Ngày 08/07/2022, tại Cà Mau, thực hiện kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí nhiệm kỳ 2020-2022 và chỉ đạo của Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí đã tổ chức Kỳ họp lần III với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động và định hướng phát triển bền vững trong sản xuất đạm”.

Tham dự Kỳ họp có TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); GS.TSKH Phạm Quang Dự - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; ông Hoàng Xuân Hùng – nguyên Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia đến từ các Ban Công nghiệp Khí - Lọc Hoá dầu, Ban Công nghệ An toàn Môi trường, Ban Chiến lược Tập đoàn, các đơn vị thành viên Tập đoàn: BSR, PV GAS, PVFCCo, PVCFC, PVOIL, PVChem, VPI, PVU, PVMTC, PVPOWER...

TS Phan Minh Quốc Bình – Trưởng Tiểu ban Hóa – Chế biến Dầu khí, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí, Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam; ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc PVCFC và ông Phạm Văn Chất – Trưởng ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu Tập đoàn đồng chủ trì Kỳ họp.

Phát biểu chào mừng Kỳ họp, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc PVCFC cho biết, thời điểm Đạm Phú Mỹ ra đời năm 2004, tiếp nối là Đạm Cà Mau được đưa vào vận hành sản xuất năm 2012 chính là hai cột mốc lớn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ghi dấu ấn quan trọng trong ngành sản xuất phân bón, đồng thời mở ra một lĩnh vực mới trong hoạt động sản xuất khâu sau của ngành Dầu khí. Trong bối cảnh mới về xu thế chuyển đổi năng lượng hiện nay, Kỳ họp với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động và định hướng phát triển bền vững trong sản xuất đạm” được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia trong ngành, góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển cho các đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất khâu sau như PVFFCo, PVCFC, đặc biệt trong việc nâng cấp, phát triển công nghệ, mở rộng thị trường… trong thời gian tới.

Khai mạc Kỳ họp, thay mặt ban tổ chức, TS Phan Minh Quốc Bình – Trưởng Tiểu ban Hóa – Chế biến Dầu khí gửi lời cảm ơn đến các vị khách mời, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài ngành đã dành thời gian tham dự, trao đổi, trình bày, góp ý tại Kỳ họp. TS Phan Minh Quốc Bình cho biết, khác với những kỳ họp trước đây của Tiểu ban, trong Kỳ họp lần III, các nội dung sẽ chỉ tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực sản xuất đạm.

Theo TS Phan Minh Quốc Bình, mục tiêu của Kỳ họp nhằm trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của hai nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau. Cụ thể hơn là tập trung vào xu hướng phát triển công nghiệp ammoniac trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu - là xu hướng chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu truyền thống sang nguồn nguyên liệu tái tạo, giảm khí phát thải nhà kính nhằm thực hiện cam kết Zero carbon - qua đó, xem xét các khả năng chuyển đổi, áp dụng triển khai thực tế tại đơn vị đạm của Petrovietnam.

Ngoài ra, Kỳ họp cũng tập trung tìm kiếm các giải pháp đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu thay thế cho nguồn khí thiên nhiên dự kiến sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian tới; xem xét các giải pháp tối ưu, nâng cao công suất hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 nhà máy đạm; cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát huy thế mạnh và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động của hai nhà máy cũng như hai đơn vị PVFCCo và PVCFC.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã được nghe đại diện Haldor Topsoe trình bày 2 tham luận: Xu hướng phát triển công nghiệp sản xuất NH3 trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng; Những giải pháp cải tạo, nâng công suất Xưởng NH3. Giải pháp tích hợp sản xuất Methanol - Ammonia.

Đại diện PVCFC tại Kỳ họp đã trình bày 2 tham luận: Giải pháp nâng cao công suất và hiệu suất sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau. Những khó khăn thách thức và kế hoạch giai đoạn sắp tới; Tối ưu công tác bảo dưỡng và sửa chữa tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Đại diện PVFCCo trình bày tham luận “Định hướng đa dạng hóa nguyên liệu và sản phẩm để đảm bảo hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ”; và “Tiềm năng, cơ hội hợp tác, tối ưu hóa giữa 2 nhà máy đạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Đại diện Viện Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận: Phát triển sản phẩm phân bón tan chậm có kiểm soát trên cơ sở ứng dụng vật liệu Nanocarbon.

Nhân dịp này, được sự đồng ý của lãnh đạo Tập đoàn, sự thống nhất của lãnh đạo 2 đơn vị, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã tổ chức ký kết ghi nhớ hợp tác. Các hạng mục gồm: Tính toán và thiết kế tối ưu hóa hệ thống công nghệ, máy móc, thiết bị tại nhà máy đạm; Tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cấp, cải tạo nhằm tối ưu hóa vận hành sản xuất; Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm vận hành bảo dưỡng; Hỗ trợ cung cấp dụng cụ, thiết bị, nhân sự phục vụ tiên đoán và đánh giá máy móc, thiết bị; Hỗ trợ cung cấp dụng cụ, thiết bị, nhân sự phục vụ các đợt bảo dưỡng tổng thể (BDTT), bảo dưỡng cơ hội (BDCH) hoặc khi có yêu cầu; Hỗ trợ thực hiện các khóa đào tạo về vận hành, bảo dưỡng; Hỗ trợ thực hiện các đề tài khoa học công nghệ; Hỗ trợ cung cấp và tận dụng nguồn vật tư dự phòng của 02 nhà máy. Hai bên có thể phối hợp và hợp tác cung cấp dịch vụ kỹ thuật, cung cấp vật tư và thiết bị cho bên thứ 3; cùng các dịch vụ liên quan khác.

Với những thế mạnh của cả 2 bên, bản ghi nhớ hợp tác này sẽ tạo ra cơ hội để cùng tối ưu hóa và phát triển hoạt động của hai đơn vị, đồng thời xem xét khả năng thành lập một liên doanh hoặc các hình hợp tác phù hợp khác, từ đó mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của cả 2 trong giai đoạn sắp tới.

Phát biểu tại Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác, Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa hai đơn vị PVFCCo và PVCFC đã sớm được hình thành, phát triển ngay từ những ngày đầu xây dựng, vận hành Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Hai bên thường xuyên chia sẻ những khó khăn trong quá trình sản xuất, các vấn đề về vật tư, nhân sự, đào tạo,… Đội ngũ cán bộ quản lý chính của Phân bón Cà Mau cũng là những người đã từng được học tập và trưởng thành từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Trong hoạt động sản xuất kinhh doanh, Phân bón Cà Mau cũng được chia sẻ những cơ sở vật chất sẵn có từ Đạm Phú Mỹ, mặc dù trước đó hai bên chưa có những văn bản ký kết hợp tác chính thức.

Nhân dịp Kỳ họp lần thứ III của Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí lần này, hai đơn vị đã quyết định đi đến ký kết ghi nhớ hợp tác chính thức bằng văn bản, để hai bên có thể cùng thực hiện những công việc lớn hơn trong giai đoạn sắp tới, như các hoạt động liên quan đến đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa công nghệ, ứng dụng các thành tựu mới trong khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao công suất hoạt động của hai nhà máy… Ngoài ra, thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số theo định hướng của Tập đoàn, hai đơn vị cũng sẽ cùng hợp tác trong việc xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu chung, không chỉ giữa PVCFC và PVFCCo, còn với những đơn vị khâu sau, cùng các khâu khác của Tập đoàn, nhằm phục vụ cho việc vận hành sản xuất an toàn, ổn định, củng cố nguồn lực khai thác, dự phòng vật tư giữa các đơn vị trong Tập đoàn.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, TS Phan Minh Quốc Bình khẳng định Kỳ họp lần III với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động và định hướng phát triển bền vững trong sản xuất đạm” đã diễn ra thành công, tốt đẹp, đáp ứng được hầu hết các mục tiêu căn bản đã đề ra.
Theo đánh giá của TS Phan Minh Quốc Bình, phần trình bày của các đơn vị đã cho thấy cơ hội áp dụng công nghệ amoniac xanh theo xu hướng chuyển dịch năng lượng đối với hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là hoàn toàn khả thi, đặc biệt là khi PVCFC cũng đang nỗ lực triển khai để trở thành đơn vị tiên phong của ngành Dầu khí sản xuất amoniac xanh. Ngoài ra, các bài toán về vấn đề đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tối ưu hóa hoạt động và và đa dạng hóa sản phẩm của hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng đã được các đại biểu tham dự thảo luận tích cực và gợi mở nhiều phương án mang tính hiệu quả cao.

TS Phan Minh Quốc Bình khẳng định, sau Kỳ họp, Tiểu ban Hóa - Chế biến Dầu khí sẽ kiến nghị Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn xem xét nghiên cứu xây dựng các chính sách ưu tiên sử dụng khí cho các hoạt động sản xuất đạm và hóa chất, cũng như chiến lược sử dụng hiệu quả các nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, giúp hai nhà máy tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả. TS Phan Minh Quốc Bình cũng đồng thời bày tỏ hy vọng Thỏa thuận ghi nhớ hợp tác chính thức được ký kết giữa PVFCCo và PVCFC lần này sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của hai đơn vị trong tương lai.

T.T