Tiếp tục trong chương trình làm việc, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về việc xử lý khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012.

Theo Tờ trình của Chính phủ, số tiền lãi dầu khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí tập trung về PVN năm 2012 khoảng 12.930 tỷ đồng. Đây là những khoản lãi được chia từ Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí nộp tập trung về PVN.

Trong đó, Chính phủ đã bố trí 3.500 tỷ đồng theo Nghị quyết số 16/2011/QH13 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 đầu tư cho các dự án trọng điểm dầu khí; thu 5.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Bộ Tài chính để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Số còn lại chưa xử lý năm 2012 là 4.430 tỷ đồng.

Giàn khoan Tam Đảo-03 của PVDrilling

Với số còn lại chưa xử lý trên, Chính phủ tiếp kiến nghị thực hiện thu vào ngân sách theo nguyên tắc 50-50: 50% thu trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, 50% đầu tư trở lại PVN bằng phương pháp ghi thu - ghi chi để Tập đoàn thực hiện một số dự án, công trình trên biển đảo được Thủ tướng giao.

Trước phương án trên, đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đồng tình, đồng thời cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước năm 2013 gặp khó khăn, có xu hướng hụt thu lớn, việc Chính phủ đề nghị thực hiện thu 50% số còn lại chưa xử lý (khoảng 2.215 tỷ đồng) sẽ góp phần bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi đã được đề ra trong trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán.

Trước một số ý kiến cho rằng với đề nghị trên của Chính phủ, số tiền được đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí chỉ đạt 22% tổng số tiền lãi dầu khí thu được, chưa đạt 50% theo Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực đề nghị bố trí tiếp cho Tập đoàn 50% còn lại của 9.430 tỷ đồng là số tiền chưa được xử lý, chưa được Quốc hội thông qua trong tổng số 12.930 tỷ đồng tập trung về Tập đoàn. Theo phương án này, tổng số tiền để lại Tập đoàn sẽ là 8.215 tỷ đồng thay vì 5.715 tỷ đồng như tờ trình, đưa số lãi được chia lên 32% thay vì 22%. Nhu cầu vốn trong công tác đầu tư cho các dự án dầu khí là rất lớn, bởi vậy phương án trên sẽ giúp PVN chủ động hơn trong việc thu xếp vốn đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ năm 2012, 2013 toàn bộ lãi được chia của nước chủ nhà phải nộp ngân sách, việc đầu tư trở lại theo dự toán Quốc hội quyết định là 3.500 tỷ đồng, cần phải thực hiện theo luật pháp và theo nghị quyết của Quốc hội.

Thứ trưởng đề nghị phần lãi sau thuế của nước chủ nhà phải hoàn toàn thuộc Nhà nước, nên đầu tư trở lại bằng cách không qua ngân sách và Tập đoàn coi là nguồn tài chính nhà nước đầu tư, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để giải quyết những vướng mắc này, đảm bảo cho sự minh bạch trong chính sách và cũng là tạo điều kiện cho Tập đoàn biết trước được nguồn đầu tư của mình để chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính kiến nghị từ dự toán 2014 trở đi, trong Nghị quyết Quốc hội ghi rõ cơ chế, không chỉ phần lãi dầu khí nhà nước đã được chia mà bao gồm cả phần cổ tức Nhà nước được chia từ phần vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp cũng nên làm rõ.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng để đảm bảo nguồn thu, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí phát triển, nên khuyến khích và thực hiện theo Kết luận số 41-KL/TW, trong năm 2012, số thu còn lại nên để lại cho dầu khí. Trước mắt, có thể trao đổi với Tập đoàn để nhà nước ứng tạm nguồn này, giải quyết những khó khăn hiện nay, năm 2014 sẽ hoàn lại cho Tập đoàn, như vậy vẫn đảm bảo được việc hỗ trợ cho nhà nước trong nguồn thu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí rất quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí, do vậy từ năm 2013-2014 và các năm sau cần chốt luôn phương án để cho doanh nghiệp chủ động. Chủ tịch đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án chia theo tỷ lệ 75-25, 75% nộp cho ngân sách, 25% để lại tăng vốn cho Tập đoàn, số tiền đó chi tiêu thế nào do Bộ Tài chính chủ trì; đồng thời Bộ Tài chính cần sớm dự thảo Nghị định cơ chế thu và quản lý đầu tư trong lĩnh vực này.

P.V