Chủ động lập kế hoạch là yếu tố tiên quyết

Vượt qua mọi khó khăn khách quan lẫn chủ quan, PVCFC hoàn thành bảo dưỡng tổng thể (BDTT) 2020 hiệu quả.

Thay mặt tổ triển khai, ông Đặng Quang Hùng – Phó Giám đốc Nhà máy kiêm Chỉ huy trưởng công trường đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện. Bên cạnh yếu tố chuyên môn và quyết tâm cao, mấu chốt thành công đến từ công tác chuẩn bị từ rất sớm, bài bản, kỹ lưỡng.

Bảo dưỡng cơ hội là hoạt động định kỳ hàng năm được Ban QLBD triển khai rất tốt trong suốt 8 năm qua. Tiếp nối chuỗi thành tích đó, hoạt động bảo dưỡng được khối vận hành không ngừng được cải tiến nhằm đảm bảo các thông số kỹ thuật đúng thiết kế, nhà máy vận hành ổn định, xuyên suốt. Năm nay, công tác dừng máy, FWD (final walkdown) và tái khởi động đặc biệt được chú trọng. Nhờ làm chủ công nghệ, vững chuyên môn và lấp kế hoạch từ sớm, đội ngũ kỹ sư hoàn toàn nắm thế chủ động.

Các phương án được hoàn thành trước BDTT, đánh giá rủi ro trước khi triển khai, công tác xả thải cũng được chuẩn bị chu đáo. Tiến độ dừng máy và tái khởi động được lập rất chi tiết, đảm bảo lập trình chính xác. Kiểm soát thời gian thực hiện, tiêu hao năng lượng khí và điện tối ưu, nhiều chỉ số được đánh giá tốt hơn đợt thực hiện năm 2019. Bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau năm 2020 đã kết thúc và hoàn thành vượt tiến độ dự kiến hơn 1 ngày, diễn ra đúng mục tiêu An Toàn, Chất Lượng, Tiến Độ, Hiệu Quả với 1.812 hạng mục trong đó có 4 hạng mục chính gồm: thi công cải hoán trao đổi nhiệt trong nhà máy; Sửa chữa Cụm Primary Reformer F04201; Sửa chữa E04208; Thay thế xúc tác R04204,R41001 và bổ sung xúc tác R04301

Thời gian dừng máy chỉ 38,5 giờ, tiêu hao 34.368GJ Natural Gas ít hơn và 298Mwh điện – bằng một nửa năm 2019. Thời gian tái khởi động khả quan, ngắn hơn 4,5 giờ so kỳ trước. Sau bảo dưỡng, giá trị làm lợi cho công ty tương đương 64,8 tỷ đồng.

Tài hội thảo, ban Lãnh đạo công ty đã biểu dương nhà thầu, tổ chuyên môn hoàn thành tốt công tác quan trọng này. Mỗi hạng mục đều có kế hoạch rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng, theo dõi kiểm tra rà soát kỹ lưỡng. Tất cả đều hoàn chỉnh trước khi tái vận hành nhằm giảm thiểu sơ sót nhất.

Kinh nghiệm là hành trang quý báu

Bên cạnh nêu bật thành tựu, hội thảo cũng đi sâu phân tích hạn chế còn tồn đọng như lượng khí tiêu hao lại nhiều hơn 9.071GJ. Do việc tăng tải từ 70% lên 95% kịp sản xuất urea phục vụ nhu cầu và một số lỗi khởi động bất khả kháng. Từ đó, phân tích bản chất và định hướng khắc phục nhằm hoàn chỉnh hơn quy trình cho những lần bảo dưỡng sau.

Do ảnh hưởng đại dịch Covid, vấn đề huy động chuyên gia, vận chuyển thiết bị, tập hợp nhân lực vô cùng khó khăn, khó tránh sai sót ngoài ý muốn. Nhưng bằng nỗ lực tối đa, đội ngũ lần đầu tiên đảm nhiệm chính, độc lập triển khai.

Từng phần trong chuỗi việc lần nữa được tái đánh giá, phân tích mặt được – yếu, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến sát thực. Trên cơ sở các vấn đề gặp phải, chỉnh sửa quy trình, tăng cường rà soát kiểm tra các thiết bị, động cơ sớm nhất có thể, khi đủ điều kiện. Tránh chủ quan dẫn đến sự cố dù là nhỏ nhất.

Từ sau bảo dưỡng, công suất nhà máy tiếp tục đạt 110%, sản phẩm thương mại đạt chất lượng. 1.812 hạng mục là con số không nhỏ nhưng toàn đội đã hoàn thành theo chủ trương chất lượng, tiến độ, an toàn, tiết kiệm, sáng tạo. Giúp Công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, đặc biệt, việc khởi động máy an toàn, chất lượng giúp công ty chuẩn bị tốt nguồn hàng cho bà con vụ Đông xuân sắp tới.

Hội thảo khẳng định, đúc rút kinh nghiệm thành công và tồn đọng luôn rất cần thiết khi vận hành bất kỳ hệ thống nào. Nhất là với nhà máy Đạm Cà Mau, đơn vị cung ứng phân bón chủ lực cho 60% thị phần ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các nước khu vực.