Từ ngày 10 đến 15/10/2013, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về việc xử lý khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, tiền đọc và sử dụng tài liệu dầu khí nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2012.

PVN trước bước ngoặt quan trọng
 
Quyết định cuối cùng sẽ được thông qua vào cuối tháng 11 này khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bế mạc.
 
Tuy vậy, điều đáng nói là đến thời điểm này, trong Quốc hội, Chính phủ, một số Bộ liên quan như Tài chính, Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư cũng như PVN còn những quan điểm rất khác nhau. Tạm không đề cập đến con số tiền bạc cụ thể, chỉ quy về 2 luồng quan điểm chủ đạo.
 
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc đầu tư cho PVN là rất quan trọng, để đảm bảo nguồn thu, tạo điều kiện cho Tập đoàn phát triển, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí... cần tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
 

Công nhân dầu khí Việt Nam và Venezuela đang làm việc trên giàn khoan PVD 39
 
Quan điểm thứ hai lại cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng hụt thu lớn, cần tăng thêm phần thu vào ngân sách vì vậy "đành" giảm phần để lại đầu tư cho ngành Dầu khí. Thậm chí có ý kiến đề xuất thay vì phương án chia 50-50 như trước đây (50% thu trực tiếp vào NSNN, 50% đầu tư trở lại PVN) sẽ thực hiện phương án mới, chia theo tỷ lệ 75-25.
 
Có thể nói, Nghị quyết lần này của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012 cho PVN (cũng có thể là quyết định cho các năm tiếp theo) sẽ đặc biệt hệ trọng đối với tương lai của PVN và ngành Dầu khí nước nhà.
 
Chính vì vậy, trước những ý kiến chưa thống nhất, quyết định của Quốc hội sẽ không hề dễ dàng nếu muốn thay đổi một định chế được coi là rất hợp lý đang được thực hiện tốt trong suốt 7 năm qua, góp phần hình thành nên một ngành công nghiệp dầu khí đóng góp 28-30% tổng thu ngân sách hằng năm, một thương hiệu quốc tế mang tên Petrovietnam. Đây là quyết định có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, không chỉ với PVN.
 
Để có được một đánh giá chuẩn xác và hành xử sáng suốt về vấn đề này, thiết nghĩ, cần xem xét một số nội dung sau.
 
Chiến lược đúng tạo đột phá ngoạn mục
 
Kể từ ngày 19/1/2006, Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến 2025 đã thực sự đã mở ra một con đường mới phù hợp với xu thế thời đại cho ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu giai đoạn bứt phá tăng trưởng vượt bậc và rực rỡ nhất của PVN trong suốt chiều dài 50 năm xây dựng và phát triển.
 
PVN thực sự đã trở thành Tập đoàn kinh tế đầu tàu với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 28%/năm, chiếm bình quân 18-20% GDP cả nước, đóng góp trung bình 28-30% tổng thu ngân sách. Năm 2011, PVN đạt tổng doanh thu trên 675 nghìn tỉ đồng, năm 2012 chinh phục đỉnh cao 772,7 nghìn tỉ đồng. Trữ lượng dầu khí được gia tăng hiện nay lên mức gần 400 triệu tấn quy dầu từ mức 260 triệu tấn trong giai đoạn trước, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng hơn 3 lần so với năm 2006. Hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu toàn Tập đoàn là 60% (của Công ty Mẹ PVN là 7,64% - trong khi Bộ Tài chính quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước, hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 300%); lợi nhuận trước thuế/doanh thu toàn Tập đoàn là 15% (của Công ty Mẹ là trên 56%); nộp NSNN tăng 15,5%/năm, gấp 2,4 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm, chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
 
Ngày 5/9/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2007/NĐ-CP về Quy chế Quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và quy định quy định cho phép PVN từ năm 2007 trở đi hằng năm được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần được chia cho nước chủ nhà trong Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm để chủ động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Thông tư số 56/2008/TT-BTC ngày 23/6/2008 của Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc kê khai, nộp và quyết toán các khoản thu của Nhà nước áp dụng đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị khai thác hoặc nhà thầu Việt Nam được ủy quyền thực hiện kê khai, nộp vào ngân sách Nhà nước quy định tại Điều 18 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142 của Chính phủ.
 
Như vậy, việc quy định số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà để lại hằng năm cho PVN là có những cơ sở pháp lý trên cơ sở định hướng chiến lược chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
 
Đây chính là điều kiện để tạo chuyển biến lớn về chất đối với ngành Dầu khí, hình thành Tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, dựa trên tiềm năng dầu khí trong và ngoài nước, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển bền vững, đồng bộ, năng động trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi theo chuỗi giá trị bao gồm: Tìm kiếm, thăm dò; khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; sản xuất điện, công nghiệp khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. PVN hiện đã trở thành thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, có trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, trở thành công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, tích cực tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và đóng góp lớn cho an sinh xã hội.
 
Có thể thấy rõ ràng điều đó qua một thực tế, những năm gần đây, trong tất cả những phát biểu đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, các cơ quan chuyên môn của Trung ương khi tiến hành kiểm tra, làm việc với PVN đều có chung một nhìn nhận rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN luôn đạt được hiệu quả cao, các nguồn vốn cơ bản được sử dụng đúng, đóng góp quan trọng cho đất nước.
 
Đầu tư hiệu quả của ngành Dầu khí
 
Với vị trí quan trọng của ngành Dầu khí trong nền kinh tế của đất nước thì quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức lớn trước cạnh tranh gay gắt. Dầu khí là lĩnh vực hoạt động đầy thử thách cam go và nhiều rủi ro, là lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng phải đầu tư rất lớn.
 
Vấn đề toàn cầu hóa nền tảng khai thác và kinh doanh dầu khí đã trở thành xu thế chung trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu không có hợp tác quốc tế thì không thể phát triển ngành đặc biệt này. Sự đổi mới về công nghệ khai thác, sự chuyển đổi dạng thức xuất nhập khẩu, đòi hỏi của mức độ đầu tư, sự phân vùng của tài nguyên, nhu cầu chia sẻ rủi ro..., đã đưa ngành dầu khí thế giới sang một giai đoạn mới với luật chơi mới, đa dạng hóa về cấu trúc và tuân thủ các nguyên tắc của tự do hóa đầy đủ thị trường. Không quốc gia nào có thể tự tổ chức triển khai từ khâu thượng nguồn (khoan thăm dò khai thác) đến hạ nguồn (chế biến dầu khí), đòi hỏi phải thu hút vốn và có sự tham gia của các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất, quản lý doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ cán bộ.
 

Giàn Hải Thạch - Mộc Tinh của PVN
 
Đơn cử 2 ví dụ sau, PVN hiện đang duy trì khai thác gần 20 mỏ dầu - khí với sản lượng khai thác quy dầu chừng 25 triệu tấn/năm. Để phát triển mỏ các Lô 05.2 và 05.3 tổng nhu cầu vốn khoảng trên 13 ngàn tỉ đồng. Số tiền 3.500 tỉ đồng theo Nghị quyết số 16/2011/QH13 của Quốc hội để lại cho PVN chỉ đủ cho 1/4, số còn lại PVN phải đi vay hoặc huy động đầu tư. Ví dụ thứ hai, mỗi năm PVN và các đối tác phải tiến hành hàng trăm mũi khoan thăm dò thẩm lượng, một mũi khoan gần bờ chỉ vài chục triệu USD, nhưng một mũi khoan ngoài khu vực 200m nước có khoảng dao động 100-200 triệu USD tùy thuộc độ phức tạp địa chất và các yếu tố chủ quan, khách quan chi phối. Qua đó để thấy, đầu tư cho lĩnh vực dầu khí cao đến mức nào.
 
Nhờ có quyết định đầu tư đúng đắn, đến nay PVN có thể làm được những điều mà nhiều công ty lớn trên thế giới chưa dám làm như dự án phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, dự án của các kỷ lục kỹ thuật, công nghệ và sức mạnh nội lực PVN.
 
Theo các quy định nêu trên, tổng số tiền lãi dầu khí PVN được để lại từ năm 2006 đến hết năm 2011 đã được PVN giải ngân toàn bộ vào việc trích quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí và 12 dự án dầu khí trọng điểm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Polypropylen, Cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch, Dự án Đường ống Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh, Dự án Phát triển mỏ Lô 05.2 và 05.3, các dự án lọc hóa dầu Long Sơn, Nghi Sơn, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, dự án phát triển khai thác khí, nhà máy điện... Bên cạnh đó, PVN chịu trách nhiệm cấp vốn đầu tư trực tiếp cho các dự án khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài, hoặc thông qua Tổng Công ty Thăm dò & Khai thác dầu khí.
 
Quy trình sử dụng đồng vốn của Nhà nước luôn được rất nhiều cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đều phải chứng minh được hiệu quả cũng như tiên liệu được rủi ro, đặc biệt là phải được nhiều cấp, nhiều ngành xem xét ủng hộ và Chính phủ phê duyệt.
 
Con số 30 đơn vị thành viên của PVN niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán chứng tỏ việc tăng cường sự minh bạch trong hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã trở thành tâm điểm của tiến trình cải cách cơ chế tại PVN. Đây cũng chính là yếu tố để PVN khẳng định các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của mình.
 
Trên thực tế, PVN là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đặc thù với trách nhiệm đặc biệt mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng tham gia, nhưng vẫn phải đương đầu với mọi khó khăn thử thách và quy luật của kinh tế thị trường. PVN như hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước khác, tuy được hưởng một số ưu đãi của chính sách song lại chịu trách nhiệm điều tiết, bình ổn thị trường và những nghĩa vụ với xã hội, với cộng đồng mà doanh nghiệp ở các khu vực tập thể, tư nhân không phải gánh vác.
 
Cơ chế bất bình đẳng đang tồn tại
 
Từ 1/7/2010 PVN đã chuyển đổi thành mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng hiện nay PVN đang chịu sự quản lý rất chặt chẽ của Nhà nước, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất là 50% trong khi những doanh nghiệp khác chỉ phải nộp chưa bằng phân nửa. Vốn điều lệ của PVN bao gồm phần vốn góp vào Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, đơn vị đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và thực hiện các nghĩa vụ thuế theo luật pháp Việt Nam, tuy vậy khoản lãi dầu khí PVN nhận được từ kết quả hoạt động của Vietsovpetro lại áp dụng theo cơ chế quản lý nguồn vốn NSNN (ghi thu, ghi chi), chưa được coi là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN như Luật Doanh nghiệp, Luật Dầu khí quy định.
 
Hiện tại, đối với PVN một số vấn đề về xử lý tài chính, thuế vẫn chưa được triệt để thực hiện theo tinh thần Kết luận 41-KL/TW và Quyết định 386/QĐ-TTg như việc phải phát hành hóa đơn bán dầu khí lãi được chia, thu tiền và nộp các loại thuế như một khoản thu của doanh nghiệp (được coi là tiền NSNN cấp) nên phát sinh vướng mắc về việc Tập đoàn phát hành hóa đơn cho khoản thu của NSNN, khó khăn trong công tác hạch toán cũng như quyết toán khoản lãi dầu khí để lại PVN.
 
Còn tồn tại khá nhiều vấn đề bất bình đẳng khác như: Thủ tục ghi thu, ghi chi qua NSNN cho PVN khoản vượt thu lãi dầu khí được PVN giữ lại và đã sử dụng; chưa có chính sách rõ ràng và khuyến khích các hoạt động dầu khí tại các lô nước sâu, xa bờ, thăm dò khai thác khí thiên nhiên; việc sử dụng nguồn trữ lượng dầu khí, tài sản trong khai thác dầu khí làm tài sản thế chấp; sử dụng tiền lãi dầu để đầu tư phát triển ngành và đặc biệt cho công tác mở rộng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; PVN vẫn chưa được tự tiến hành hoạt động dầu khí mà phải ký kết các hợp đồng dầu khí; chính sách thuế VAT, thuế nhập khẩu... vẫn bất bình đẳng giữa dịch vụ trong nước với dịch vụ do công ty nước ngoài thực hiện; chính sách thuế cho các Nhà máy lọc dầu và nằm trong quy hoạch vẫn chưa có điều chỉnh để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, chính sách đối với giá khí và điện chưa tiếp cận theo cơ chế thị trường. Đến nay, cơ chế thu và quản lý đầu tư trong lĩnh vực dầu khí vẫn chưa có một văn bản pháp lý “tầm cỡ” Nghị định, đó là chưa kể đến những chính sách liên quan đến thu xếp vốn, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cấp và bảo lãnh vay vốn, đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ để thuận lợi trong thu xếp vốn vay cho các dự án trọng điểm về dầu khí.
 
Giải pháp để lùi hay tiến?
 
Có thể nói, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sẽ quyết định những vấn đề rất hệ trọng liên quan đến việc xử lý các dự án đầu tư cũng bước đi tương lai của ngành Dầu khí. Những sản phẩm của PVN hiện nay đóng vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc điều tiết và “giữ nhịp” thị trường là trách nhiện rất cần thiết mà PVN phải nhận lãnh, nhưng kinh tế thị trường là minh bạch, là sòng phẳng.
 
Việc đánh giá thận trọng, khách quan, toàn diện và công bằng về PVN để đề ra giải pháp tài chính cho chiến lược đầu tư không thể là ứng xử bất cẩn, vội vã.
 
Nếu là một bước lùi sẽ gây lỡ dở các kế hoạch PVN đã và đang thực hiện mà còn có thể phương hại đến nền kinh tế và lợi ích quốc gia nói chung. Đặc biệt, các mối quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài, phải mất nhiều năm gây dựng uy tín và thương hiệu, có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.
 
Chỉ xin lấy một ví dụ để minh chứng, hiện nay PVN đang hợp tác thực hiện 25 dự án dầu khí ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng dầu khí cao và có quan hệ chính trị tốt. Từ nền tảng vững chắc Vietsovpetro, mối quan hệ hợp tác về dầu khí giữa PVN và các đối tác Nga phát triển không ngừng, không những tại Việt Nam, mà mở rộng ngày càng hiệu quả tại Liên bang Nga và các nước SNG. Để đạt được thỏa thuận hợp tác với những công ty khổng lồ như Gazprom, Rosneft, Zarubezneft, PVN rất cần phải có đủ thực lực cả về trình độ lẫn tài chính. Nếu PVN không thể được cấp đủ vốn, đặc biệt là đối với các dự án đã và đang đầu tư triển khai theo kế hoạch, mọi kết quả và lợi thế hiếm có mà PVN đạt được với phía bạn có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng khó lượng định nổi.
 
Có thể, Chính phủ trong hoàn cảnh giải quyết tình thế sẽ phải tạm điều chỉnh phương án tài chính với PVN, song điều đó cần được công khai rõ ràng và có kế hoạch bù đắp kinh phí khi đã đủ khả năng cân đối để PVN có thể chủ động thu xếp kế hoạch đầu tư, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngõ hầu giữ được uy tín cho PVN cũng là thể diện quốc gia trước các đối tác.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận, việc đầu tư cho PVN là rất quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí, do vậy từ năm 2013-2014 và các năm sau cần chốt luôn phương án để cho doanh nghiệp chủ động.
 
Hy vọng rằng Quốc hội sẽ có được một quyết định đúng đắn nhất, sáng suốt nhất đối với PVN trong kỳ họp này.
 
Nguyễn Tiến Dũng