Chính việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới giúp cây tiêu sinh trưởng khỏe hơn, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, mỗi tấn tiêu sạch có giá bán cao hơn từ 2,5-5 triệu đồng so với tiêu bình thường. 

Giá bán tiêu cao hơn bình thường từ 2,5-5 triệu đồng/tấn

Về thăm hợp tác xã (HTX) nông dân Nguyên Tiêu ở ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao, Kiên Giang) vào mùa tiêu thu hoạch rộ, từ đầu kênh Bửng Đế dẫn vào HTX chúng tôi đã nghe mùi tiêu chín thơm nồng. Không khí xóm ấp rộn ràng hơn vì tiêu trúng mùa, giá bán lại cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Võ Văn Mười - Giám đốc HTX nông dân Nguyên Tiêu cho biết: HTX liên kết với một công ty xuất khẩu tại TP.HCM tiêu thụ tiêu sạch được 2 năm nay. Để ký hợp đồng cung ứng tiêu dài hạn, hợp tác xã phải có nguồn cung hồ tiêu lớn, đạt chuẩn an toàn. Từ yêu cầu này, HTX đã liên kết với một số hộ trong và ngoài xã để tiêu thụ sản phẩm.


HTX nông dân Nguyên Tiêu có hợp đồng tiêu thụ thuận lợi với sản lượng 200 tấn tiêu sạch 8 tháng đầu năm 2018. Ảnh: NQ.

Cũng theo ông Mười, để có tiêu sạch, HTX phối hợp ngành nông nghiệp huyện, một số viện, trường, nhà khoa học trang bị cho nông dân kỹ thuật canh tác mới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón một cách khoa học. Nhờ đó, bà con trồng tiêu biết cách phòng ngừa sâu bệnh bằng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân vi sinh, hữu cơ thay cho phân hóa học.


Chính việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới đã giúp cây tiêu sinh trưởng khỏe hơn, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, mỗi tấn tiêu sạch có giá bán cao hơn từ 2,5-5 triệu đồng so với tiêu bình thường. Ảnh: NQ.

Sau khi thu mua tiêu của nông dân, HTX tổng hợp các thông tin như: Tên hộ trồng, địa chỉ, ngày thu mua. Nếu tiêu xuất khẩu không đảm bảo chất lượng, HTX sẽ truy được nguồn gốc của lô hàng.

Quy định này sẽ giúp nâng cao ý thức của người sản xuất, giúp họ thấy được trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra. Việc kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng phân bón, thuốc hóa học trong hạt tiêu, độ lẫn, độ ẩm đều được phía công ty kiểm định nghiêm ngặt.

Liên kết nông dân, giảm chi phí sản xuất

Bà Nguyễn Thị Thủy, xã viên của HTX có 1ha tiêu. Nhờ được tham dự các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiêu nên gia đình bà đã thay đổi cách chăm sóc tiêu, chú trọng dùng phân hữu cơ, phân sinh học để bón.

Theo bà Thủy, việc sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học sẽ có tác dụng trong thời gian dài, cây phát triển đều, hạt tiêu cũng đều và đẹp hơn. Tiêu ít bị sâu bệnh hơn trước, năng suất tiêu cũng tăng, chi phí sản xuất giảm nên dù giá tiêu có lúc giảm chỉ còn 50.000 đồng/kg như hiện nay bà vẫn có lãi 15.000 đồng/kg tiêu.


Sản xuất sạch giúp tiêu ít bị sâu bệnh hơn trước, năng suất tiêu cũng tăng, chi phí giảm. Ảnh: NQ.

Theo HTX, trên địa bàn huyện Gò Quao có giống tiêu sẻ tốt, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nếu nông dân vững kỹ thuật canh tác thì chất lượng tiêu ngày càng được nâng lên, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng xuất khẩu, ngoài chất lượng thì yếu tố số lượng cũng phải đảm bảo. Nếu nông dân sản xuất manh mún, HTX không thể có đủ hàng, gây khó khăn cho việc ký hợp đồng dài hạn.

Với thị trường xuất khẩu tiêu sạch tiềm năng như vậy, những năm tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết với nông dân, phát triển thêm diện tích tiêu sạch tại nhiều xã và các huyện trong tỉnh. 

Thành lập tháng 7.2014, HTX nông dân Nguyên Tiêu hiện có 58 thành viên với 20ha. Đây là 1 trong 4 HTX của huyện do Hội Nông dân vận động thành lập. Để tiếp sức cho bà con sản xuất, Hội Nông dân huyện Gò Quao đã đề xuất và được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ cho 24 hộ vay 300 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn tiêu.


Nông dân đóng gói tiêu sạch. Ảnh: NQ.
Chúc Ly - Ngọc Quyền (Dân Việt)