Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là 1 trong 3 dự án kinh tế lớn giai đoạn 2000-2005 của Việt Nam. Dự án được PVN làm chủ đầu tư, bao gồm việc xây dựng đường ống dẫn khí bằng thép dài 325km (có 298km đi ngầm dưới biển), công suất vận chuyển tối đa 2 tỉ m³ khí/năm, đưa khí từ mỏ PM3 thuộc vùng chồng lấn Việt Nam và Malaysia vào Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau để cấp cho hai nhà máy nhiệt điện (Nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2) có công suất tổng cộng là 1.500MW cung cấp cho lưới điện quốc gia và một nhà máy sản xuất phân đạm công suất 800.000 tấn/năm, chiếm 40% sản lượng đạm cả nước.

Nhà máy xử lý khí Cà Mau

Đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau là một phần của Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau được Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro xây dựng. Dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3 đã được đưa tới trạm phân phối khí tại xã Khánh An vào ngày 2-5-2007 để cung cấp cho Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới cho nền kinh tế vùng cực Nam của Việt Nam.

Công ty Khí Cà Mau thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) là doanh nghệp được PVN giao vận hành hệ thống đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ khí, điện, đạm tại khu vực Cà Mau.

Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2

Từ khi vận hành vào năm 2008, Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 do Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau quản lý, luôn bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, hai nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 đã phát lên lưới điện quốc gia trên 70 tỉ kWh, chiếm trên 7% sản lượng điện trên cả nước. Việc vận hành hai nhà máy điện này đã góp phần giải tỏa áp lực thiếu điện của các tỉnh miền Nam.

Là mảnh ghép thứ ba của cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, năm 2011, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (tiền thân là Công ty TNHH Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC) được hình thành nhằm quản lý, vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau trong thời điểm thị trường phân bón trong nước và khu vực đang đứng trước những nguy cơ và thách thức rất lớn.

Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh Cà Mau. Là một dự án lớn, quan trọng, nhà máy đã tạo sự chủ động cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước.

Nhà máy Đạm Cà Mau

Sau 8 năm, từ lúc thương hiệu và sản phẩm mới chỉ hiện diện ở thị trường chính là Ðồng bằng sông Cửu Long và Ðông Nam Bộ, đến nay thương hiệu Ðạm Cà Mau đã mở rộng, phát triển ra toàn quốc và vươn ra thị trường khu vực, hiện chiếm tới 35% thị trường Campuchia và luôn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và dịch vụ.

8 năm qua, PVCFC đã sản xuất được gần 6 triệu tấn urea (quy đổi), đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Ðặc biệt, với sản lượng chiếm gần 40% thị trường phân bón cả nước, hoạt động ổn định của PVCFC có ý nghĩa rất lớn với ngành nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh đó, vào tháng 5-2018, Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) với công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm, đã khánh thành tại Khu công nghiệp Khánh An, ngay sát Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau với 100% vốn đầu tư từ PV GAS.

GPP Cà Mau đi vào vận hành chính thức đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của khí tự nhiên từ cụm mỏ PM3, cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 200.000 tấn LPG và 12.000 tấn condensate, bổ sung được khoảng 10% nhu cầu trong nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương; tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề liên quan đến các sản phẩm khí khô, LPG, condensate tại Cà Mau. Đây được xem là mảnh ghép hoàn thiện cuối cùng để Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đồng bộ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Nam Bộ.

Việc hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại một tỉnh ở cực Nam Tổ quốc, cách xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Cà Mau, tạo dấu ấn quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển. Không nằm ngoài kỳ vọng, hằng năm Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đóng góp cho ngân sách địa phương trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40-50% ngân sách của tỉnh Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, với chủ trương chung tay, chung sức vì sự phát triển cộng đồng, trong những năm qua, PVN nói chung, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty Khí Cà Mau, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau nói riêng, thường xuyên ủng hộ và hỗ trợ cho các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, cầu, đường giao thông nông thôn và các hoạt động xã hội, từ thiện khác trong vùng dự án cũng như tại các địa phương trong tỉnh.

Sự hình thành, phát triển của Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau còn là sự trưởng thành, mang lại những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp đội ngũ kỹ sư, người lao động Việt Nam dần đi đến làm chủ công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp khí, điện, đạm.

Với vai trò là đầu tàu năng lượng của nền kinh tế đất nước, trọng trách là tập đoàn kinh tế trụ cột, những công trình, dự án của PVN đang ngày càng chứng tỏ được vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đưa những nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường để phát triển nền kinh tế bền vững.

Hằng năm Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đóng góp cho ngân sách địa phương trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40-50% ngân sách của tỉnh Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nguồn Báo Mới