Làm nghề nông ai cũng nhớ câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ đó cho thấy, giống là một trong bốn khâu quan trọng của SX nông nghiệp.

Tính theo số thứ tự, giống được xếp ở vị trí thứ tư, nhưng ông Huỳnh Ngọc Long ở khóm 3, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông - Đồng Tháp cho rằng: “Ngày trước nông dân sản xuất lúa mùa nổi và chỉ có một loại giống lúa hà nên mới có câu tục ngữ trên. Còn ngày nay tôi luôn xem giống tốt là vị trí hàng đầu. Bởi, không có giống lúa tốt thì ba khâu còn lại cũng chẳng có giá trị gì. Những năm qua, tôi luôn chọn lúa giống của Trại giống cây trồng An Phong (Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp) như OM 4900, OM 5657, OM 6476, OM 7347, OM 5451…".

Với 4,2ha đất trồng lúa 3 vụ/năm, ông Long đã ứng dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác do Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn như: sạ lúa thưa từ 120 - 130kg lúa giống/ha (giảm được 50% lượng lúa giống so với tập quán sạ lan truyền thống). Giống lúa được ông Long chọn để gieo trồng là giống nguyên chủng, có tỷ lệ nẩy mầm cao, hạn chế cỏ dại và lúa cỏ nên giảm được chi phí xịt thuốc trừ cỏ và khâu khử lẫn sau này.

Về kỹ thuật, ông Long đã bón phân theo bảng so màu lá lúa, bằng công thức ở vụ ĐX bón 15kg DAP, 10kg Ure và 10kg Kali; vụ HT bón 13kg DAP, 12kg Ure và 10kg Kali; vụ TĐ bón 10kg DAP, 12kg Ure và 12kg Kali nên đã giảm đáng kể lượng phân bón và giúp lúa khỏe, cứng cây, ít bị đổ ngã, chống chịu được một số loại sâu bệnh... Trong quá trình canh tác, ông Long còn áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, không phun thuốc BVTV khi lúa chưa được 40 ngày để bảo vệ thiên địch có lợi…

Nhờ cần mẫn chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa nên 4,2ha lúa của ông Long vụ nào cũng trúng mùa mà chi phí đầu tư thấp. Cụ thể vụ ĐX bình quân đạt trên 7 tấn/ha, vụ HT đạt 6 tấn/ha và vụ TĐ đạt 6,5 tấn/ha cao hơn ruộng đối chứng từ 0,5 - 1 tấn/ha...

Ông Long cho biết thêm: Với 4,2ha đất ruộng, tôi giảm được lượng lúa giống gieo sạ từ 300 - 350kg; chi phí đầu tư giảm trên 5 triệu đồng/vụ, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm lãi 210 triệu đồng. Hiện ông đang ứng dụng mô hình giảm giá thành sản xuất lúa trên mảnh ruộng của mình.

Hiện tại, 4,2 ha lúa vụ HT 2018 của ông Long được 65 ngày tuổi. Lúa đang trong giai đoạn trổ lẹt xẹt và phát triển tốt. Ông thường xuyên ra đồng chăm sóc lúa và chủ động phòng chống sâu rầy hại lúa để tiếp tục đạt được vụ mùa bội thu.

Ông Long bày tỏ: “Nhờ chọn giống lúa tốt từ Trại giống An Phong để SX nên vụ nào cũng được mùa và tôi đã mua thêm đất đai, sắm nhiều phương tiện phục vụ sinh hoạt và SX, xây được căn nhà tường khang trang trị giá gần cả tỷ đồng. Kinh nghiệm của tôi là cứ sau hai năm phải thay đổi giống lúa mới, chất lượng cao để SX vì giống lúa cũ bị thoái hóa. Có như vậy lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt và bán được giá, thu lãi nhiều”

Cũng giống như ông Long, anh Trần Văn Guôl ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cũng đã gắn bó với Trại giống An Phong, nhiều năm qua. Anh Guôl thường chọn mua các loại giống lúa Jacmine 85, OM 4900, OM 6976, OM 7347… cấp nguyên chủng để canh tác trên 2,5ha. Các giống lúa trên đều kháng rầy, cứng cây, ít bị đổ ngã, bông to, thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày.

Nhờ chọn giống lúa tốt nên năm nào gia đình anh anh Guôl đều trúng mùa, bán giá cao

2,5ha lúa vụ HT năm nay của anh Guôl được 40 ngày tuổi, đang phát triển xanh tốt, chưa phát hiện sâu bệnh phá hại. Hằng ngày, vợ chồng anh Guôl đều ra đồng làm cỏ, bắt ốc bươu vàng, bẫy chuột, chăm sóc lúa và chủ động phòng trừ sâu bệnh.

TRẦN TRỌNG – GIA BẢO (Nông Nghiệp VN)