Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước vào thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018 với những dự báo đầy khó khăn, thách thức đối với hoạt động dầu khí. Đó là giá dầu thô tiếp tục diễn biến khó lường, duy trì ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn. Các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu trong khi nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời; một số vụ việc đang được các cơ quan thẩm quyền xử lý…
Giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên mức giá còn thấp, thị trường cung cấp dịch vụ dầu khí và các dịch vụ liên quan trong ngành có sự cạnh tranh gay gắt do có nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí nước ngoài có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, kinh nghiệm, tài chính… sẵn sàng chào mức giá cung cấp dịch vụ thấp hơn so với chi phí sản xuất vận hành thực tế với mục tiêu có việc làm. Thị trường cung cấp dịch vụ có nguồn cung lớn hơn cầu, do đó các đơn vị cung cấp dịch vụ trong Tập đoàn luôn phải đối mặt với sức ép giảm giá thuê dịch vụ từ các khách hàng thuê sử dụng dịch vụ và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững thị phần cũng như phát triển tìm kiếm các hợp đồng mới trong và ngoài nước của các đơn vị.
Ngoài ra, việc suy giảm sản lượng khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2018 dự báo còn diễn biến bất lợi, khó lường, các mỏ còn lại nhỏ cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, rủi ro địa chất ngày càng cao.... sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu khai thác dầu trong nước.
Người lao động PV GAS
Nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối diện trong năm 2018 là vô cùng lớn, ngay từ những tháng đầu năm 2018, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm là Tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, xác định kết quả hoạt động của Tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách Nhà nước, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên toàn PVN đã giữ vững niềm tin, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao. Tính đến hết tháng 4/2018, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường, các chỉ tiêu sản xuất đều hoàn thành vượt mức từ 2 – 18%. Công tác an toàn được các nhà thầu dầu khí/đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, không có sự cố nào xảy ra; công tác thông tin liên lạc được duy trì thông suốt. Cụ thể:
Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 4 đạt 2,06 triệu tấn, vượt 1,3% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 8,34 triệu tấn, vượt 3,0% kế hoạch 4 tháng và bằng 36,5% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác dầu tháng 4 đạt 1,17 triệu tấn, vượt 2,1% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 4,80 triệu tấn, vượt 1,7% kế hoạch 4 tháng và bằng 36,2% kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu ở trong nước 4 tháng đạt 4,16 triệu tấn, vượt 1,6% kế hoạch 4 tháng, ở nước ngoài 4 tháng đạt 0,63 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch 4 tháng.
Sản lượng khai thác khí tháng 4 đạt 0,89 tỷ m3, vượt 0,3% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3,55 tỷ m3, vượt 4,7% kế hoạch 4 tháng và bằng 37,0% kế hoạch năm; sản xuất điện tháng 4 đạt 2,01 tỷ kWh, vượt 7,0% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 7,73 tỷ kWh, vượt 7,8% kế hoạch 4 tháng và bằng 35,8% kế hoạch năm; sản xuất đạm tháng 4 đạt 135,4 nghìn tấn, vượt 0,3% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 549 nghìn tấn, vượt 3,7% kế hoạch so với kế hoạch 4 tháng và bằng 35,7% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 4 đạt 648 ngàn tấn, bằng 97,4% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đầu năm đạt 2,32 triệu tấn, vượt 3,1% kế hoạch 4 tháng và bằng 19,7% kế hoạch năm.
Về chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng đạt 177,1 ngàn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch 4 tháng và bằng 30% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 4 tháng đạt 31,5 ngàn tỷ đồng, vượt 28,0% so với kế hoạch 4 tháng và bằng 42% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4 tháng đạt 7,6 ngàn tỷ đồng, vượt 22% so với kế hoạch 4 tháng và bằng 40% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, mặc dù tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức nhưng trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các đơn vị thành viên của PVN đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và các chỉ tài chính đề ra. Một số đơn vị sản xuất như VSP, PVEP, Rusvietpetro, BSR, PVPower, PVFCCo, PVCFC đều giữ được nhịp độ tốt và đang bám sát kế hoạch được giao. Toàn bộ các đơn vị của PVN đã và đang tập trung triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2018 đã được Tập đoàn phê duyệt/chấp thuận.
Đặc biệt, sau gần 3 năm tạm ngừng hoạt động, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất của PVN và các cổ đông của Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã khởi động 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY vào ngày 20/4/2018. Và tính đến ngày 30 - 4, nhà máy đã sản xuất 46,7 tấn sợi, trong đó có 94% sản phẩm sản xuất đạt loại A. Dự kiến trong tháng 5, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ sẽ sản xuất 200 tấn sợi.
Người lao động tại PVTEX
Cũng trong tháng 4, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các phân xưởng kéo sợi, PVTEX đã ký Thỏa thuận khung tiêu thụ sản phẩm sợi DTY với hai công ty tiêu thụ sản phẩm DTY chính là Công ty Tín Thành và Công ty Vân Nam. Ngoài ra có một số khách hàng lớn khác cũng đã quan tâm và đặt hàng, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ hết.
Nhìn chung 4 tháng 2018, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều hoàn thành vượt mức từ 2 – 18%. Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn như tổng doanh thu, nộp ngân sách nhà nước đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể: Doanh thu toàn Tập đoàn vượt 16% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017; nộp ngân sách Nhà nước vượt 28% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hoạt động của một số đơn vị dịch vụ như DQS, PVDrilling, PVC, DMC, PVMR… tiếp tục gặp khó khăn do khối lượng việc làm suy giảm.
Thanh Ngọc (PVN)