Từ một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn phân đạm nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng này, thậm chí còn dư thừa để xuất khẩu. Hàng loạt nhà máy sản xuất phân đạm đã và đang được xây dựng, đặc biệt Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đại nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động gần 2 năm qua đã cung cấp ra thị trường 0,8 triệu tấn Ure mỗi năm, bằng 40% nhu cầu phân bón Ure của cả nước, đã giải quyết triệt để tình trạng thiếu phân bón urê trên thị trường. 

Nhà máy phân bón hiện đại nhất Đông Nam Á
Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn urê/năm được xây dựng trên diện tích 52 ha với mức đầu tư 900,2 triệu USD. Là nhà máy mới nên ngay từ khi đặt đầu bài cho thiết kế và mua sắm, công nghệ áp dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau đều là công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA - Đan Mạch; Công nghệ sản xuất Urê của SAIPEM - Italy; Công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp - Nhật Bản. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho Nhà máy là các tiêu chuẩn Quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, PCCC của Việt Nam tương tự Nhà máy Đạm Phú Mỹ... và chỉ sau 1 năm vận hành chạy thử, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của Đạm Cà Mau làm chủ hoàn toàn công nghệ không thuê chuyên gia nước ngoài vận hành sau khi bàn giao nhà máy. Từ đó đã nhanh chóng đưa nhà máy đi vào quỹ đạo sản xuất đều đặn, an toàn, ổn định với 100% công suất, cung cấp liên tục cho bà con nông dân lượng lớn phân bón chất lượng cao, giá thành lại hợp lý, giúp giải quyết tình trạng chênh lệch cung cầu tại thị trường phân bón Việt Nam. 


 
Chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ
Mặc dù mới thành lập, còn nhiều khó khăn, đội ngũ CBCNV phải đảm nhiệm nhiều vai trò, tuy nhiên, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất luôn được ban lãnh đạo công ty khuyến khích đầu tư, phát triển. Nhiều đề tài, sáng kiến, sáng chế đã được công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất mang lợi ích cho công ty hàng trăm tỉ đồng. 

Công ty đã thành lập phòng Nghiên cứu Phát triển (R&D) và Hội đồng cố vấn khoa học kỹ thuật làm đầu mối triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu tại công ty đã được xây dựng bài bản: Phòng nghiên cứu sản phẩm, Vườn thực nghiệm, phòng thí nghiệm vi sinh và lập kế hoạch xây dựng, khu sản xuất thử nghiệm, Thí nghiệm trong phòng LAB, Thí nghiệm nhà lưới, Thí nghiệm đồng ruộng đánh giá hiệu quả trước khi đưa ra thị trường. Nhiều đề tài khoa học đang được đội ngũ cán bộ và nhân viên trong công ty nỗ lực nghiên cứu. Song song đó PVCFC cũng đã ký kết hợp tác với một số trường Đại học trong nước để có thêm nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai gần; hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, sự hợp tác này góp phần quan trọng vào mục tiêu đẩy mạnh công tác liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân vì sự phát triển bền vững.
Từ kết quả nghiên cứu phát triển công ty đã cho ra đời dòng sản phẩm mới, đã giúp PVCFC đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm năng lượng. Là thành viên có nhiều sáng kiến khoa học ứng dụng vào sản xuất, kỹ sư Nguyễn Duy Hải – Phó Ban Quản lý vận hành sản xuất chia sẻ: Từ sự khích lệ, động viên thích đángvà tạo điều kiện hết mức của lãnh đạo công ty cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu công việc, trong quá trình vận hành đòi hỏi phải cải tiến nhiều về mặt kỹ thuật, tìm tòi các giải pháp thay đổi một số chi tiết thiết kế, phương pháp đã cải thiện được chất lượng sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn công bố, giảm thời gian dừng tạo hạt để vệ sinh, tăng hiệu quả kinh tế cho Công ty. Cũng chính sự nhìn nhận và khen thưởng của lãnh đạo đã tạo thêm động lực cho anh em không ngừng phát huy sáng tạo.
 

Mô hình thí nghiệm sản phẩm Đạm Cà Mau
Theo ông Hoàng Trọng Dũng – Phó Tổng Giám đốc PVCFC chia sẻ: chung tay thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh cho Việt Nam là khát vọng của toàn thể cán bộ và nhân viên trong công ty PVCFC. “Nếu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý sẽ gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Đối với một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, trong 02 năm qua, Đạm Cà Mau đã không ngừng nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm thiểu tác hại cho đất nhờ cơ chế và tính năng của Đạm Cà Mau là phân giải chậm tăng thời gian hấp thu cho cây trồng từ đó bà con khi sử dụng đạm hạt đục sẽ tiết kiệm được lượng phân bón, tăng hiệu quả sản xuất”. 

Tạo dựng được niềm tin trong nông dân
Chỉ sau 1,5 năm đi vào vận hành đến cuối tháng 7/2013, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cán mốc sản lượng 1 triệu tấn. Kết thúc năm 2013, Đạm Cà Mau về đích sớm với tất cả chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều vượt kế hoạch được giao. Năm 2013, PVCFC sản xuất được 780 nghìn tấn sản phẩm urê chất lượng cao, đạt 104% kế hoạch với sản lượng tiêu thụ 750 nghìn tấn, đạt 101% kế hoạch với tổng doanh thu đạt 6.444 tỷ đồng.  
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong năm 2013 vừa qua, 40% lượng phân bón được nông dân cả nước sử dụng là nguồn từ PVCFC. Đặc biệt, đạm Cà Mau đã phủ kín thị trường phân bón các tỉnh ĐBSCL. Khảo sát của Cục Trồng trọt cho thấy đạm Cà Mau có ưu thế hơn so với việc sử dụng các loại phân đạm khác đặc biệt là màu xanh bền trên tán lá và năng suất tăng cao hơn từ 5 – 10%. Nông dân tỏ ra rất thích vì hàm lượng chất gây bạc màu đất rất thấp, lượng phân bón tiết kiệm được trong quá trình sử dụng, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất… Ông Tư Thống là một trong nhiều nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã nhận ra khác biệt vượt trội của Đạm Cà Mau so với các sản phẩm khác. Ông Thống chia sẻ: “Tôi đã xài Đạm Cà Mau 4 vụ. Đều thấy bón Đạm Cà Mau cây ăn từ từ nên chậm bắt hơn (lá lúa chậm xanh) nhưng màu xanh trên lá bền hơn, đặc tính này cũng là một trong những yếu tố tiết kiệm phân bón đến trên 10% mỗi vụ. Mặc khác, bón đạm Cà Mau ít sâu bệnh hơn và năng suất cao hơn thấy rõ. Với gần 6 công ruộng, thu hoạch trên 50 giạ, năng suất này chưa từng có trước khi dùng Đạm Cà Mau”. 
Song song với nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh, hơn 2 năm qua, công ty triển khai tốt các hoạt động an sinh xã hội với tổng trị giá trên 40 tỷ đồng tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, người nghèo; xây dựng trường học, trung tâm Y tế, học bổng cho HSSV. Với những thành tích vượt bậc đó, PVCFC đã nhận được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng. Trong hơn 1 ngàn doanh nghiệp được đề xuất, PVCFC được bình chọn là 1 trong 50 doanh nghiệp được vinh danh trong hoạt động vì cộng đồng năm 2013. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc của PVCFC đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương; bằng khen của Bộ Công Thương; bằng khen của Tập đoàn; cờ và bằng khen toàn diện của Công đoàn Dầu khí. 
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam