(TBKTSG) - Buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giữa Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) và Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), diễn ra tại TPHCM vào tuần trước, có những khách mời đặc biệt là nông dân đến từ các vùng nguyên liệu cánh đồng lớn của ĐBSCL. Họ được mời đến với tư cách đại diện cho những người nông dân, cũng là nhân vật chính được nhắc đến trong nội dung hợp tác giữa PVCFC và AGPPS.

Mục tiêu của PVCFC và AGPPS không chỉ là bắt tay nhau để cùng phát triển, mà còn hướng đến phục vụ lợi ích của bên thứ ba - nông dân - những người đang ngồi chung một con thuyền với cả hai công ty. “Bà con nông dân có sung túc, thì chúng tôi mới có sự phát triển bền vững”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS, khẳng định.

Sau nhiều thập kỷ, nông dân Việt Nam vẫn chưa được sung túc, nếu không nói là ngược lại. Thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu vật tư nông nghiệp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, thiếu đầu ra cho nông sản... là những bài toán nan giải mà nông dân Việt Nam đang phải đối mặt vì nhiều lý do bất cập mang tính hệ thống.

Trong nhiều năm qua, điệp khúc “được mùa - mất giá” đã trở thành cơn ác mộng đối với nông dân và với cả nền kinh tế Việt Nam. Với một đất nước có hơn 60% dân số sống ở nông thôn, một khi thu nhập từ đồng ruộng chỉ tạm đủ để đắp đổi qua ngày thì nền kinh tế rất khó kỳ vọng vào sự phát triển bền vững. Nêu ra bối cảnh này, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đất và Phân bón, có mặt tại buổi lễ cho rằng cái bắt tay giữa hai doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp là một tín hiệu đáng mừng đối với bà con nông dân. Đây rõ ràng là một cú hích để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững hiện nay.

Trong vài năm gần đây, AGPPS được biết đến như một doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm ra giải pháp phát triển bền vững cùng với bà con nông dân. Chiến lược chuỗi giá trị được thực hiện thông qua mô hình cánh đồng lớn bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan và nâng cao giá trị, thu nhập của người trồng lúa.

Chỉ trong thời gian ba năm, AGPPS đã xây dựng năm nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao của AGPPS năm 2014 đã lên đến 72.728 héc ta, với sự tham gia của 33.260 nông hộ.

Mục tiêu đến năm 2018, công ty sẽ hoàn thành 12 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm với tổng diện tích vùng nguyên liệu 360.000 héc ta.

Có mặt tại buổi lễ ký kết, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá: “Với chiến lược chuỗi giá trị, AGPPS đã thể hiện quyết tâm kiên định trong việc đồng hành với người nông dân xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ngoài việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lương thực; mở rộng những vùng nguyên liệu rộng lớn trong đó cung ứng vật tư nông nghiệp với giá thành bằng giá của đại lý cấp 1 cho bà con nông dân, việc xây dựng đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân - thể hiện sự cam kết lâu dài và một cách làm nghiêm túc của công ty trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Trong khi đó ông Tony Kuo, đại diện Ngân hàng Standard Chartered, tổ chức tài chính vừa rót hơn 70 triệu đô la Mỹ (hơn 1.500 tỉ đồng) vào mô hình cánh đồng lớn, cho rằng “thông qua những hoạt động giống như chiến lược chuỗi giá trị của AGPPS, Ngân hàng Standard Chartered đã có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp và phục vụ cho người nông dân Việt Nam”.

Tại buổi lễ, ông Kumar Datta, Tổng giám đốc Syngenta Việt Nam, một đối tác lâu năm của AGPPS, nhấn mạnh chiến lược mà AGPPS đang thực hiện rất phù hợp với xu thế chung, nhất là trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn liền với đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tới đây, trong hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu của AGPPS để phát triển mô hình cánh đồng lớn sẽ luôn có sự đồng hành của PVCFC. Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, điều này có nghĩa nông dân vùng nguyên liệu của AGPPS sẽ được đảm bảo nguồn vật tư đầu vào, bao gồm giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón với giá thành tốt nhất và chất lượng được đảm bảo. Sự kiện này có thể xem là một bước quan trọng để hoàn tất “chuỗi giá trị” mà đối tượng tham gia trực tiếp là người nông dân.

Dòng sản phẩm đạm hạt đục của Đạm Cà Mau nếu được đưa vào sử dụng trong mô hình cánh đồng lớn không chỉ đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho nông dân mà còn có nhiều ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của Cục Trồng trọt, đạm hạt đục chậm tan hơn và cho hiệu quả tác dụng lâu bền hơn trên cây lúa, vừa chống thất thoát đạm, đồng thời giúp cây lúa có thời gian hấp thu dinh dưỡng tốt nhất, giúp nông dân tiết kiệm được 10% lượng phân bón.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc PVCFC, chia sẻ: “Là hai đơn vị hoạt động trong ngành vật tư nông nghiệp, chúng tôi có cùng trăn trở về những khó khăn, thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam cũng như đời sống cơ cực của phần đông bà con nông dân. Thông qua sự hợp tác này, hai công ty sẽ cùng bắt tay nhau nghiên cứu, cung cấp những giải pháp dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, đưa ra những sản phẩm mới, tạo thêm những giá trị gia tăng cho bà con nông dân. PVCFC còn mong muốn trở thành nhân tố tích cực tham gia vào mối liên kết bốn nhà gồm Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tổ chức lại quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân”.

“Những gì chúng tôi có thể làm mới là một bước đi rất nhỏ”, ông Bùi Minh Tiến nói. Theo ông, để mối liên kết thực sự có hiệu quả và mang lại lợi ích cao cho người nông dân, vẫn còn chặng đường dài và khó khăn phía trước phải vượt qua.

Nói về sự hợp tác này, ông Huỳnh Văn Thòn tin rằng mỗi công ty với thế mạnh khác nhau sẽ cùng chung sức tạo ra những giá trị mới cho nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.

“Có đi mới có đến, mục tiêu của chuỗi giá trị lúa gạo là nâng cao vị thế của người nông dân Việt Nam, đây thực sự là một chặng đường dài đầy cam go, thách thức. Việc có được người bạn đường quý giá như Đạm Cà Mau càng giúp chúng tôi vững vàng hơn trong hành trình cùng với nông dân đi đến tương lai”, ông Huỳnh Văn Thòn khẳng định.