BÁO CÁO CỦA BAN TỔNG GIÁM ĐỐC

ĐÁNH GIÁ CHUNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH VỀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SXKD

ĐÁNH GIÁ VỊ THẾ/SO SÁNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY SO VỚI CÁC DOANH NGHIỆP CÙNG NGÀNH

TỔNG SẢN LƯỢNG TIÊU THỤ ĐẠT

0

nghìn tấn sản phẩm các loại

Phân bón Cà Mau là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành phân bón Việt Nam, hiện đang dẫn đầu về sản lượng và thị phần trong nước, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh thu và lợi nhuận của Công ty luôn tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Trong năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.325,3 nghìn tấn sản phẩm các loại, tăng trưởng 5% so với năm 2023. Xuất khẩu ước cả năm đạt 319 nghìn tấn, chiếm 24% tổng sản lượng tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Thị phần Phân bón Cà Mau trong nước năm 2024 ước đạt khoảng 10,62%. Trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhất là chiến dịch nhập khẩu các sản phẩm phân bón giá rẻ từ nhiều nguồn, thế nhưng với chiến lược truyền thông sáng tạo, các dòng sản phẩm phân bón mang thương hiệu Phân bón Cà Mau thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng và bà con nông dân.

ĐẶC BIỆT SẢN PHẨM PHÂN BÓN CÀ MAU LẦN ĐẦU TIÊN THÂM NHẬP ĐƯỢC VÀO
CÁC THỊ TRƯỜNG ĐÒI HỎI TIÊU CHUẨN KHẮT KHE NHƯ ÚC, NEW ZEALAND.

Về thị trường tiêu thụ:PVCFC tiếp tục duy trì các thị trường mục tiêu chiến lược bao gồm: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Campuchia và chủ động mở rộng khai thác, phát triển các thị trường ở khu vực miền Trung, miền Bắc. Tiếp tục phát triển mở rộng kinh doanh quốc tế, đến nay PVCFC đã xuất khẩu sang gần 20 quốc gia, đặc biệt sản phẩm Phân bón Cà Mau lần đầu tiên thâm nhập được vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như Úc, New Zealand. Đối với hợp tác kinh doanh quốc tế, PVCFC đã hợp tác với công ty Samsung phân phối phân bón ra toàn cầu, theo đó Samsung sẽ xuất khẩu sản phẩm do PVCFC sản xuất như NPK, Urea hạt đục... ra thị trường thế giới, ngược lại, PVCFC sẽ nhập khẩu Urea, DAP, MOP, Amsul từ Samsung để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh thương mại. Ngoài ra, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh và chất lượng cao, PVCFC đã ký độc quyền phân phối sản phẩm DAP 64 vàng/tự nhiên với Tập đoàn phân bón hóa chất hàng đầu thế giới Vân Thiên Hóa.

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI ĐẠI LÝ CẤP 1 HƠN

đại lý, và hàng trăm đại lý cấp 2 được triển khai rộng khắp các vùng miền.

Về hệ thống phân phối: PVCFC hiện đang sở hữu hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp từ Bắc vào Nam và Campuchia. Hệ thống phân phối đại lý cấp 1 hơn 90 đại lý, và hàng trăm đại lý cấp 2 được triển khai rộng khắp các vùng miền. PVCFC tiếp tục mở rộng kênh phân phối sản phẩm B2B, cung cấp các giải pháp cho các nông trường và các doanh nghiệp sản xuất NPK, bước đầu đã thiết lập hợp tác với 03 khách hàng lớn như Thành Thành Công, ThaAgri, Vinacomin. Ngoài ra, với việc mở rộng kinh doanh cửa hàng Siêu thị Nông nghiệp đô thị, PVCFC nghiên cứu, phát triển kênh bán hàng trực tuyến online cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng tiến tới cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao cho thị trường trong nước.

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY SO VỚI KẾ HOẠCH VÀ CÁC KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SXKD 2023

Năm 2024, PVCFC đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đại hội đồng cổ đông đề ra với doanh thu và lợi nhuận tiêu biểu như sau

ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NHƯ SAU

CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN HÀNH SẢN XUẤT

Trong năm 2024, Nhà máy vận hành an toàn, ổn định với công suất bình quân 115% cao hơn so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2023 dù từ đầu năm đến nay, giàn shutdown 33 lần (435,6 giờ), số giờ tăng 111% so với năm 2023 (206,1 giờ). Công tác Bảo dưỡng tổng thể đã hoàn thành 3.202 hạng mục với hơn 1.700 nhân sự tham gia, có sản phẩm sớm hơn 2,5 ngày và tiết giảm được 18% chi phí so với dự toán. Ngày 25/12/2024, PVCFC đạt 11 triệu tấn sản xuất urea quy đổi sau gần 13 năm vận hành và dự kiến hết năm 2024 đạt 956 nghìn tấn, vượt kỷ lục sản xuất urea quy đổi từ khi đưa Nhà máy vào vận hành đến nay. Phân xưởng sản xuất NPK hoạt động ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản xuất đạt hơn 207 nghìn tấn, đạt 110% KH, đạt 137% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm được đánh giá tốt về mặt chất lượng và được nông dân đón nhận tích cực.

Hoạt động tối ưu hóa luôn là ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quan trọng nhằm nâng công suất, gia tăng thêm sản lượng, tối ưu sử dụng nguồn nguyên nhiên liệu, cải tiến chất lượng sản phẩm. PVCFC đã triển khai nhiều đề án tối ưu hóa để tiết giảm tiêu hao, tối ưu năng suất thiết bị, máy móc, nâng công suất vận hành. Trong năm 2024, hoàn thành đưa vào hoạt động 10 hạng mục cải hoán. Thi công dự án Dự án sản xuất CO2 thực phẩm; hoàn thành phê duyệt FS (Feasibility Study – nghiên cứu khả thi) dự án sản xuất khí công nghiệp. Ngoài ra, đang thực hiện lựa chọn tư vấn triển khai lập FS dự án nâng công suất nhà máy lên 125%.

Với định hướng đúng và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, tính từ năm 2021 đến nay, công suất vận hành tăng từ 109% lên 115% so với thiết kế, tiêu hao năng lượng năm 2021 là 22,215 GJ/tấn urea bao giảm xuống còn 21,78 GJ/tấn urea bao năm 2024, tiết giảm tiêu hao năm 2024 đạt 4,32% so với định mức 22,763 GJ/tấn urea bao năm 2024.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ KINH DOANH - TIẾP THỊ TRUYỀN THÔNG

TỔNG SẢN LƯỢNG TIÊU THỤ ƯỚC ĐẠT

0

triệu tấn

SẢN PHẨM CÁC LOẠI, TĂNG TRƯỞNG 5% SO VỚI NĂM 2023

Xuất khẩu cả năm đạt 319 nghìn tấn, chiếm 24% tổng sản lượng tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh. PVCFC là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận Chứng chỉ xuất khẩu hàng rời vào thị trường Úc, đánh dấu có mặt tại gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. PVCFC tiếp tục là đối tác độc quyền dài hạn với Tập đoàn lớn hàng đầu Vân Thiên Hóa về phân phối DAP chất lượng cao tại Việt Nam. Đặc biệt, Công ty Samsung C&T trở thành đối tác chiến lược để phân phối Phân bón Cà Mau trên thị trường thế giới đã thể hiện vị thế, uy tín của PVCFC trên thị trường phân bón Việt Nam và thế giới.

NPK CỦA PHÂN BÓN CÀ MAU ĐỨNG THỨ 2 THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC VỚI

0

nghìn tấn/năm

CHỈ SAU HƠN 3 NĂM THAM GIA THỊ TRƯỜNG

Thị trường tiêu thụ NPK dư cung lớn, cạnh tranh gay gắt, không chỉ với các đơn vị sản xuất nội địa và còn chịu sự cạnh tranh rất lớn hàng NPK giá rẻ của Nga và Hàn Quốc. Nhưng bằng những chiến dịch truyền thông sáng tạo và hấp dẫn, các chương trình phát triển thương hiệu như: Mùa vàng thắng lớn, Bí kíp vàng, Mùa vàng thịnh vượng, các hoạt động trải nghiệm cho phân dùng thử, tham quan thực tế tại Nhà máy…, các hoạt động xúc tiến bán hàng thiết thực hướng đến kênh phân phối, khách hàng nông dân đã góp phần quan trọng đưa NPK của Phân bón Cà Mau đứng thứ 2 thị trường trong nước với 175,8 nghìn tấn/năm chỉ sau hơn 3 năm tham gia thị trường. Thị phần Phân bón Cà Mau trong nước hết năm 2024 đạt khoảng 10,62%.

PVCFC tối đa hóa việc sử dụng, khai thác các nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh như hệ thống ERP, Eoffice, DMS, CRM, App 2Nong, RFID, Data Lake; BI và vừa chính thức ra mắt AI chẩn đoán sâu bệnh vào ngày 17/12/2024. Ra mắt Siêu thị Nông nghiệp Đô thị đầu tiên, đánh dấu việc PVCFC không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện chuỗi cung ứng và giải pháp dịch vụ nông nghiệp.

HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Ngoài việc mở rộng thị phần, kinh doanh quốc tế, ứng dụng công nghệ và dịch chuyển nền tảng kinh doanh phù hợp với xu hướng thì PVCFC lựa chọn đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Chúng tôi đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sản xuất, tiến hành bổ sung hệ thống kho cảng đầu mối; đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định; mua mới Văn phòng tại TP. HCM phù hợp với quy mô phát triển của Công ty trong tương lai; mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt (KVF) sản xuất sản phẩm NPK Hàn-Việt. Các hạng mục mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động quản trị, an ninh an toàn mạng vẫn thực hiện theo kế hoạch đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn, ngày càng cải tiến và số hóa các hoạt động quản trị, nâng cao năng suất lao động.

Image 4
CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ KHÁC

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại PVCFC

PVCFC đưa vào sử dụng phần mềm quản trị rủi ro; phân hệ quản trị mục tiêu; phân hệ quản trị mua sắm, nâng tổng số phân hệ được tích hợp trên Eoffice là 21 phân hệ nhằm đồng bộ hóa hệ thống CNTT và nâng cao hơn hiệu quả quản trị hệ thống. Golive hệ thống Data Platform, trong đó có DWH trên nền tảng Microsoft Azure; PI system của Osisoft; thực hiện các dự án xây dựng báo cáo quản trị; kich-off dự án OKR&KPI.

Phân bón Cà Mau là một trong số các doanh nghiệp sớm tiếp cận, nghiên cứu và tích hợp ESG (Environmental, Social, and Governance/Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược phát triển. Tinh gọn, chuẩn hóa toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm nội bộ; từng bước số hóa các quy trình quy chế. xây dựng ma trận phân quyền (RACI) giữa HĐQT, Ban Tổng Giám đốc. Ngày 16/11/2024 Phân bón Cà Mau được vinh danh cả ba hạng mục: Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất năm 2024; Giải Doanh nghiệp quản trị công ty vượt trên tuân thủ, Giải Doanh nghiệp Báo cáo tin cậy cao nhất Báo cáo phát triển bền vững đã thêm khẳng định và tiếp động lực để tập thể Ban lãnh đạo và CBCNV PVCFC tập trung mọi nỗ lực phát triển Công ty đoàn kết thực hiện thành công mục tiêu sứ mệnh và định hướng chiến lược.

Hoạt động Đổi mới - Sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến khoa học công nghệ với các thành tựu như có 03 giải thưởng Sáng tạo Việt Nam (Vifotec), 10 cải hoán đưa vào ứng dụng; 57 sáng kiến được ghi nhận trong hoạt động quản trị, kinh doanh.

PVCFC xây dựng kế hoạch triển khai Văn hóa doanh nghiệp năm 2024 vừa có tính kế thừa, giao thoa với văn hóa PVN vừa mang bản sắc riêng biệt, sáng tạo và đổi mới cách làm giúp hành trình kiến tạo giá trị rất độc đáo và rõ nét. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông văn hóa doanh nghiệp: 100% CBCNV được đào tạo Bộ quy tắc Ứng xử kinh doanh COC trên hệ thống Elearning; Hội thảo “Văn hóa PVCFC - Từ thấu hiểu đến cam kết hành động”; Tổ chức đào tạo văn hóa kết hợp với teambuilding thông qua chuỗi chương trình “Kiến tạo giá trị” qua đó mỗi CBCNV được vun bồi về thể chất, trí tuệ, sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tăng cường kết nối, đoàn kết chia sẻ giúp đỡ nhau. Tập thể Người lao động PVCFC tích cực tham gia cuộc thi “Tự hào Petrovietnam” và đạt thành tích: 01 giải nhì cho tập thể có số lượng video, clip tham gia nhiều nhất và 01 giải ba cá nhân.

Năm 2024, PVCFC được VCCI vinh danh ở Top 10 “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” và đây là lần thứ 5 Phân bón Cà Mau được vinh danh ở hạng mục này. Là một trong 10 doanh nghiệp được tặng Bằng khen thực hiện tốt pháp luật lao động và làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động năm 2024.

Tái cấu trúc liên tục là điều tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong một thế giới kinh doanh đầy biến động. Tái cấu trúc giúp cho PVCFC tìm kiếm các giải pháp linh hoạt thích nghi với sự thay đổi của thị trường, sự thay đổi của công nghệ, ứng phó với các rủi ro nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, duy trì được lợi thế cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự đổi mới và phát triển dài hạn, bền vững. Trong năm 2024, PVCFC tiếp tục tái cấu trúc về chiến lược, hoạt động và tổ chức, nguồn lực, cụ thể:

Rà soát tình hình thực hiện kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 và đề ra các giải pháp căn cơ để thực hiện hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Nghiên cứu định hướng, phân tích những cơ hội và thách thức, xu hướng dịch chuyển để thiết lập mục tiêu và chỉ tiêu cho giai đoạn 2026 - 2030 để báo cáo cổ đông. Nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, từ tập trung sản phẩm phân bón truyền thống sang các sản phẩm phân bón lá, phân bón hòa tan và bộ giải pháp cho Nông nghiệp đô thị.

Trong hoạt động, Công ty liên tục rà soát điều chỉnh hoàn thiện hệ thống quy trình quy chế (chuẩn hóa hệ thống văn bản quy phạm nội bộ, sửa đổi bổ sung và ban hành 17 quy chế, 01 quy trình); ứng dụng công nghệ, số hóa vào mọi hoạt động từ đầu vào tới đầu ra (TPM, CMMS, MMS, PI system của Osisoft; ERP, Eoffice, Power BI; DMS, CRM, App 2Nông, người nhân tạo “Anh Hai Cà Mau”, AI chẩn đoán sâu bệnh…). Năm 2025, PVCFC sẽ xây dựng và đưa vào ứng dụng nhà máy sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, PVCFC tiến hành tái cấu trúc tổ chức thay đổi cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy quản lý, phân cấp quyền lực, hoặc thành lập các phòng ban mới để tối ưu hóa hoạt động và phù hợp với xu thế quản trị gồm: thành lập Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và cập nhật Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt là Công ty con do PVCFC nắm giữ 100% Vốn điều lệ; Thành lập Văn phòng HĐQT; Ban Sản phẩm mới và Giải pháp Dịch vụ nông nghiệp (SPM); Thành lập Chi nhánh Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Nhà máy Đạm Cà Mau; thành lập Văn phòng đại diện tại Campuchia.

Công tác tái cấu trúc

Nghiên cứu đa dạng hóa nhóm sản phẩm phân bón chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp: sản phẩm chứa Nitrate từ nguồn NH3 gia tăng khi nâng công suất của nhà máy như: SOP, HNO3, CAN, UAN, DMC… trong đó đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu cơ hội sản xuất SOP và đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư dự án để có thể sớm đưa sản phẩm tham gia vào phân khúc thị trường phân bón chất lượng cao.

Công tác tái cấu trúc

Tiếp tục nghiên cứu bộ sản phẩm NPK chuyên dùng cho cây ăn trái và cây rau; NPK chuyên dùng cho cây lúa thực hiện đánh giá hiệu quả chuyên dùng lên cây lúa trong điều kiện nhà lưới, NPK hòa tan, sản phẩm kích thích sinh trưởng và phân bón lá phục vụ phun tưới tự động, triển khai mô hình trình diễn nhằm thâm nhập thị trường cho các dòng NPK cao cấp. PVCFC hiện đã sản xuất được 35/64 công thức NPK đăng ký lưu hành.

Tháng 01/2025 là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu mới của PVCFC trong phân khúc kinh doanh đầy tiềm năng - Nông nghiệp đô thị. Với bộ sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tối ưu theo hướng đô thị thông minh, dễ áp dụng, hiệu quả, phù hợp với từng điều kiện, không gian sống của mỗi gia đình, gồm có: các dòng phân bón chất lượng với thiết kế và dung tích phù hợp với nhu cầu khách hàng đô thị; nhóm sản phẩm bảo vệ cây trồng thế hệ mới an toàn cho người sử dụng; nhóm phân bón vô cơ hữu cơ/vi sinh cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trồng phát triển khỏe mạnh và an toàn; các loại giá thể và hạt giống đa dạng với chất lượng cao; dụng cụ làm vườn đầy đủ cho mọi nhu cầu trồng trọt và chăm sóc cây, các giải pháp trồng trọt ứng dụng công nghệ cao phù hợp với nhiều điều kiện trồng trọt cùng dịch vụ tư vấn kỹ thuật chuyên nghiệp. Tại đây, PVCFC không chỉ tập trung bán phân bón mà còn đầu tư cho việc cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cây trồng hướng đến dịch vụ, giải pháp canh tác toàn diện từ nông thôn sản xuất lớn cho đến thành thị.

Tổng số tiền tiết kiệm/tiết giảm được 248,36 tỷ đồng (trong đó từ tiết giảm định mức nguyên nhiên vật liệu là 239,37 tỷ đồng; từ nhiên liệu và năng lượng là 8,99 tỷ đồng). Công ty đã xây dựng và giao kế hoạch chi phí đến từng đơn vị để giao thành chỉ tiêu thực hiện và kiểm soát; rà soát và quản lý các khoản chi phí phát sinh đảm bảo đúng quy định và kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện cân đối dòng tiền để có giải pháp quản lý, sử dụng linh hoạt, hiệu quả.

PVCFC chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ. Nghiên cứu xây dựng data nguồn nhân lực sẵn sàng bổ sung và tiếp nhận công việc khi Công ty có nhu cầu đặc biệt các lĩnh vực mới như chế biến sau thu hoạch, nhân sự các trại thực nghiệm, nông nghiệp đô thị; các nhân sự kinh doanh quốc tế, chuyển đổi số. Đào tạo phát triển giảng viên nội bộ Công ty vừa góp phần phát triển bản thân cho mỗi CBCNV đồng thời góp phần xây dựng Công ty là một tổ chức Học tập - Dẫn đầu - Sáng tạo.

Chúng tôi nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân sự bằng các hoạt động đào tạo đối với các vị trí nhân sự chủ chốt đều có thể đảm nhận được nhiều cương vị công việc và luân chuyển công việc. Tổ chức đào tạo cho đội ngũ chuyên gia và giảng viên nội bộ để nâng cao kỹ năng. Rà soát cập nhật ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chuyên gia. Phê duyệt bổ sung lĩnh vực và nhân sự quy hoạch chuyên gia đến năm 2025 là 55 người thuộc 30 lĩnh vực.

PVCFC tạo điều kiện cho các ứng viên/chuyên gia tham gia các đề tài nghiên cứu, cải hoán, tối ưu hóa cũng như cử các ứng viên/chuyên gia tham gia các hoạt động dịch vụ bảo dưỡng, vận hành, tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị Nhiệt điện Thái Bình 2, BSR, VNPOLY, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn… vừa chia sẻ học hỏi lẫn nhau đồng thời PVCFC tổ chức hội thảo với cá đơn vị như NSRP, PVFCCo, Nhà máy PuPuk Kaltim tại Indonesia nhằm phát triển đội ngũ nhân sự có bề dày kỹ năng, kinh nghiệm vừa thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của công ty và góp phần xây dựng và sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia tại các đơn vị và trong Tập đoàn.

Đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản

  • Năm 2024, hoạt động kinh doanh của Công ty được đẩy mạnh và hiệu quả, tổng tài sản hợp nhất đạt 15.729 tỷ đồng, tăng 3.2% so với 31/12/2023. Tỷ lệ doanh thu thuần / tổng tài sản của Công ty đạt 0.86 lần, tăng 3.7% so với năm 2023.
  • Vốn lưu động dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 57% cấu trúc vốn, có thể hỗ trợ tất cả các hoạt động duy trì sản xuất cũng như các hoạt động đầu tư mới để mở rộng kinh doanh.
  • Các chỉ tiêu khả năng sinh lời được cải thiện mạnh mẽ, cụ thể ROA đạt 9,22%, ROE đạt 14,18%, ROS đạt 10,61%.

Nợ phải trả/phải thu xấu/tài sản xấu ảnh hướng đến kết quả hoạt động kinh doanh

  • Nợ phải trả của Công ty luôn được xử lý đúng hạn. Tỷ lệ nợ phải trả của Công ty cuối năm 2024 duy trì ở mức 35%, tương đương với năm 2023 đảm bảo ổn định trong việc quản lý các khoản phải trả.
  • Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả của Công ty đạt khoảng 1,8 lần cho thấy cấu trúc tài chính duy trì an toàn.

Tình hình nợ hiện tại / biến động lớn về các khoản nợ

  • Trong năm 2024, bên cạnh các khoản vay ngắn hạn cho nhu cầu vốn lưu động trong kì sản xuất kinh doanh, với mục đích mua phần vốn góp tại KVF nên Công ty đã thực hiện một khoản vay trung dài hạn làm gia tăng lượng nợ vay nhưng tỷ lệ nợ trên tổng tài sản và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức thấp, lần lượt là 8.6% và 13.3%
 Trách nhiệm xã hội

Tình hình các khoản phải thu

  • Công ty tiếp tục thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro phát sinh các khoản phải thu khó đòi.

Ảnh hưởng chênh lệch của FX

  • Ngoài thị trường nội địa chủ chốt, Công ty có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nhưng đảm bảo sự cân bằng nên ảnh hưởng từ vấn đề tỷ giá không đáng kể.

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ LIÊN QUAN ĐẾN TRÁCH NHIỆM VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI CỦA CÔNG TY

Trên hành trình kiến tạo giá trị, ngoài mục tiêu tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, PVCFC không ngừng nỗ lực để tạo ra những giá trị lâu dài cho xã hội, trách nhiệm doanh nghiệp đặt trên hai nền tảng chính: cống hiến cho xã hội và gìn giữ môi trường.

TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI (CSR)
  • Hỗ trợ nông dân: Không chỉ cung cấp sản phẩm phân bón chất lượng cao, Công ty còn đồng hành cùng bà con trong việc tổ chức các chương trình tập huấn, livestream chia sẻ kỹ thuật trồng trọt và truyền thông về các mô hình trình diễn, khuyến cáo bón phân đúng đủ và phù hợp từng giai đoạn, phát triển các ứng dụng như app 2Nông, AI chẩn đoán sâu bệnh… Nhờ đó, người nông dân có thể được trang bị kiến thức và kỹ năng tối ưu hóa canh tác, đạt năng suất tốt nhất.
  • Đóng góp phần vào hệ thống giáo dục: thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục tỉnh Cà Mau về chương trình xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông qua các hoạt động: Xây dựng 10 Câu lạc bộ “Sách và hành động” tại các trường THPT và chương trình tham quan và tìm hiểu nghề cho hơn 1.500 học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau; duy trì thường xuyên các hoạt động tiếp sức đến trường vào đầu mỗi năm học; dành một quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên trên cả nước cấp học bổng cho sinh viên với mong muốn gieo mầm cho thế hệ trẻ.
  • Các hoạt động an sinh xã hội khác: Công ty thường xuyên đồng hành trong các chương trình như xây trường học, bệnh viện và hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ, khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng sau bão Yagi. Hỗ trợ kinh phí lắp đặt đèn chiếu sáng đường, cầu giao thông nông thôn trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ nông dân ĐBSCL vùng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt… Thông qua các hoạt động an sinh xã hội, PVCFC vừa giúp đỡ cộng đồng vừa đưa hình ảnh Phân bón Cà Mau đến gần hơn với bà con nông dân. PVCFC đóng góp 300.000 cây xanh từ năm 2022 - 2025 hưởng ứng đề án “1 tỷ cây Xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
TRÁCH NHIỆM VỚI MÔI TRƯỜNG
  • Không ngừng nghiên cứu cải tiến, đầu tư công nghệ hiện đại và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tích cực tham gia các chương trình giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động môi trường. Trong đó, có thể kể đến như: triển khai đầu tư dự án sản xuất CO2 thực phẩm, nghiên cứu khả năng thu hồi CO2 trong dòng Fuel gas/Natural gas; nghiên cứu sản xuất gia công pilot sản xuất thử nghiệm H2 đồng thời nghiên cứu đánh giá tính khả thi tích hợp H2 từ điện phân/H2 xanh vào dự án nâng công suất xưởng NH3 lên 125%; tìm hiểu thị trường (nguyên liệu và sản phẩm) trao đổi với Nhà bản quyền công nghệ đánh giá về mặt kỹ thuật khả năng sản xuất hóa chất (Sorbitol) từ nguồn H2, CNTs từ nguồn CH4 tại Nhà máy Đạm Cà Mau.
  • Công tác an ninh, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ: luôn được giám sát chặt chẽ đảm bảo Nhà máy được vận hành an toàn, ổn định, giữ gìn môi trường bên trong nhà máy ngăn nắp, sạch sẽ và không tác động đến môi trường xung quanh. Trong năm qua, FVCFC không xảy ra tai nạn, sự cố nào ảnh hưởng đến giờ công lao động. Công ty luôn giám sát và quản lý chặt chẽ các nhà thầu để đảm bảo an toàn, chất lượng cho các dự án đang triển khai. Duy trì và cải tiến hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015, hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018.
  • Công ty đã thực hiện lắp đặt 5 trạm quan trắc môi trường tự động (3 trạm khí và 2 trạm nước) các hệ thống quan trắc tự động, liên tục giám sát khí thải, nước thải truyền trực tiếp dữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Cà Mau. Thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì thương phẩm mà Công ty sử dụng thông qua việc kê khai khối lượng bao bì tái chế trên cổng EPR của Bộ Tài nguyên Môi trường. Thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm theo đúng cam kết đánh giá tác động môi trường, kết quả quan trắc định kỳ được công khai trên Website Công ty. Ngoài ra, để đảm bảo tính chặt chẽ hơn trong công tác kiểm soát xả thải, nhà máy thực hiện lấy mẫu phân tích định kỳ trong từng ca trực nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các thông số xả thải luôn đạt theo các quy định của pháp luật hiện hành. Đối với chất thải rắn (chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại) đều được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định.

Tính đến nay, Nhà máy luôn hoạt động an toàn và ổn định, chưa có sự cố lớn nào về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, cháy nổ hay môi trường xảy ra. Các chỉ tiêu về môi trường luôn đạt theo các Quy chuẩn hiện hành, được các cơ quan chức năng ghi nhận thực hiện tốt công tác an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường thông qua các đợt kiểm tra, đánh giá chuyên ngành và liên ngành của các tổ chức độc lập và cơ quan quản lý nhà nước.

KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2025

Bước vào năm 2025 với tình hình chính trị thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, chiến tranh, xung đột vẫn kéo dài. Các điều kiện về thời tiết, khí hậu có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan và khó dự đoán; cạnh tranh nguồn khí cho sản xuất điện/đạm. Dự báo giá dầu sẽ bước vào chu kỳ tăng mới cũng sẽ tác động lớn tới hiệu quả SXKD. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực cả trong và ngoài nước khi Chính phủ mới của Hoa Kỳ với chính sách ủng hộ hòa bình, phát triển kinh tế. Trong nước, các cải cách tinh gọn bộ máy; các chỉ đạo quyết liệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư của Chính phủ; các hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu AI; đặc biệt Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ giúp kích cầu do nông dân được hưởng lợi từ giá phân bón; doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu; xu hướng tiêu dùng xanh, nông nghiệp chính xác, giải pháp dinh dưỡng cây trồng là những điểm sáng để bước vào năm 2025 trong tâm thế xây dựng PVCFC với “Khát vọng lớn mạnh - Nhanh hơn, Hiệu quả hơn”, bước đệm quan trọng cho năm cuối giai đoạn 2021 - 2025 bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giai đoạn 2026 - 2030. Đồng hành cùng với mục tiêu của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau tiếp tục đặt ra kế hoạch 2025 với các nhóm nhiệm vụ mục tiêu, giải pháp và chỉ tiêu tương đối thách thức để trình ĐHĐCĐ như sau, cụ thể:

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2025

Vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau, đảm bảo công tác sản xuất các loại sản phẩm hiện tại của Công ty (Urea, Đạm chức năng và NPK) hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất hoạt động của nhà máy.

Tập trung triển khai các phương thức quản trị: quản trị biến động, quản trị chuỗi giá trị, quản trị hệ sinh thái, quản trị dựa trên nền tảng số...; Quán triệt phương châm “làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới” sẵn sàng chuyển dịch mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế chuyển đổi, phát triển hiện đại.

Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch quản trị hàng năm của Tập đoàn và đơn vị. Tập trung kiểm soát chi phí một cách có hiệu quả, đặc biệt các trung tâm chi phí lớn; giảm thiểu những thiệt hại do tác động của thị trường.

Cải tiến và tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng đến năm 2025 tiết giảm được 5% so với định mức năm 2022.

Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên, nhiên liệu cho sản xuất urea, NPK, tăng tính linh hoạt, chủ động và bền vững trong hoạt động SXKD, có tính đến dịch chuyển sản xuất xanh.

Phát triển đa dạng hóa các nhóm sản phẩm phân bón trên nền tảng urea, NPK; Phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh; Dòng sản phẩm kích thích sinh trưởng và phân bón lá; Dòng sản phẩm phân bón hòa tan.

Xây dựng giải pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở giải pháp dinh dưỡng cây trồng và tiến bộ khoa học công nghệ.

Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước lân cận và khu vực, cung cấp đa dạng các loại phân bón trên nền urê và NPK hữu cơ vi sinh.

Hoàn thành chiến lược phát triển thương hiệu, triển khai phát triển thương hiệu cho các nhóm sản phẩm, ngành hàng. Mức độ nhận biết cao nhất của Thương hiệu Phân bón Cà Mau (TOM -Top of Mind). Đến năm 2025 đạt Top 1 của TOM.

Đẩy mạnh công tác đầu tư, song song củng cố hệ thống quản trị danh mục đầu tư; Đầu tư có chọn lọc hệ thống các Dự án kho - cảng (Nhơn Trạch, Bình Định). NĐDPV rà soát, đánh giá thận trọng, toàn diện trong khả năng cân đối vốn đầu tư đảm bảo triển khai đầu tư hiệu quả theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nghiên cứu Dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau đảm bảo khả thi, hiệu quả kinh tế để gia tăng giá trị nguồn vốn đầu tư.

Hoàn thiện và triển khai tái cấu trúc mô hình chuyển đổi Công ty để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn phù hợp chiến lược phát triển.

Hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu Data warehouse và kết nối các hệ thống ứng dụng phục vụ công tác quản trị; Chuẩn hóa hệ thống dữ liệu tập trung phục vụ nhu cầu phân tích, dự báo; Hoàn thiện mô hình DWH chung cho toàn Công ty. Đánh giá, xây dựng và áp dụng Nhà máy thông minh Đạm Cà Mau.

Tiếp tục duy trì văn hóa công ty tạo môi trường và động lực phát triển bền vững.

CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH NĂM 2025 CỦA PVCFC

Chỉ tiêu sản lượng

STT CHỈ TIÊU ĐƠN VỊ TÍNH KẾ HOẠCH 2025
I CHỈ TIÊU SẢN LƯỢNG
1 Sản xuất các sản phẩm
1.1 Urea quy đổi Nghìn tấn 910
Trong đó - Đạm chức năng Nghìn tấn 120
1.2 NPK (PVCFC sản xuất) Nghìn tấn 220
1.3 NPK (KVF sản xuất) Nghìn tấn 120
2 Tiêu thụ sản phẩm
2.1 Urea Nghìn tấn 759
2.2 Đạm chức năng Nghìn tấn 120
2.3 NPK (PVCFC sản xuất) Nghìn tấn 220
2.4 NPK (KVF sản xuất) Nghìn tấn 120
2.5 Phân bón tự doanh Nghìn tấn 280

Kế hoạch tài chính

STT CHỈ TIÊU ĐƠN VỊ TÍNH KẾ HOẠCH 2025
I CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH (CÔNG TY HỢP NHẤT)
1 Tổng doanh thu Tỷ đồng 13.983
2 Lợi nhuận trước thuế Tỷ đồng 864
2 Lợi nhuận sau thuế Tỷ đồng 774
II CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH (CÔNG TY MẸ)
1 Vốn chủ sở hữu Tỷ đồng 9.972
2 Tổng doanh thu Tỷ đồng 13.251
3 Lợi nhuận trước thuế Tỷ đồng 853
4 Lợi nhuận sau thuế Tỷ đồng 764
5 Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn CSHCK % 9%
6 Quỹ ĐTPT (30% LNST) Tỷ đồng 229
7 Đầu tư XDCB và MS TTB
7.1 Tổng nhu cầu vốn đầu tư Tỷ đồng 771
- Đầu tư XDCB và Mua sắm TTB Tỷ đồng 771
- Đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên Tỷ đồng -
7.2 Nguồn vốn đầu tư Tỷ đồng 771
- Vốn Chủ sở hữu Tỷ đồng 395
- Vốn vay và khác Tỷ đồng 376
KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DÀI HẠN

Với kết quả đầu tư đạt được, năm 2025 PVCFC tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp (5 dự án nhóm B và 2 dự án nhóm C) và triển khai 5 dự án mới (2 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm C); chuẩn bị tìm kiếm cơ hội đầu tư 7 dự án, cụ thể như sau:

Các dự án chuyển tiếp

STT TÊN DỰ ÁN NHÓM
I DỰ ÁN CHUYỂN TIẾP
1 Dự án Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hóa -PVCFC B
2 Dự án Nhà máy sản xuất và Kho cảng PVCFC- Nhơn Trạch B
3 Mở rộng mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm Nhà máy Đạm Cà Mau (Line A&D) B
4 Dự án Kho bổ sung 12.000 tấn B
5 Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - LC B
6 Dự án sản xuất CO2 thực phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau C
7 Dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Cà Mau - Cơ sở Bình Định C
KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DÀI HẠN (tt)

Dự án mới và dự án nghiên cứu cơ hội đầu tư

STT TÊN DỰ ÁN NHÓM MỤC ĐÍCH ĐẦU TƯ NGUỒN VỐN
II DỰ ÁN MỚI
1 Dự án sản xuất Khí Công nghiệp tại Nhà máy Đạm Cà Mau B Thực hiện theo mục tiêu chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, Công ty thực hiện nghiên cứu thu hồi Nitrogen, Argon từ nguồn Offgas và tinh chế đạt tiêu chuẩn khí công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tăng tải xưởng
Urea và xưởng Ammonia trong tương lai cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường khí công nghiệp trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn nguyên liệu theo định hướng chuyển dịch năng lượngcủa Tập đoàn.
Dự án đã có QĐ phê duyệt dự án số 3821/QĐ-PVCFC ngày 16/01/2025.
TMĐT dự kiến: 288,35 tỷ đồng.
2 Cụm xuất hàng xá (mái che mưa và hệ thống công nghệ xuất hàng) B Nhằm tối ưu chi phí, thời gian làm hàng xuất khẩu và đáp ứng nhanh theo yêu cầu của đối tác, công ty dự kiến đầu tư hệ thống xuất hàng xá. TMĐT dự kiến: 216,19 tỷ đồng.
3 Dự án Điện năng lượng mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu - Nhà máy Đạm Cà Mau 5MWp C Với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Nhằm tận dụng thời tiết nắng nhiều tại Cà Mau, PVCFC đang tìm tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi
dự án sản xuất điện mặt trời theo hướng tự sản tự tiêu để giảm chi phí mua điện, góp phần chủ động sử dụng các nguồn cung cấp điện, nâng cao hiệu quả hoạt động.
TMĐT dự kiến: 76,44 tỷ đồng.
4 Dự án đầu tư xây dựng bể bơi tại khu nhà ở CBCNV C Hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện môi trường sống làm việc tốt nhất cho CBCNV yên tâm công tác, thực hiện tốt công tác an sinh và nhân sự của Công ty. TMĐT dự kiến: 31,44 tỷ đồng.
5 Dự án Mái che đường E8 C Song song với việc đầu tư hệ thống xuất hàng xá thì mái che cho đường xuất hàng là cần thiết và triển khai đồng bộ đảm bảo mục tiêu làm hàng trong mọi điều kiện thời tiết. TMĐT dự kiến: 26,09 tỷ đồng.
STT TÊN DỰ ÁN NHÓM MỤC ĐÍCH ĐẦU TƯ NGUỒN VỐN
III DỰ ÁN CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
1 Dự án Kho khu vực Cần Thơ B Bổ sung và hoàn thiện hệ thống kho chứa, giúp Công ty chủ động trong tổ chức thực hiện kế hoạch SXKD và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tồn trữ - cung ứng hàng hóa, làm đầu mối giao nhận phục vụ tại các thị trường mục tiêu. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
2 Dự án Kho khu vực An Giang/Đồng Tháp B Bổ sung và hoàn thiện hệ thống kho chứa, giúp Công ty chủ động trong tổ chức thực hiện kế hoạch SXKD và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tồn trữ - cung ứng hàng hóa, làm đầu mối giao nhận phục vụ tại các thị trường mục tiêu. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
3 Nhà máy sản xuất Khí Công nghiệp B Thực hiện theo mục tiêu chiến lược đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, Công ty thực hiện nghiên cứu thu hồi Nitrogen, Argon từ nguồn Offgas và tinh chế đạt tiêu chuẩn khí công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tăng tải xưởng Urea và xưởng Ammonia trong tương lai cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường khí công nghiệp trong nước, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn nguyên liệu theo định hướng chuyển dịch năng lượng của Tập đoàn. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
4 Dự án Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu B Tham gia thị trường chế biến và xuất khẩu nông sản theo định hướng chiến lược của Công ty trên cơ sở tận dụng thế mạnh hiện có để góp phần hỗ trợ và tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản, tạo doanh thu và lợi nhuận cho Công ty. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
5 Dự án nâng công suất Nhà máy sản xuất phân Đạm Cà Mau B Gia tăng sản lượng NH3 để SX Urea, góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
5 Dự án Đầu tư xây dựng Kho và Cảng phục vụ xuất nhập nguyên liệu, sản phẩm tại Nhà máy sản xuất NPK Hàn-Việt B Bổ sung và hoàn thiện hệ thống kho chứa, giúp Công ty chủ động trong tổ chức thực hiện kế hoạch SXKD và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tồn trữ - cung ứng hàng hóa, làm đầu mối giao nhận phục vụ tại các thị trường mục tiêu. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện
IV ĐẦU TƯ KHÁC
1 Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (M&A, góp vốn, hợp tác) Hiện PVCFC đang kinh doanh thử nghiệm sản phẩm hữu cơ vi sinh để đánh giá mức độ hấp thụ của thị trường để tìm kiếm cơ hội phát triển thêm sản phẩm theo hướng hữu cơ, tiến tới M&A hoặc góp vốn hợp tác mở rộng quy mô và chủng loại sản phẩm. Ghi đầu mục để nghiên cứu thực hiện