(DĐDN) – Thành lập năm 2011, với phương châm “Lấy người nông dân làn nền tảng”, luôn đồng hành, sát cánh với bà con nông dân, đến nay thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt ngọc mùa vàng (thuộc Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau – PVCFC) đã được khẳng định trên thị trường phân bón trong nước và khu vực. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Minh Tiến – TGĐ PVCFC xung quanh vấn đề này.

– Ông có thể chia sẻ những thành công của Cty trong những năm qua?

Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) ra đời trong thời điểm thị trường phân bón khu vực và trong nước đứng trước nguy cơ và thách thức lớn, khi mà nhu cầu phân urê trong cả nước đã lên đến 2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 50%. Tại khu vực ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của nước ta, do chưa có nhà máy sản xuất phân urê nên nguồn phân urê phụ thuộc vào nhập khẩu với chi phí cao.Vì vậy, việc xây dựng nhà máy sản xuất phân urê tại chỗ là niềm mong mỏi của hàng triệu bà con nông dân khu vực này nhờ đáp ứng được kịp thời nhu cầu mùa vụ, giảm được chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào.

Trong quá trình xây dựng và phát triển PVCFC, ngoài việc cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, việc hoàn thiện công tác quản trị và điều hành, nâng cao năng lực quản lý vận hành nhà máy, thực hiện các giải pháp đồng bộ và phát triển thị trường, hoàn thiện hệ thống phân phối và chính sách bán hàng luôn được Cty chú trọng. Chỉ sau 4 năm, thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt ngọc mùa vàng đã được định vị là sản phẩm tin cậy của bà con nông dân và nhiều đối tác chiến lược quan trọng.

– Ông có thể nói rõ hơn?

Với mức vốn đầu tư ban đầu hơn 700 triệu USD và công suất 800.000 tấn/năm. Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong những nhà máy hiện đại nhất ở VN và khu vực trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Sản phẩm urê hạt đục với thương hiệu Đạm Cà Mau là sản phẩm đạm hạt đục duy nhất được sản xuất tại VN với công nghệ hàng đầu của các nước G7, với những ưu điểm vượt trội như: chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải, dễ phối trộn. Nhà máy luôn đạt công suất thiết kế, sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, và luôn sát cánh với bà con nông dân trong từng mùa vụ. Đồng thời, để tránh tình trạng sốt hàng, sốt giá, Cty luôn chủ động nguồn hàng, duy trì đảm bảo tồn kho ở mức độ hợp lý để điều tiết thị trường, hợp tác chặt chẽ với các đại lý, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistic… đưa sản phẩm về các khu vực tiêu thụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con nông dân.

Hiện nay, sản phẩm Đạm Cà Mau đã chiếm gần 60% thị phần khu vực ĐBSCLvà trên nhiều địa phương trong cả nước. Đồng thời, Đạm Cà Mau tự hào là một trong các DN đi tiên phong trong việc thâm nhập thị nước ngoài. Sản phẩm Đạm Cà Mau đã có mặt tại các thị trường như: Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipines, Nhật Bản, Bangladesh… và được đánh giá cao về chất lượng.

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Cty luôn coi trọng công tác an sinh xã hội. Hàng năm, Cty luôn dành một phần kinh phí thực hiện các hoạt động như: xây dựng trường học, trạm y tế tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, xây dựng nhà Đại đoàn kết, tài trợ học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, hỗ trợ và tặng quà các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng…

– Chiến lược phát triển của Cty trong những năm tới là gì, thưa ông?

Mục tiêu của chúng tôi trong những năm tới là tiếp tục vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả, cải tiến, tối ưu hóa sản xuất, nâng công suất nhà máy lên tối thiểu 840.000 tấn urê/năm. Phát triển và chiếm lĩnh thị trường khu vực ĐBSCL, đảm bảo thâm nhập và chiếm lĩnh tối thiểu 65% thị trường Tây Nam Bộ, 35% thị trường Đông Nam Bộ và 50% thị trường Campuchia. Mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước trong khu vực. Ngoài ra chúng tôi đang tập trung đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển để đưa ra các dòng sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

– Năm 2014 vừa qua Đạm Cà Mau có kết quả kinh doanh rất khả quan. Dự báo triển vọng lợi nhuận năm 2015 của Cty như thế nào thưa ông?

Năm 2014, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau rất khả quan khi Nhà máy đã sản xuất được 807 nghìn tấn, đây là năm đầu tiên nhà máy sản xuất vượt công suất thiết kế, sản lượng tiêu thụ đạt 805 nghìn tấn, tổng doanh thu đạt 6.246 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 700 tỷ đồng. Năm 2015, do thị trường có nhiều biến động, Cty xây dựng kế hoạch doanh thu đạt 5.332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 634 tỷ đồng, tương đương với 12% trên vốn chủ sở hữu.

– Với việc 100% cổ phần được bán hết trong lần đầu đấu giá cổ phần ra công chúng và việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào tháng 3 năm nay đã tạo ra thành công?

Tháng 3/2015, Đạm Cà Mau với mã chứng khoán DCM đã chính thức niêm yết tại HOSE. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ tiến trình cổ phần hóa ĐCM – PVCFC kể từ khi Cty thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 12 năm ngoái.

Là một trong 3 Cty sản xuất phân bón lớn nhất trong cả nước, tính đến 30/6/2015 PVCFC có quy mô tổng tài sản 15.246 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. Sau khi niêm yết, DCM nằm trong Top 30 Cty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, đây sẽ là cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và quỹ ETF.

– Xin cảm ơn ông!