(Kinhtenongthon.com.vn) Vụ đông xuân này, cả nước có 16 đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 10 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích hơn 1.308ha. Sản xuất giống lúa lai F1 không chỉ mang lại hiệu quả cho người sản xuất, mà còn từng bước giảm lượng giống lúa nhập khẩu và chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích lúa lai tại các địa phương.

Cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 ở huyện Đại Lộc.

Thu nhập cao từ lúa lai
Trở lại huyện Đại Lộc, vùng trọng điểm sản xuất lúa giống của tỉnh Quảng Nam vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi nhận thấy, phần lớn diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch xong. Những cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 ở các xã: Đại Nghĩa, Đại Quang và thị trấn Ái Nghĩa... lúa vừa mới uốn cần câu. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sản xuất giống lúa lai F1 ba dòng Nhị ưu 838, anh Trần Cảm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Ái Nghĩa phấn khởi: Từ khi những cánh đồng trong HTX được đưa vào sản xuất giống lúa lai, đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Vụ đông xuân năm 2013 -2014, toàn HTX sản xuất hơn 100 ha giống lúa lai F1, với năng suất bình quân đạt bốn tấn/ha. Tính ra, hiệu quả sản xuất giống lúa lai F1 gấp 2,5 lần so với sản xuất lúa thường.
Ông Đặng Văn Phước, ở khu phố 3, thị trấn Ái Nghĩa cho biết: Năm ngoái, gia đình ông sản xuất tám sào giống lúa lai F1. Cuối vụ thu hoạch, toàn bộ lượng giống đã được các công ty giống bao tiêu, thu mua hết.
Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được hơn 30 triệu đồng. Không riêng gì ông Phước, mà hàng trăm hộ dân ở thị trấn Ái Nghĩa và các xã: Đại Quang, Đại Nghĩa... cũng đều thu được lợi nhuận khá cao từ sản xuất hạt giống lúa lai F1.
Vụ đông xuân năm nay, tuy thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng nhờ chăm sóc tốt, cho nên theo ước tính, năng suất các loại giống lúa lai F1 ở huyện Đại Lộc cho năng suất bình quân 3,5 đến 3,7 tấn/ha, có nhiều diện tích đạt hơn bốn tấn/ha. Còn ở huyện Quế Sơn, trong vụ đông xuân này, Công ty CP Giống Nông Lâm nghiệp Quảng Nam và HTX Quế Xuân 1 ký kết hợp đồng sản xuất 70 ha lúa lai F1 với hai tổ hợp lai là Nhị ưu 838 và Trang Nông 15. Theo cam kết, công ty đầu tư toàn bộ giống, phân bón, hóa chất, chỉ đạo kỹ thuật; sau đó thu mua lại toàn bộ hạt giống lúa lai F1 (với giá 1 kg lúa lai F1 đạt quy chuẩn bằng 4 kg lúa thường). Và để người nông dân an tâm, công ty còn bảo hành năng suất với mức 1.500 kg lúa F1/ha (tức 6.000 kg lúa thường/ha). Còn 70 hộ dân thuộc dự án này chỉ góp ruộng, công lao động... và bán toàn bộ hạt giống lúa lai F1 thu hoạch được cho công ty; đồng thời được hưởng toàn bộ hạt thóc dòng bố để làm lương thực. Theo tính toán của nông dân, mỗi ha sản xuất hạt giống lúa lai F1 mang lại lợi nhuận nhiều hơn 48 triệu đồng/vụ so với lúa thường.
Chủ động nguồn giống cho sản xuất
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), vụ đông xuân 2014 - 2015, cả nước có 16 đơn vị sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 10 tỉnh, thành phố; với tổng diện tích hơn 1.308 ha. Trong đó, các tổ hợp giống lúa lai F1 ba dòng như: Nhị ưu 838, Bắc ưu 903, Nam ưu 604, Bác ưu 903 KBL, LC 25, HYT 100, HYT 108, CT16... được gieo sạ hơn 1.124 ha (chiếm 85,9%) diện tích và các tổ hợp hạt giống lúa lai F1 hai dòng như: VL 20, TH 3-5, TH 17, Phúc ưu 868 được gieo sạ với diện tích 184 ha (chiếm 14,1%). Giám đốc Trung tâm KNQG Phan Huy Thông bộc bạch: Việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Do vậy, việc bố trí lịch thời vụ, lịch gieo sạ hạt của dòng bố và dòng mẹ phải được tính toán kỹ để cho lúa trỗ vào thời điểm hợp lý, thuận lợi cho việc thụ phấn. Điều khó khăn nhất với việc sản xuất giống là yếu tố khí hậu. Nếu vào thời điểm lúa trỗ mà gặp nhiệt độ dưới 24 o C thì việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 sẽ không đạt kết quả tốt. Do vậy, phải bố trí thời vụ hợp lý, để cho lúa trỗ vào thời điểm có nhiệt độ hơn 24 o C thì hạt giống lúa lai F1 mới đạt chất lượng cao.
Theo ông Phan Huy Thông, vụ đông xuân 2014 - 2015 là vụ đầu tiên triển khai sản xuất dòng "bố mẹ" trên phạm vi toàn quốc thông qua Dự án khuyến nông Trung ương. Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều biến động, nhưng các đơn vị đã chủ động chỉ đạo kỹ thuật, người trực tiếp sản xuất đã tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nên toàn bộ các trà sản xuất dòng bố mẹ đều thành công, đạt năng suất cao, chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn. Vụ đông xuân này, ước tính cả nước sản xuất được khoảng 3.650 tấn hạt giống lúa lai F1.
Tại hội nghị đánh giá về công tác sản xuất lúa giống vào cuối tháng tư, nhiều nhà quản lý và các chuyên gia đúc kết, sản xuất hạt giống lúa lai F1 không chỉ mang lại hiệu quả cho người sản xuất, mà còn từng bước giảm lượng giống lúa nhập khẩu và chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích lúa lai tại các địa phương. Việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 thành công đã khẳng định Việt Nam làm chủ được công nghệ sản xuất giống "bố mẹ" và sản xuất hạt lai F1; góp phần định hướng phát triển bền vững ngành sản xuất lúa lai của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 vẫn còn không ít khó khăn.
Hiện tại nhiều địa phương chưa có vùng quy hoạch riêng để sản xuất hạt giống bố mẹ, nên các trà sản xuất bố mẹ phải gieo trồng xen kẽ giữa các diện tích sản xuất hạt lai F1 trong vùng quy hoạch hoặc xen với lúa thương phẩm, gây khó khăn cho yêu cầu cách ly trong sản xuất giống siêu nguyên chủng bố, mẹ. Và để hạt giống đạt chất lượng, thời gian qua, các đơn vị phải sử dụng phương pháp cách ly bằng tấm ni-lông, bạt... làm tăng chi phí sản xuất.
Kỹ sư Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, sắp tới các đơn vị sản xuất giống cần phối hợp với các địa phương tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất bố mẹ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại để khắc phục các điều kiện bất thường của thời tiết. Đồng thời mở rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ hạt giống tại các địa phương; tiếp tục nghiên cứu tạo ra những bộ giống mới ngắn ngày, chất lượng cao, phù hợp với sản xuất của các tỉnh miền trung.
Các tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hạt giống lúa lai có chất lượng, giá thành hạ, có sức cạnh tranh nhằm từng bước giảm lượng giống nhập khẩu; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân sử dụng hạt giống lúa lai sản xuất trong nước. Hình thành các mô hình liên kết bền vững giữa cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp với HTX và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa lai F1.
PHAN HUY THÔNG
Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia