệp hoá ở ĐBSCL.
Vượt qua khu công nghiệp khí - điên - đạm Cà Mau, chúng tôi đi vào rừng quốc gia U Minh Hạ, ra thẳng Hòn Đá Bạc. Ở rừng U Minh Hạ mùa này, không khí trong lành của rừng và biển ngàn đời vẫn vậy, nuôi dưỡng người Cà Mau phóng khoáng, kiên cường trong mọi hoàn cảnh.
Chúng tôi bắt gặp một mùa xuân nữa lại về - mùa xuân Quý Tỵ 2013 đến sớm, hun đúc cho Cà Mau tiếp tục đi lên thành một tỉnh trọng điểm về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, du lịch ở ĐBSCL/.
Bùi Quang Huy, nguyên UVBCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau