KTNT - Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hai công ty bán phân bón theo hình thức đa cấp mà Kinh tế nông thôn đã đề cập trong các kỳ trước đều chưa được cấp phép về hoạt động kinh doanh đa cấp.

Giá 1kg phân bón tương đương 50kg lúa

Theo bảng giá mà các công ty bán phân bón theo hình thức đa cấp, 1kg phân bón có giá tương đương 50kg lúa. Cụ thể, phân bón gốc của Công ty CP kết nối SX-DV-TM phân bón Rồng Vàng Đất Việt – DC hiệu FACORV có giá 235.000 đồng/kg (trong khi giá lúa khô tại kho hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 4.900 - 5.250 đồng/kg). Kinh khủng hơn, sản phẩm phân bón lá của công ty này giá lên tới 800.000 đồng/lít, trong khi sản phẩm cùng loại của các công ty khác chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/lít, còn phân bón gốc cũng chỉ 35.000  - 50.000 đồng/kg.


Gói phân bón được cho là siêu bổ dưỡng này có giá 235.000 đồng.

Còn theo “giám đốc chi nhánh phụ trách khu vực phía Nam” của Công ty CP Sản xuất công nghệ mới Việt Nam AMBIO, sản phẩm của họ có giá lên tới 1 triệu đồng/lít.


Chai phân sinh hoc 110ml có giá 100.000 đồng

Việc sử dụng phân bón cho một loại cây trồng nào đó phải được đánh giá qua kết quả thu hoạch và có mùa vụ nhất định. Dư luận cho rằng, việc các sản phẩm phân bón được bán theo hình thức đa cấp với giá quá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp cùng những hậu quả khó lường, khi những sản phẩm này không đem lại hiệu quả như những lời quảng cáo có cánh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự một khi những người tham gia mua hàng là bà con chòm xóm.

Chưa được cấp phép đã hoạt động?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Công ty CP Kết nối SX-DV-TM phân bón Rồng Vàng Đất Việt – DC và Công ty CP Sản xuất công nghệ mới Việt Nam AMBIO đều không có trong danh sách 49 doanh nghiệp được cấp phép bán hàng đa cấp của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương.


Sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản cũng được giới thiệu bán theo hình đa cấp

Trong khi đó, theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp thì các doanh nghiệp bán hàng theo hình thức đa cấp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định này như: giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, vốn pháp định, ký quỹ…


Mặc dù nhãn hiệu FACORV chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nhưng công ty này vẫn sử dụng dấu hiệu nhận biết (R)

Thiết nghĩ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Sở  Nông nghiệp và PTNT, Chi cục quản lý thị trường cùng các ban ngành cần kiểm tra, làm rõ những hoạt động bán hàng của hai công ty trên, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với người nông dân.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc và bà con nông dân khi có kết quả làm việc từ các cơ quan chức năng về việc bán phân bón theo hình thức đa cấp.

Điều 5, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ quy định về quản lý bán hàng đa cấp cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào; Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác; Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo; Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này; Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không được quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định này phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó; Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 21 Nghị định này dưới bất kỳ hình thức nào; Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 26 Nghị định này; Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Điều 26 Nghị định này; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp; Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi bị cấm được quy định tại Khoản 2 Điều này.

Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Bút Tre (http://www.kinhtenongthon.com.vn/)