Ngày 20/5, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) phối hợp cùng Tổng công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tổ chức chương trình “Giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà máy Đạm”, kết hợp thăm quan Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Khu Công Nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại hội thảo, hai đơn vị đã dành nhiều thời gian đặt ra các câu hỏi thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, vận hành RBI cũng như các vấn đề kỹ thuật nhằm tích lũy kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề kỹ thuật thường gặp ở khâu vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy Đạm. Trong phần trao đổi kinh nghiệm, phía đại diện PVCFC đã trình bày về phương pháp “Triển khai chương trình AtSs”.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các cán bộ kỹ thuật Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Phú Mỹ
AtSS (An toàn + 5S + Sáng kiến) là một chuỗi bao gồm 3 chương trình Quan sát an toàn - nhằm giảm thiểu các rủi ro và ngăn ngừa các tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra; Quản lý sản xuất 5S - nhằm cải tạo môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động và chương trình Ghi nhận ý tưởng, cải tiến, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo. Sau 3 tháng thực hiện, chương trình AtSS tại nhà máy Đạm Cà Mau đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Chương trình AtSS tập trung nhấn mạnh nguyên tắc: An toàn là trách nhiệm của tất cả mọi người. Sau 3 tháng thực hiện chương trình, tập thể CBNV, người lao động PVCFC làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau đã nhanh chóng nắm bắt được các nguyên tắc an toàn lao động, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa TNLĐ; bên cạnh đó luôn chủ động cải tiến; rèn luyện ý thức tự giác và kỹ luật lao động; xây dựng văn hóa không đổ lỗi; tích cực làm việc theo nhóm và thúc đẩy môi trường văn hóa mở với nội dung chính là nhận diện, quan sát sự việc, khuyến khích các hành vi an toàn, động viên người được quan sát về điều chỉnh các hành vi không an toàn…
Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Đạm Cà Mau tham quan Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Về phía PVFCCo, đại diện Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đưa ra phương pháp “Áp dụng hệ thống system 1 vào việc giám sát rủi ro trong vận hành và bảo dưỡng thiết bị động trong nhà máy Đạm”, đặc biệt trong đó là áp dụng hệ thống RBI (Risk Based Inspection) – Phương pháp lập kế hoạch kiểm định dựa trên việc phân hạng rủi ro giúp tối ưu hóa được thời gian và chi phí mang lại.
PVFCCo nêu ra ưu điểm chính của phương pháp RBI đó là áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí, hóa dầu và năng lượng. Phương pháp này đã xây dựng thành tiêu chuẩn và việc thực hiện được mô tả chi tiết trong các tiêu chuẩn API RP 580 và API RP 581. Kết quả là cung cấp tổng thể việc đánh giá và phân hạng rủi ro thiết bị của cả công trình. Lợi ích chính của phương pháp này giúp giảm chi phí vận hành, thông qua việc tập trung vào những nỗ lực kiểm định những thiết bị có rủi ro cao và sử dụng các kỹ thuật kiểm định tối ưu, giảm bớt thời gian và khối lượng kiểm định đối với những thiết bị có rủi ro thấp.
Chương trình Giao lưu trao đổi kinh nghiệm là dịp để hai nhà máy đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điều khiển và tự động hóa nhà máy; phát huy tính đoàn kết, thế mạnh của bộ phận kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sản xuất, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nguyên Phương