Ngành nông nghiệp cần phát huy thế mạnh của từng địa phương, tổ chức lại sản xuất (ảnh minh họa) 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của tư lệnh ngành nông nghiệp cũng như toàn hệ thống ngành nông nghiệp.

Năm 2017, thiên tai lũ lụt kỉ lục nhưng ngành nông nghiệp đã đạt và vượt những mục tiêu quan trọng. Đặc biệt so với năm 2016 là vượt cao, để thấy được ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tích quan trọng và dư địa tăng trưởng của ngành vẫn còn rất dồi dào.

Cụ thể, trong năm 2017 ngành nông nghiệp đã có đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, khi đạt con số GDP toàn ngành 2,9%, đóng góp 0,44% điểm phần vào mức tăng trưởng chung của cả nước. Đặc biệt một số lĩnh vực rất thành công như rau, củ, quả, chế biến gỗ…, trong đó lần đầu tiên rau củ quả Việt Nam đã vượt mức xuất khẩu dầu thô và gạo.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 36,37 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,5 tỉ USD.

Về định hướng nhiệm vụ năm qua 2018, Thủ tướng yêu cầu, phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt” như: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%. Xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD, Thủ tướng nêu rõ, chứ không phải 38 tỷ USD mà báo cáo của Bộ NN&PTNT đưa ra hôm nay.

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.

Các địa phương và ngành NN&PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. “Phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung”, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không.


Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh toàn ngành nông nghiệp phải cùng đổi mới tư duy, hành động (ảnh minh họa) 

“Để đạt được những mục tiêu này, sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành trong nông nghiệp nông thôn là rất quan trọng. Toàn ngành nông nghiệp, cả hệ thống ngành phải cùng hành động. Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, thông minh. Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp với lợi thế so sánh của từng vùng. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh hình thức kinh doanh, nhân rộng những mô hình, hình thức làm hay của các doanh nghiệp, đơn vị để nông dân có thể học tập làm theo” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tiếp sức cho ngành nông nghiệp tiếp tục đạt các thành tựu trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong đó tập trung ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu. 

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, người đứng đầu ngành nông nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói đầu tư hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hỗ trợ phòng chống thiên tai (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành năm 2017, nhưng chưa xử lý được).

Mức đề nghị khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó 5.400 tỉ đồng cho tái cơ cấu và 2.500 tỉ đồng cho khắc phục thiên tai và 1.100 tỉ đồng cho các dự án trái phiếu Chính phủ dở dang. Bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Dân Việt