Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có những ý kiến chỉ đạo quan trọng và lãnh đạo một số đơn vị thành viên nêu những tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2016. Báo Năng lượng Mới xin trích đăng một số ý kiến đó.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải lấy hiệu quả là mục tiêu số 1



Trước hết, yêu cầu Tập đoàn tập trung vào thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta nghiên cứu để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, nhưng phải tính toán rất kỹ. 1 triệu tấn đóng góp được bao nhiêu cho GDP? Mang lại hiệu quả như thế nào? Phải lấy hiệu quả làm mục tiêu số 1. Không thể vì 1 triệu tấn mà không có hiệu quả ta vẫn làm.

Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ các nhà máy của Tập đoàn như nhà máy chế biến dầu, khí, điện… phải đảm bảo hoạt động an toàn tuyệt đối, nhưng phải có hiệu quả. An toàn từ khâu thi công công trình cho đến khâu khai thác, vận hành, sử dụng… An toàn cho người, cho thiết bị.

Vấn đề thứ ba, làm tốt công tác dự báo rủi ro, để làm cơ sở triển khai các giải pháp, ứng phó cho phù hợp. Dự báo rất quan trọng để chúng ta có kế hoạch đầu tư.

Vấn đề thứ tư, cần tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn, tái cấu trúc các doanh nghiệp (DN).

Đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tái cấu trúc để chúng ta mạnh lên, khỏe lên, hiệu quả hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Đây là mục tiêu vừa trước mắt, vừa lâu dài, để thực hiện được vai trò trụ cột, chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như trong việc trở thành một Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước có khả năng can thiệp để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tôi đề nghị lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị, phải rà soát lại các dự án đã đầu tư, chuẩn bị đầu tư và chưa thực hiện đầu tư; xem xét tất cả các yếu tố ảnh hưởng tốt, ảnh hưởng chưa tốt đến hiệu quả của dự án, để chúng ta có kế hoạch, giải pháp và điều chỉnh, xử lý sao cho đảm bảo hiệu quả.

Các đồng chí cùng Bộ Công Thương tham gia rà soát, xem cái gì cần tập trung, tập trung thì phải quyết liệt, vì chúng ta đã bỏ vốn vào dở dang, không thể để vốn nằm chết trong đó, không được luân chuyển, công trình chậm khai thác sử dụng.

Vấn đề nữa là xác định các DN phải tập trung để cổ phần hóa và tỷ lệ cổ phần hóa như thế nào. Cổ phần hóa là một nội dung của tái cấu trúc. Bản thân các DN ngoài Nhà nước, 100% vốn tư nhân, họ vẫn phải tái cấu trúc trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay. Cổ phần hóa là động lực để thúc đẩy tái cấu trúc hợp lý, là điều kiện cần và đủ để tái cấu trúc thật sự. Đây là bài toán khó. Phải tái cơ cấu lại bộ máy, tổ chức, nhân lực cho phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Không làm thì không cạnh tranh được trong sự khốc liệt của kinh tế thị trường.

Một vấn đề nữa là tái cấu trúc quản trị DN, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng kiểm soát. Từ việc xây dựng dự án cho đến việc triển khai thực hiện, quản lý, khai thác dự án, thì quản trị DN có vai trò quyết định. Quản trị DN tốt thì có nhân lực tốt, có dự án tốt, khai thác tốt, hoạt động tốt… Bên cạnh đó phải đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Một nhiệm vụ cuối cùng là tăng cường hoạt động xã hội, không phải chỉ ngoài xã hội mà trong nội bộ DN. Xây dựng môi trường Văn hóa DN, đẩy mạnh và phát huy văn hóa Dầu khí truyền thống. Đặc biệt là phát huy bản lĩnh truyền thống của ngành Dầu khí, trong khó khăn chúng ta càng gắn bó, đoàn kết tạo sức mạnh để cùng vượt qua. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải tiếp tục đi lên, tiếp tục có nhiều đóng góp, tiếp tục là trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phải mạnh để xứng đáng với kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.

Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa: Ưu tiên bảo đảm sản lượng khai thác



Năm 2016, tình hình càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi đầu tháng 1-2016, giá dầu đã giảm xuống mức 28USD/thùng, chỉ bằng 50% giá dầu kế hoạch mà Hội đồng Vietsovpetro phê duyệt ở mức 55USD/thùng.

Trước tình hình đó, Vietsovpetro đã triển khai các hoạt động trên tinh thần ưu tiên việc bảo đảm sản lượng khai thác, giãn cách tiến độ những việc chưa cần thiết và chưa thật gấp rút.

Vietsovpetro đã đạt được chỉ tiêu 6 tháng là 2.540.000 tấn dầu và đã đưa được một mỏ ở Lô 09-1 vào khai thác trước kế hoạch 1 tháng 9 ngày và giúp Vietsovpetro tiếp tục duy trì sản lượng ở mức cao.

Về chi phí sản xuất đầu tư, đến hết tháng 6-2016 đã tiết giảm được khoảng 64 triệu USD và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với 2 chính phủ.

Doanh thu 6 tháng của Vietsovpetro đạt 762 triệu USD, với giá dầu trung bình là 40,8USD/thùng. Lợi nhuận phía Việt Nam đạt 75 triệu USD và phía Nga là 72,5 triệu USD, tổng lợi nhuận của Vietsovpetro 6 tháng đầu năm là 148 triệu USD.

Với tỷ lệ dầu để lại tăng từ 35 lên 45% theo Hiệp định mới sửa đổi mà chính phủ hai phía đã phê duyệt, Vietsovpetro đã có thể cân đối thu chi, trang trải chi phí và có thêm nguồn lực tối thiểu để vượt qua khó khăn do giá dầu giảm sâu như trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch HĐTV PVEP Hoàng Ngọc Đang: Không sa thải bất cứ ai



Hiện nay, nếu giá dầu lên mức 55USD/thùng thì hòa giá và cũng rất may mắn bởi thời gian giá dầu ở mức dưới 30USD/thùng không dài nên lỗ tích lũy 6 tháng đầu năm của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng không quá cao. Trong tình hình ấy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc cùng Đảng ủy xác định cần ổn định PVEP về tổ chức và tư tưởng.

Đây là việc rất khó khăn, bởi nếu chúng ta học tập các nhà thầu nước ngoài sa thải người lao động thì tư tưởng của đơn vị bất ổn và cái khó chồng cái khó. Vì thế, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức hội nghị người lao động và xác định chỉ giảm thu nhập chứ không sa thải bất cứ ai nếu không vi phạm kỷ luật. Điều này là một yếu tố góp phần giúp PVEP giữ được sự ổn định.

Khi chúng ta giàu thì rất nhiều người cho vay, nhưng khi chúng ta nghèo thì họ lại rất ngại cho vay; nên trong trường hợp này, chúng tôi rất khó đi vay và khó có người giúp. Vì vậy, việc giảm quy mô đầu tư là điều cần thiết. Trước đó, trong những năm 2012-2014, mỗi năm PVEP đầu tư từ 1,5- 2 tỉ USD/năm cho thăm dò khai thác, nhưng năm 2016, tổng đầu tư cho lĩnh vực này chỉ còn 400 triệu USD.

Hiện PVEP không thể định nghĩa được vốn cho công tác tìm kiếm thăm dò vì không còn nguồn quỹ này. PVEP như con người đi bằng hai chân gồm tìm kiếm thăm dò và khai thác, hiện nay chân “tìm kiếm thăm dò” bị teo lại và chúng tôi đang đi khập khiễng.

Có một vấn đề mà rất khó giải quyết, ấy là việc trả lãi ngân hàng mà PVEP phải vay để đầu tư. Hiện nay lãi ngân hàng chưa được tính vào chi phí sản xuất mà chỉ được tính sau khi PVEP đã nộp ngân sách và trích các loại quỹ khác nên gây ra nhiều khó khăn cần xử lý cho đơn vị.

Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng: Hy vọng về bức tranh sáng sủa hơn



Hiện nay, tất cả các dịch vụ Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cung cấp đều liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, nếu các hoạt động này giảm thì doanh thu và lợi nhuận của PV Drilling cũng sẽ giảm theo. Tài sản lớn nhất của PV Drilling là 6 giàn khoan thì hiện nay chỉ có 2 giàn khoan hoạt động, 4 giàn còn lại đều nằm chờ việc, trong đó 3 giàn khoan tự nâng đang nằm ở Vũng Tàu và giàn khoan đất liền đang ở Algeria.

Cùng với sự phối hợp của PVEP và sự hỗ trợ của lãnh đạo Tập đoàn, PV Drilling hy vọng sẽ có bức tranh sáng sủa hơn về sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm với việc giàn khoan PV Drilling số 1 có việc ở Myanmar, giàn PV Drilling số 3 có việc ở Malaysia.

Theo kế hoạch mà Vietsovpetro và PVEP vừa báo cáo, trong 6 tháng cuối năm, tôi rất hy vọng hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí sẽ tăng lên. Khi Vietsovpetro khẳng định sẽ dành cho PV Drilling 3 giếng, chúng tôi cảm thấy rất vui, bởi với PV Drilling không gì quý bằng có giếng khoan. PV Drilling rất mong Vietsovpetro và lãnh đạo Tập đoàn để có thêm giếng khoan vào cuối năm. Và hy vọng tới cuối năm 2016, PV Drilling sẽ có chút lãi.

Với tình hình khó khăn của 6 tháng đầu năm, PV Drilling đã đạt 2.632 tỉ đồng, tương đương 71% kế hoạch Tập đoàn giao và chỉ đạt 31% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 74 tỉ, bằng 29% so với kế hoạch được duyệt và đạt 7% so với cùng kỳ năm trước…

Tổng giám đốc PTSC Phan Thanh Tùng: Khai thác thế mạnh chế tạo thiết bị dầu khí



Lĩnh vực khảo sát địa chấn của chúng ta hiện nay đã giảm giá khoảng 50%, nhưng nếu muốn cạnh tranh với nước ngoài thì phải tiếp tục giảm 30-40% nữa, tức là chịu lỗ 30-40%. Lĩnh vực tiếp theo chịu cảnh “giảm cấp số nhân” là cơ khí dầu khí.

PTSC 6 tháng đầu năm đã nỗ lực hoàn thành được kế hoạch Tập đoàn giao. Tuy nhiên, khối lượng công việc cho 6 tháng cuối năm còn nhiều hơn và để hoàn thành được cũng là cả một thử thách. Để đạt được kết quả như vậy, PTSC đã áp dụng một hệ thống các giải pháp cho từng lĩnh vực và coi cải tiến trở thành công việc thường nhật. PTSC xác định cần mở rộng hợp tác, tập trung vào quản lý, phát triển chất xám, dịch vụ, quản lý chuyên gia hàm lượng chất xám cao, để đối tác hỗ trợ những gì chúng ta chưa làm được hay gặp khó khăn chứ không ôm đồm.

Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập ra một khu vực để cơ chế pháp lý, hành lang chính sách trong khu vực đó đều linh hoạt hết cỡ, để phát triển năng lực sản xuất để làm sao bán được cho các đơn vị trong ngành và phải cạnh tranh được với tư nhân, bán được cả ra thế giới.

PTSC xác định tập trung vào các thế mạnh sẵn có như cơ khí dầu khí, hiện công nhân dầu khí biển của Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và có thể có mức giá cạnh tranh với các công ty kỹ thuật dầu khí trên thế giới.

Một giải pháp nữa cũng hết sức quan trọng là tập trung và đổi mới công nghệ, cũng như tập trung vào giá trị dịch vụ chất xám và duy trì lực lượng lao động dài hạn, chuyên gia có giá trị cao. Ngoài ra PTSC cũng hướng tới kết nối cùng khách hàng các giàn với nhau để giảm chi phí như đối với các tàu FSO và FPSO, chúng ta hoán cải hoặc tận dụng những tàu cũ được bán giá rẻ để đưa vào chương trình các mỏ mới nhằm giảm giá thành.

Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến: Duy trì công suất ở mức 107%



Trong lĩnh vực sản xuất phân đạm, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua. Đó là dư cung trong nước và thế giới do sự thay đổi về nhu cầu cũng như nhiều nhà máy phân đạm được đưa vào vận hành.

Hơn nữa, trong năm 2016 biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường chính của công ty, bị ngập mặn, hạn hán khiến cho nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng với đó, cạnh tranh từ các nước trong khu vực rất mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực phân đạm với lượng nhập khẩu mạnh với thuế suất bằng 0%. Hơn nữa, giá urê giảm mạnh, năm 2016 giá giảm kỷ lục là 200USD/tấn, tác động rất mạnh tới các công ty sản xuất phân đạm, trong đó có Công ty Đạm Cà Mau. Nhà máy của công ty mới được đưa vào hoạt động 4 năm nay nên toàn bộ khấu hao và lãi vay còn rất lớn, gần 1.800 tỉ đồng/năm. Điều này đã tác động vào chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Ngay từ đầu năm, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt về tiêu thụ kịp thời sản phẩm. Với sự nỗ lực đó, công ty giữ vững sản xuất ổn định, duy trì công suất nhà máy trung bình ở mức 107%. Sản xuất và tiêu thụ kịp thời toàn bộ sản phẩm 6 tháng đầu năm, vượt 4% kế hoạch. Thực hiện tốt công tác tiết kiệm, tiết giảm 11%, giảm bớt khó khăn do thị trường.

Trong 6 tháng cuối năm, PVCFC tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: Tập trung vận hành nhà máy ổn định, an toàn, tiếp tục tối ưu hóa công nghệ để nâng cao công suất vận hành nhà máy; củng cố mở rộng thị trường phân phối; phát triển nâng cao thương hiệu Đạm Cà Mau “Hạt ngọc mùa vàng”; tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu phát triển nhằm tối ưu hóa công nghệ, nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm mới; chú trọng đến công tác quản trị, quản lý chi phí, tiết giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch HĐTV PV Power Hồ Công Kỳ: Cơ bản hoàn thành phương án cổ phần hóa



Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) là 1 trong 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của PVN, PV Power đang sở hữu 4208MW với 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy nhiệt điện than, tính đến thời điểm hiện nay đã cung cấp lên lưới điện quốc gia là 120 tỉ kWh. Tổng công suất nguồn chiếm 12% và chiếm khoảng 14% tổng sản lượng điện thương mại quốc gia, đứng thứ 2 sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngay từ đầu năm 2016, với nhiều khó khăn, thách thức, PV Power đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung chỉ đạo triển khai công tác trọng tâm nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.

Tổng sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 10,738 tỉ kWh. Các nhà máy điện khí được vận hành và huy động tốt, sản lượng điện tăng cao so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2015. Doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 12.398 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 897 tỉ đồng, bằng 149% kế hoạch cả năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 563 tỉ đồng.

Đạt được những thành công như vậy chủ yếu là do các nhà máy điện khí tăng sản lượng, doanh thu và do giá khí giảm sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy huy động với công suất phát cao. Về chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí toàn tổng công ty đã tiết kiệm được 143 tỉ.

Về công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu, PV Power đã hoàn thành báo cáo xác định giá trị DN lần đầu và sẽ có báo cáo để Tập đoàn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thành cơ bản phương án cổ phần hóa.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên: Tiếp tục cắt giảm chi phí sản xuất



Kế hoạch sản xuất năm 2016 được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô là 60USD/thùng… Nhưng 6 tháng đầu năm, bình quân giá dầu thô là 40USD/thùng, như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho dù sản xuất trong nước nhưng vẫn phải đóng thuế nhập khẩu 10%. Thuế nhập khẩu này vẫn còn cao hơn thuế nhập khẩu (khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại) như từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với giá dầu hiện nay, 10% tương đương 5-6USD/thùng.

6 tháng đầu năm, BSR sản xuất vượt 17% kế hoạch. Công ty đã kiên quyết vận hành nhà máy an toàn, ổn định với 105% công suất. Vượt 17% tương đương với 500 ngàn tấn sản phẩm - đây là con số hết sức ý nghĩa trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Về doanh thu, kế hoạch năm 2016 là 82 nghìn tỉ đồng, 6 tháng đầu năm, BSR đã phấn đấu đạt 35 nghìn tỉ đồng, đạt được 86% kế hoạch 6 tháng và đạt 43% kế hoạch cả năm. Nộp ngân sách Nhà nước 6 tháng 6 nghìn tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch 6 tháng đầu năm và đạt được 40% kế hoạch cả năm.

Trong những tháng đầu năm, BSR đã kiên quyết thực hiện, cắt giảm tối đa sự tiêu hao năng lượng, cắt giảm chi phí sản xuất, thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học hợp lý hóa sản xuất và tiết giảm được 230 tỉ đồng. Tất cả vấn đề tiết kiệm, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được BSR thực hiện nhằm nâng cao năng lực, tiến tới cạnh tranh với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như các nhà máy trong khu vực.

BSR đang cùng với các ban chuyên môn trong Tập đoàn tích cực thực hiện vấn đề thu xếp vốn cho nâng cấp mở rộng, xác định giá trị DN và phương án cổ phần hóa trong năm 2016 và thực hiện theo lộ trình cổ phần hóa trong năm 2017.

(Theo petrotimes.vn)