Ngày 04/03/2023, Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển (Trung tâm NCPT) thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân Bón Cà Mau, Hose: DCM) đã tổ chức tham quan mô hình trình diễn lúa và tiến hành thu mẫu đánh giá chỉ tiêu kết quả vụ Đông – Xuân vừa qua với diện tích lúa trồng trên vùng đất nhiễm phèn được cải tạo và canh tác bởi trung tâm NCPT.

Tham gia đoàn có ông Nguyễn Đức Thuận – Thành viên HĐQT, ông Đặng Hoàng Quân – Phó Giám đốc nhà máy, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc nhà máy cùng các lãnh đạo ban/ đơn vị khác.

Đoàn công tác tham quan mô hình trình diễn lúa trên vùng đất nhiễm phèn được cải tạo canh tác bởi trung tâm NCPT

Với sứ mệnh góp phần đảm bảo nguồn cung phân bón và an toàn lương thực bằng cách tiên phong cung cấp giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, Phân Bón Cà Mau đã không ngừng đầu tư nghiên cứu phát triển để tìm kiếm các giải pháp dinh dưỡng cho các cây trồng trên điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, đặc biệt là các giải pháp dành cho cây trồng trên các vùng đất không thuận lợi.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được biết đến là vựa lúa lớn nhất cả nước, cũng là thị trường trọng điểm của Phân Bón Cà Mau. Tuy nhiên, nông dân lại gặp khó khăn trong canh tác do khu vực có lượng lớn diện tích đất bị nhiễm phèn, cây lúa đối mặt khả năng ngộ độc phèn khiến cây yếu ớt, giảm năng suất.

Nằm trong dự án “Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hoá” tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An với diện tích 22,7 ha. Khu vực này được đánh giá là vùng đất phèn được hình thành và phát triển trên các trầm tích đầm lầy – biển, sông – biển. Trong hai năm qua Trung tâm NCPT liên tục cải tạo mảnh đất tiềm năng tại Dự án Thạnh Hóa và song song tiến hành canh tác lúa các vụ mùa nhằm tìm ra giải pháp canh tác giúp cây lúa giảm ảnh hưởng bởi phèn, giảm ngộ độc hữu cơ và ổn định năng suất lúa ở mức cao.

Trung tâm NCPT khảo thí nghiệm đánh giá hiệu quả sản phẩm NPK 16-16-16+TE+1Mg trên cây lúa nếp IR4625 vùng đất phèn

Vụ Đông Xuân 2023-2024, Trung tâm NCPT tiến hành khảo/thí nghiệm đánh giá hiệu quả các sản phẩm phân bón để đăng ký lưu hành sản phẩm, xây dựng công thức dinh dưỡng cho cây lúa nếp IR 4625. Cụ thể, khảo/ thí nghiệm đánh giá hiệu quả sản phẩm NPK 16-16-16+TE+1Mg, khảo nghiệm đánh giá hiệu quả các sản phẩm NPK bổ sung hoạt chất kích thích sinh trưởng cây trồng; sản phẩm ure chức năng (N46.True; N46. Rich) trên cây lúa nếp IR4625 vùng đất phèn Thạnh Hoá - Long An.

Đồng thời, Trung tâm NCPT thực hiện thí nghiệm diện rộng đánh giá tính thích nghi 4 giống lúa cao sản ngắn ngày tại vùng đất phèn Long An Đông Xuân 2023-2024 nhằm đa dạng nguồn vật liệu nghiên cứu và khuyến cáo giống mới có giá trị kinh tế cao thay thế giống lúa nếp truyền thống IR4625. Trung tâm NCPT cũng đã ứng dụng Drone trong việc phun phân, phun thuốc BVTV giúp tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Đây cũng là một tín hiệu khả quan cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp của Trung tâm NCPT ở quy mô lớn trong thời gian tới tại. 

Trung tâm NCPT cũng đã ứng dụng Drone trong việc phun phân, phun thuốc BVTV

Với dự án “Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất Nông nghiệp Công nghệ cao Thạnh Hóa”, Phân Bón Cà Mau kỳ vọng đây là nơi Công ty nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thông qua việc trình diễn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó xây dựng và chuyển giao, hướng dẫn cho nông dân các quy trình, kỹ thuật canh tác tiên tiến thông qua các hội thảo nông dân.

Phân Bón Cà Mau sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển đa dạng hoá, nâng cao chất lượng bộ sản phẩm hiện hữu và nghiên cứu hoàn thiện các dòng phân bón lá, phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh và các bộ giải pháp dinh dưỡng, đẩy mạnh các chương trình/ hội thảo cung cấp kiến thức canh tác thông minh cho nông dân, kiến tạo giá trị cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững hơn, thịnh vượng hơn. 

Phân Bón Cà Mau