Thời tiết vụ đông xuân 2019 – 2020 đang có những diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 3 đến nay có mưa nhỏ, độ ẩm cao liên tục khiến cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, thậm chí là bệnh bạc lá.

Phun chế phẩm sinh học trị bệnh đạo ôn lá. Ảnh: XUÂN TƯ

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ở vùng Bắc Trung Bộ, lúa đông xuân sớm đã trổ hơn 84 nghìn ha. Trà lúa chính vụ (dự kiến trổ từ ngày 5-4 đến ngày 20-4) đang có nguy cơ rất cao bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh (nhiệt độ 23 đến 250C và độ ẩm cao kéo dài). Hiện nay, diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá ở khu vực này là hơn 3.610 ha, tăng 178% so cùng kỳ năm trước, phân bố tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…; diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông là 204 ha, tăng 283% so cùng kỳ năm trước và diện tích phòng trừ là 20.308 ha. Cùng với đó, có 4.281 ha lúa đông xuân nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, tăng 115% so cùng kỳ năm trước. Hơn 865 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng. 

 Tại Hà Tĩnh, diện tích lúa đông xuân của địa phương có khả năng trổ sớm khoảng từ bảy đến 10 ngày (từ ngày 15 đến 20-4), có khả năng khoảng 50% diện tích lúa sẽ trổ vào thời điểm không thích hợp về thời tiết, nhất là trong điều kiện thời tiết ít nắng như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát triển. Còn tại Nghệ An, địa phương này hiện đã gieo cấy được hơn 91 nghìn ha lúa đông xuân. Hiện nay, dịch bệnh gây hại trên cây lúa đang xuất hiện khá phổ biến. Cụ thể, bệnh đạo ôn lá với quy mô nhiễm bệnh hơn 2.019 ha. Hiện, khoảng 7.450 ha lúa cũng bị nhiễm khô vằn, trong đó 423 ha bị nhiễm nặng. Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đang xuất hiện trên quy mô 182 ha; sâu cuốn lá đe dọa 610 ha; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại hơn 4,6 ha…

Khu vực các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc, bệnh đạo ôn lá gây hại từ đầu tháng 3 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay. Diện tích nhiễm gần 10 nghìn ha. Bệnh đạo ôn lá sẽ bùng phát và gây hại nặng trên giống nhiễm từ đầu đến giữa tháng 4 và là nguồn bệnh gây hại trên cổ bông cho các trà lúa trổ trong tháng 4 đến trung tuần tháng 5. Sâu cuốn lá nhỏ lứa hai gây hại chính ở vụ đông xuân sẽ gây hại trên diện rộng với mật độ cao ở nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng từ giữa đến cuối tháng 4. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa hai sẽ phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

Vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là vụ quyết định 60% sản lượng lương thực của toàn khu vực. Thời điểm này là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng của vụ đông xuân. Vì trà lúa sớm đã bắt đầu trổ bông, cao điểm sẽ trổ từ ngày 20-4 đến 10-5. Thời kỳ lúa trổ bông là thời kỳ mẫn cảm nhất với sâu bệnh. Bên cạnh đó, năm nay có nhuận hai tháng tư âm lịch cho nên thời tiết rất lý tưởng cho các nhóm sâu bệnh phát triển. Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung yêu cầu, các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng, chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên đến Trung ương theo quy định để phối hợp, có phương án xử lý kịp thời. Đồng thời, các địa phương thông tin tuyên truyền biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại đến tận người dân.

Để bảo đảm thắng lợi lúa vụ đông xuân tại các tỉnh phía bắc, Bộ NN và PTNT đề nghị các địa phương không chủ quan, lơ là. Theo dõi sát diễn biến dịch hại, cảnh báo kịp thời để đưa ra giải pháp khuyến nghị cho nông dân nhằm bảo vệ các trà lúa đông xuân và bảo đảm an ninh lương thực. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo Sở NN và PTNT, UBND các huyện cấp bách tổ chức phòng, chống một số sinh vật gây hại quan trọng. Cụ thể, vùng Bắc Trung Bộ tập trung phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa trổ từ ngày 5 đến 20-4, nhất là tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Bám sát đồng ruộng để điều tra diễn biến phát sinh, gây hại của bệnh. Phun phòng bệnh bằng các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Fenoxanil, Azoxystrobin, Difenoconazole,… khi lúa trổ 5%, những nơi áp lực bệnh cao phun lần hai sau khi lúa trổ hoàn toàn. Điều tra các ổ rầy nâu, rầy lưng trắng trên các trà lúa giai đoạn sau trổ để chỉ đạo phun trừ kịp thời không để cháy rầy trên diện rộng.

Vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc tiếp tục phòng, chống bệnh đạo ôn lá, nhất là trên giống nhiễm và bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trổ trong tháng 4 đến giữa tháng 5. Kết hợp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ giữa đến cuối tháng 4, nhất là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 để bảo vệ năng suất lúa. Tập trung chăm sóc và bón phân tập trung vào các đợt bón thúc, không bón đón đòng (khi lúa ôm đòng – sắp trổ) để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp gặp mưa, gió lớn.

Nguồn kenhthoitiet.vn