“Hai bộ cùng tham gia quản lý mặt hàng phân bón, trong khi phân bón rất đa dạng, nhiều lúc lại có sự trộn lẫn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, rồi phân bón vi lượng, dẫn tới chồng chéo giữa hai cơ quan”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.
    

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Hội trường  sáng nay 15.11


Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã được chất vấn về câu chuyện phân bón giả tràn ngập thị trường trong một thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xản xuất của người nông dân.

Cụ thể, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông): Hàng lan hàng giả tràn lan, nhất là phân bón ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới đời sống kinh tế xã hội mà cả cuộc sống của hàng chục triệu người nông dân. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tới đâu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết về hàng lậu hàng giả, liên quan tới lĩnh vực phân bón đã tồn tại lâu và nhức nhối với quy mô lớn trên thị trường, ảnh hưởng tới đời sống KTXH của bà con nông dân và môi trường, môi trường kinh doanh là thực tế.

Thực tế trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan tới thị trường phân bón có sự cắt khúc và chia đôi. Phân bón vô cơ giao cho Bộ Công Thương, phân bón hữu cơ thì thuộc Bộ NNPTNT, từ khâu sản xuất , cấp phép, kiểm định công bố hợp quy cho tới quản lý kinh doanh.

“Hai bộ cùng tham gia quản lý mặt hàng phân bón, trong khi phân bón rất đa dạng, nhiều lúc lại có sự trộn lẫn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, rồi phân bón vi lượng, dẫn tới chồng chéo giữa hai cơ quan. Không chỉ vậy, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng không được đảm bảo trên địa bàn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.

Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng là hiện Việt Nam có quá nhiều loại phân bón. Bộ NNPTNT hiện hợp quy cho 5000 loại phân bón hữu cơ, còn Bộ Công Thương cũng có hơn 5700 hợp quy khác cho phân bón vô cơ.

“Quá nhiều loại nên không thể kiểm soát, kiểm tra hết do không có đủ lực lượng. Mặt khác, nhiều loại phân bón hàm lượng định lượng không đảm bảo, khiến người dân phải tiêu thụ các sản phẩm phân bón giả, ảnh hưởng nặng tới mùa màng, môi trường”, Bộ trưởng thừa nhận.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ, đề nghị giao trách nhiệm quản lý phân bón một cơ quan duy nhất quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phân bón. Các bộ ngành liên quan phải giới hạn lại phân bón trên thị trường VN. “Thực tế, ở các nước khác như Thái Lan cũng chỉ có hơn 100 loại phân bón được lưu hành”, Bộ trưởng nói.

Chưa thực hài lòng với câu trả lời, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đứng dậy chất vấn tiếp trước khi Quốc hội nghỉ giải lao: Về vấn đề phân bón giả, tôi cũng đã chất vấn xuyên qua hai nhiệm kỳ Quốc hội. Thiệt hại về phân bón giải cho nền nông nghiệp và nông dân là rất lớn. Vừa qua chúng ta phát hiện việc cấp khống hợp chuẩn phân bón hữu cơ tại Bộ NNPTNT. Các chuyên gia cho rằng cho tới 40% phân bón vô cơ là giả. Trách nhiệm của bộ quản lý nhà nước ra sao và các giải pháp Bộ trưởng đưa ra để hạn chế thiệt hại cho nông dân? Đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT tham gia trả lời.

Sau nghỉ giải lao, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời thêm câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Theo đó, ngoài sự chồng chéo giao thoa giữa hai bộ, Bộ trưởng cũng thừa nhận trên thực tế, có sự tồn tại của những sai phạm trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất phân bón.

Vừa qua, Bộ NNPTNT chủ động thanh tra phát hiện sai phạm tại một đơn vị thuộc Bộ. Bộ Công Thương cũng thừa nhận là có tình trạng này với phân bón vô cơ. Bộ đã tiến hành thanh tra.

“Với kinh nghiệm thực tế của Bộ NNPTNT, chúng tôi đã kiểm tra hai đợt tháng 5, 6 và tới nay cũng đã phát hiện ra sai phạm. Có hai trong số mười mấy tổ chức có sự vi phạm trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận phân bón và hợp quy, Bộ đã có QĐ rút giấy phép với các tổ chức đó, yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp xử lý các hậu quả”, Bộ trưởng cho biết.

Riêng trên địa bàn TP.HCM, Bộ đã chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương thanh kiểm tra và phát hiện trên địa bàn có nhiều tổ chức sản xuất kinh doanh phân bón nhỏ lẻ có vi phạm, cụ thể chỉ trên một quận có tới 43 cơ sở sản xuất phân bón, hiện đã xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Bộ cũng chủ động khẩn trương rà soát lại các khung của pháp lý về tổ chức chứng nhận hợp quy đối với phân bón.

Theo Bộ trưởng, sắp tới để đảm bảo quản lý tốt lĩnh vực phân bón, Bộ sẽ cùng các bộ liên quan xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón, đảm bảo ổn định những mặt hàng phân bón, đảm bảo lợi ích của người dân.

Theo danviet.vn