Theo Phòng NN&PTNT Giồng Riềng (tỉnh Đồng Tháp), hiện toàn huyện có 81 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó HTX Nông nghiệp Tân Thuận Phát nổi lên là một HTX điển hình kiểu mới, làm ăn hiệu quả, mang lại lợi ích cao cho xã viên.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về ấp Hòa Kháng, xã Hòa Thuận, Giồng Riềng, Kiên Giang, nơi đặt trụ sở của HTX Tân Thuận Phát. Gặp anh Phạm Minh Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thuận Phát đang ngồi cặm cụi trước máy vi tính, trước mặt là chồng sổ sách bừa bộn. Anh cười vui nói: “Cuối năm nhiều việc quá, tôi vừa đi họp về, lại phải tranh thủ lên mạng xem ít thông tin, coi lại sổ sách để xem tình hình sản xuất của HTX”. 

Giám đốc Nguyễn Minh Thành hướng dẫn nhân viên bảo trì máy móc

Anh Thành cho biết, HTX Tân Thuận Phát được thành lập vào năm 2013 với 119 hộ xã viên, diện tích canh tác hơn 200ha, chủ yếu trồng lúa cao sản. Tiền thân là HTX Hòa Kháng, làm ăn thua lỗ triền miên, buộc phải giải thể.Ngày đó anh Thành đang buôn bán hải sản, có nhà ở phố, có công ty riêng nhưng thấy HTX ở quê nhà bị giải thể, bà con mạnh ai nấy làm không hiệu quả, anh đã mạnh dạn cùng chính quyền vận động người dân cùng nhau thành lập HTX, với mục đích cùng bà con sản xuất trong môi trường tập thể, sản xuất bền vững và tăng thu nhập. 

Giám đốc Phạm Minh Thành kiểm tra kho chứa vật tư nông nghiệp của HTX.

Khi HTX ra đời và được bà con tín nhiệm bầu làm giám đốc, anh Thành quyết định bỏ việc kinh doanh, gom vốn về quê mua liền một lúc 4 chiếc máy gặt đập liên hợp (hết hơn 3 tỷ đồng) để làm dịch vụ cho nông dân. 

Vừa kể chuyện về HTX, anh Thành vừa dẫn chúng tôi đến thăm nhà xã viên Kiều Công Hòa (Tám Hòa). Anh Hòa cho biết gia đình mới xuống giống vụ đông xuân hơn 4ha lúa, nhưng bây giờ làm 4ha mà chỉ như 1ha ngày xưa, bởi một số công đoạn đã có máy móc làm thay sức người. 

“Nhờ hợp tác làm ăn trong HTX mà chúng tôi nhàn hẳn. Trước đây vào vụ là tất bật, phải lo toan đủ thứ từ phân bón, giống má, bơm tưới, thuốc BVTV…, giờ bơm tập thể bằng mô tơ điện, gieo sạ đồng loạtnên rất thuận tiện. Nếu mình cần nước thêm thì cứ báo với lãnh đạo HTX là xong ngay, chẳng phải vất vả gì. Thi thoảng ra thăm ruộng xem lúa lên tốt không, rồi so màu lá lúa xem cần bón phân hay chưa mà thôi” – anh Hòa vui vẻ nói.

Tương tự, vật tư nông nghiệp cũng được HTX nhập về sẵn trong kho, xã viên cần bao nhiêu chỉ cần đăng kí với HTX. Cái hay là mua qua HTX giá vừa rẻ hơn bên ngoài khoảng 10 - 12%, lại vừa đảm bảo khỏi sợ hàng nhái, hàng kém chất lượng vì HTX đã liên kết với các doanh nghiệp uy tín, mua tận gốc nên xã viên rất yên tâm. Bình quân mỗi năm, HTX cung ứng hơn 25 tấn phân bón đến tận nhà cho xã viên.

“Giống lúa HTX cung cấp đều là giống tốt. Phân bón thì HTX đã đứng ra kết nối với các doanh nghiệp lớn như Công ty Đạm Cà Mau vận chuyển phân bón đến tận nhà, giá thấp hơn so với mua bên ngoài nên xã viên vừa giảm chi phí phân bón, vừa yên tâm. Thực tế cho thấy, qua nhiều vụ dùng đạm Cà Mau, tôi thấy cây lúa lớn nhanh, đẻ khỏe, cứng cây, bông lúa trĩu hạt. Phân bón này hạt to tròn, dễ trộn với lân, kali, không dễ bị ướt như các loại phân đạm khác nên tiết kiệm lượng phân và giảm công sức bón cho ruộng” – anh Tám Hòa chia sẻ. 

Giám đốc HTX Tân Thuận Phát Phạm Minh Thành cùng xã viên kiểm tra đồng ruộng, bàn biện pháp bảo vệ sản xuất.

Hiện anh Tám Hòa và các xã viên trong HTX đang tích cực gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nông của mình, anh Tám Hòa bộc bạch: Theo kinh nghiệm của tôi, với 1 công ruộng (diện tích 1.000 m2), nên bón phân từ 3 – 4 lần với tổng số lượng phân cần bón là từ 30 – 37 kg, trong đó, cân đối liều lượng giữa đạm hạt đục Cà Mau, lân, kali theo từng mùa vụ. Cụ thể vụ lúa đông xuân này là 30% đạm hạt đục Cà Mau+ 30% lân+ 40% kali, còn vụ hè thu lại bón phân theo tỉ lệ 40% đạm hạt đục Cà Mau + 30% lân + 30% kali. Nhờ vậy lúa sẽ có đủ chất dinh dưỡng để tạo hạt, bông chắc, to, năng suất cao.

Anh Thành cho biết, liên kết làm ăn với HTX, bà con trồng lúa nhàn hơn trước rất nhiều, trong khi đầu ra ổn định, thu nhập được đảm bảo. Lúa được chăm sóc theo quy trình quản lý cộng đồng, cùng nhau phòng trừ dịch bệnh nên rất hiệu quả, ít tốn kém. Vào mùa thu hoạch, trước đây bà con phải chạy đôn chạy đáo thuê thợ gặt thì nay, mọi thứ đã có hợp đồng sẵn từ trước, chỉ việc báo ngày thu hoạch là đội dịch vụ đến làm hết bằng máy gặt đập liên hợp, chở lúa về tận nhà. Việc tiêu thụ đã cóDNTN Phước Hưng (TP. Cần Thơ) đến thu mua, do HTX đã ký hợp đồng lâu dài với đơn vị này bao tiêu toàn bộ diện tích lúa cao sản cho nông dân. Nhờ đó, chuyện “cò lúa” ăn chặn, bị thương lái ép giá gần như không xảy ra nên thu nhập của bà con ổn định và cao hơn nhiều so với làm ăn riêng lẻ trước đây. 

Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau). 

Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/3/2016, với mục tiêu xây dựng 300 HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.

Nguồn: trongtrot.com.vn; Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)