Ngoài việc hoàn thành xuất sắc các đợt bảo dưỡng, sửa chữa lớn, làm chủ công tác vận hành đưa Nhà máy Đạm Cà Mau hoàn thành vượt mức kế hoạch hằng năm, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mới, đảm bảo phát triển bền vững cho nhà máy... các thành viên của khối sản xuất thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) còn đóng góp rất lớn vào thành công chung của đơn vị trong phong trào phát huy sáng kiến, sáng chế, ứng dụng các sáng kiến vào thực tế sản xuất kinh doanh.
 
Ngay từ khi nhận bàn giao nhà máy, nguồn nhân lực trẻ của Nhà máy Đạm Cà Mau gặp không biết ít khó khăn trong công tác vận hành, xử lý sự cố, quản lý rủi ro. Tuy nhiên, nhờ định hướng đào tạo đúng đắn và niềm tin tuyệt đối của ban lãnh đạo PVCFC vào đội ngũ kỹ sư trẻ tuổi, cùng tinh thần quyết tâm làm chủ công nghệ, mọi quy trình vận hành dần đi vào quỹ đạo ổn định.


Tập thể Ban Kỹ thuật Công nghệ, Ban An toàn Sức khỏe Môi trường,
 Xưởng Cơ khí và Xưởng Urê của Nhà máy Đạm Cà Mau

Nhiều năm qua, tập thể cán bộ kỹ thuật, người lao động thuộc Xưởng Cơ khí, Nhà máy Đạm Cà Mau đã xử lý nhiều sự cố phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy với thời gian nhanh nhất và an toàn nhất. Tiêu biểu là tháng 6-2015, Xưởng Cơ khí đã hoàn thành xuất sắc và vượt tiến độ công tác tháo lắp và thay xúc tác R04202A online với điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt: thiếu oxy, thiếu ánh sáng, không gian làm việc hạn chế…

Cùng với Xưởng Cơ khí, những con người đang làm việc tại Xưởng Urê cũng đang tạo nên những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của nhà máy.

Trong đợt bảo dưỡng lớn năm 2015, Xưởng Urê phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức như thiết bị E06102B bị ăn mòn nhiều; Máy nén CO2 ăn mòn labrynth seal, quay ngược, bình tách kém hiệu quả… Nguồn cung khí không ổn định, mỗi lần có sự cố dừng máy đều đối mặt với nguy cơ dừng máy dài ngày do rủi ro lớn từ các thiết bị E06102B và máy nén CO2. Với sự đoàn kết, cố gắng và quyết tâm của toàn bộ cán bộ kỹ thuật, công nhân viên của xưởng đã hoàn thành các kế hoạch sản xuất với 820 nghìn tấn, về đích sớm 20 ngày. 

Năm 2015 có lẽ cũng là năm đáng nhớ của đội ngũ tập thể Ban Kỹ thuật Công nghệ khi đã nghiên cứu thử nghiệm thành công và cho ra mắt sản phẩm mới cao cấp N.HUMATE+TE. Sự ra đời của sản phẩm phân bón cao cấp N.Humate+TE đánh dấu quá trình trưởng thành trong nghiên cứu phát triển sản phẩm của PVCFC. Phân bón N.Humate+TE của PVCFC đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm phân bón chất lượng cao, tạo cơ hội thuận lợi cho bà con nông dân tiếp cận được với các sản phẩm phân bón mới có các đặc điểm và tính năng nổi trội.

Cùng với 2 sản phẩm mang thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” là urê hạt đục và phân bón cao cấp N.Humate+TE, PVCFC sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ hiện đại, theo hướng chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng công thức dinh dưỡng cho từng đối tượng cây trồng, tạo thêm những giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của khách hàng và sự mong đợi của bà con nông dân.

Song song với thành tích nổi bật đó, Ban Kỹ thuật Công nghệ cũng đã chủ trì thực hiện chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” hợp tác bốn nhà, đồng hành cùng bà con nông dân tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Trong đó đã tham gia hỗ trợ nông dân xây dựng công thức bón phân, đưa ra quy trình theo dõi, chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng từ khi làm đất gieo sạ đến thu hoạch. Đây là chương trình đánh dấu cột mốc quan trọng để 3 bên (Sở NN&PTNT Cà Mau, PVCFC và Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại tỉnh Cà Mau và từ đó nhân rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Ban An toàn Sức khỏe Môi trường từng bước thực hiện một số chương trình lớn như: chương trình ASs, chương trình an toàn vận hành PSM, chương trình KPI HSE... tập trung nâng cao nhận thức cho người lao động đang làm việc tại nhà máy, đặc biệt là người lao động làm những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Ban cũng tiến hành nâng cao chuyên môn nghiệp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, sức khỏe, môi trường và phòng cháy chữa cháy của công ty thông qua việc thuê đơn vị đủ năng lực vào đào tạo và cử nhân sự tham gia trao đổi, học hỏi, cùng nghiên cứu với các đơn vị trong ngành.

Thành công đạt được trong công tác bảo dưỡng, vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau từ khi đi vào hoạt động cho đến nay còn có một phần không nhỏ đóng góp từ những đề tài, sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất của anh em cán bộ, kỹ sư nhà máy mà tiêu biểu là tập thể Xưởng Cơ khí, Xưởng Urê, Ban Kỹ thuật công nghệ và Ban An toàn.

Nhà máy Đạm Cà Mau luôn được đánh giá là nơi có phong trào sáng kiến phát triển mạnh nhất, có tính ứng dụng cao của PVCFC. Ngoài những sáng kiến làm lợi nhiều tỉ đồng còn có những sáng kiến không tính được bằng tiền nhưng đã góp phần cải tiến môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn. Năm 2015, đã có gần 100 ý tưởng đạt giải trong cuộc thi “PVCFC EUREKA” và phát triển được thêm nhiều sáng kiến mới. Tất các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của khối sản xuất đã và đang được áp dụng cho công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống thiết bị Nhà máy Đạm Cà Mau, nhằm nâng cao chất lượng thiết bị, giảm thiểu thời gian bảo dưỡng, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng sửa chữa.

Được sự tin tưởng của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hằng năm khối sản xuất Nhà máy Đạm Cà Mau đã hỗ trợ nhân sự cho công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa của Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTEX), Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo), Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR). Đồng thời đã đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR), Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSC).

Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Văn Tiến Thanh chia sẻ: “Đây là những tập thể xuất sắc, tiêu biểu của Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đội ngũ khối sản xuất luôn luôn sáng tạo trong quá trình công tác. Những sáng kiến của anh em đang làm việc tại khối sản xuất đã khơi dậy phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Từ phong trào này đã khơi dậy khả năng sáng tạo trong cán bộ, nhân viên các xưởng/phòng/ban khác trong toàn công ty. Những sáng kiến, sáng chế của anh em rất thiết thực, nhiều ý tưởng có thể áp dụng ngay vào quá trình vận hành nhà máy, giúp máy móc vận hành trơn chu, an toàn”.

Với thành tích về lao động sáng tạo khối sản xuất gồm 4 tập thể: Ban Kỹ thuật Công nghệ, Ban An toàn Sức khỏe Môi trường, Xưởng Cơ khí và Xưởng Urê đã vinh dự được đề xuất tập thể xuất sắc năm 2015. Những tập thể này là những điển hình tiêu biểu của khối sản xuất trong vườn hoa lao động giỏi, lao động sáng tạo của PVCFC, trở thành một yếu tố rất quan trọng trong khơi dậy tinh thần sáng tạo lan tỏa đến từng cán bộ, nhân viên, là sức sống của một phong trào sôi nổi đã góp phần quan trọng trong việc vun đắp, nuôi dưỡng sự thành công của PVCFC.

Nguyên Phương (theo petrotimes.vn)